Năm thành viên đề cử cho các danh hiệu Fair Play đã được ban tổ chức ghi nhận bằng kỷ niệm chương. Ảnh: XUÂN HUY
Những người được đề cử cá nhân, tập thể đoạt giải Fair Play mùa này có lợi thế sâu sát với bóng đá Việt Nam với một niềm đam mê cháy bỏng.
PV Dư Hải và dấu ấn không quên của đội U-23 Việt Nam
Anh Dư Hải, PV ảnh có thâm niên gần 30 năm lăn lộn với làng thể thao Việt Nam. Anh kể lại khoảnh khắc ghi lại ấn tượng các cầu thủ U-23 quốc gia chung vui với đồng đội Huỳnh Tấn Tài: “Tôi còn nhớ rất rõ buổi chiều hôm ấy trên sân Bishan (Singapore), Tấn Tài ngồi bên cặp nạng gỗ trên khán đài rầu rĩ vì chấn thương không thể sát cánh cùng đồng đội ra sân gặp U-23 Malaysia ở SEA Games.
Sau khi Mạc Hồng Quân ghi bàn mở điểm trên chấm 11 m, đội trưởng Quế Ngọc Hải và bạn cùng phòng Tấn Tài là Ngọc Thắng bất ngờ chạy về phía khu vực kỹ thuật của đội nhà. Chưa ai kịp hiểu ra chuyện gì thì Ngọc Hải lấy ra chiếc áo số 13 của Tấn Tài. Anh chạy ùa về phía đồng đội và tất cả đều chung tay cầm chiếc áo giơ thật cao hướng về chỗ Tấn Tài đang ngồi. Lúc đấy trước mắt tôi là hai hình ảnh trái ngược gây xúc động thật sự: Cả đội U-23 Việt Nam cười tươi rạng rỡ chia vui với đồng đội không may gặp nạn, còn Tấn Tài ngồi ôm mặt khóc. Nhưng tôi biết đấy là những giọt nước mắt hạnh phúc. Và sau đó thì tôi đã đề cử hình ảnh đẹp ấy cho ban tổ chức giải Fair Play”.
PV Ngọc Uyên xúc động với nghĩa cử đẹp của Abass
PV Ngọc Uyên (Thể Thao 24h) có kinh nghiệm theo sát V-League từ hơn 10 năm trước và anh cho rằng hành động của Abass khi sẵn sàng tha thứ cho người gây ra chấn thương cho mình rất đáng trân trọng. Anh chia sẻ: “Trận chung kết Cúp Quốc gia 2015, B. Bình Dương chơi lấn lướt Hà Nội T&T và trong một pha tấn công nhanh ở biên trái, Abass bị hậu vệ Thanh Hào đốn ngã. Tôi thấy chân sút của B. Bình Dương nằm lăn lộn ôm cái cổ chân trái với vẻ mặt hết sức đau đớn. Với tôi, đấy có thể chỉ là một pha va chạm bình thường và ngay cả trọng tài cũng chỉ rút thẻ vàng cảnh cáo Thanh Hào. Cho đến khi biết cái cổ chân Abass gãy gập nặng quá, trọng tài mới rút thẻ đỏ.
Điều đáng nói sau vài phút sơ cứu trên sân, khi nghe khán giả hô vang tên mình cổ vũ, Abass đã nén đau ngẩng đầu dậy cười thật tươi rồi đưa hai tay kết thành hình trái tim như một cử chỉ tri ân các CĐV. Trong khi đó, Thanh Hào biết mình lỡ gây chấn thương nặng cho đồng nghiệp đã bật khóc nức nở.
Sau trận đấu, tôi gặp phỏng vấn Thanh Hào nhân tiện khuyên cầu thủ trẻ này đến Bệnh viện FV thăm hỏi và chân thành nhận lỗi. Tôi biết Thanh Hào không cố ý trong pha bóng hãi hùng ấy và điều tôi không ngờ đến là cuộc gặp gỡ trong đêm trên giường bệnh, Abass đã tha thứ cho đồng nghiệp trẻ. Càng bất ngờ hơn là chân sút ngoại này còn dặn dò ngược lại Thanh Hào là hãy quên hết mọi thứ đi và tập trung thi đấu cho tốt, đơn giản đấy chỉ là tai nạn.
Sau đó, Thanh Hào gọi điện thoại chia sẻ với tôi bằng giọng nói nghẹn ngào: “Nếu chẳng may Abass chấn thương phải giải nghệ, chắc em ân hận cả đời””.
PV Hoàng Hùng cảm kích trước hành động nhỏ của Công Phượng
PV ảnh Hoàng Hùng (Sài Gòn Giải Phóng) thú thật mình hay để ý và rung động về những nghĩa cử đẹp chứa đựng nhiều thông điệp dù nhỏ thôi, như học sinh tặng hoa cho thầy cô giáo, con cái khắc ghi công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Vì thế, khi ngồi ở góc sân Thống Nhất chứng kiến cảnh Công Phượng sau khi ghi bàn vào lưới U-19 Hàn Quốc đã vội vã chạy về phía khán đài A ôm chầm lấy cha mình với vẻ mặt thật hạnh phúc, anh đã không khỏi xúc động.
Hoàng Hùng kể: “Anh em PV ảnh ban đầu không ai hiểu Công Phượng định làm gì và người đàn ông khắc khổ ngồi trên khán đài như bao nhiêu khán giả kia là ai. Khi tan trận, tôi thấy ban tổ chức nhiều lần mời Công Phượng lên nhận giải cá nhân vẫn không thấy tiền đạo của HA Gia Lai đâu. Hóa ra Công Phượng đã nài nỉ ban tổ chức cho mình mời bằng được cha xuống dưới sân cùng nhận giải dù phải trèo rào xuống sân.
Tôi dò hỏi thì biết ông Bảy - cha Công Phượng đã lặn lội từ Nghệ An vào đến sân Thống Nhất vừa đúng giờ bóng lăn. Ông muốn xem con trai đá bóng và gần gũi chăm sóc con vài ngày trước khi Công Phượng sang thử việc ở Nhật Bản. Thế nhưng điều làm tôi xúc động và không ngờ đến là hành động nhỏ của Công Phượng mong muốn cha chia sẻ niềm vui với mình. Nó thể hiện đạo nghĩa của phận làm con và chính điều này sẽ làm cho hạnh phúc của cha con Công Phượng nhân đôi”.
Thầy giáo Thanh Tùng: “Mong có nhiều Hội CĐV dũng cảm như ở Hải Phòng”
Anh Nguyễn Thanh Tùng là chuyên viên của phòng đối ngoại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Anh kể: “Tôi xem trận đấu Cần Thơ - Hải Phòng qua tivi và rất ấm ức với việc đội khách chơi xìu xìu ển ển như muốn thua ngay từ đầu. Tôi cũng thấy một nhóm CĐV Hải Phòng có mặt trên sân Cần Thơ ban đầu cổ vũ khí thế lắm nhưng sau đó họ không thèm cổ vũ nữa. Thì ra họ phản ứng đội nhà Hải Phòng vì chỉ đưa đội hình gần như dự bị, cất nhiều vị trí nội chính thức lẫn hai tay săn bàn ngoại ở ngoài sân. Bóng đá phải trung thực và cao thượng nhưng việc làm của CLB Hải Phòng chứng tỏ họ thiếu tôn trọng khán giả, đặc biệt là giới CĐV.
Sau này lang thang trên mạng, tôi còn biết ngoại binh Stevens cũng không hiểu tại sao mình và nhiều đồng đội khác bị cho ngồi ngoài dù hoàn toàn khỏe mạnh. Vì thế, việc lãnh đội Hải Phòng bao biện muốn dưỡng quân là không chút thuyết phục. Bản thân tôi là người ngoài cuộc còn khó chấp nhận lý giải của CLB Hải Phòng, huống hồ Hội CĐV phản ứng bằng cách đem bangderole ra tận sân Mỹ Đình đòi cơ quan điều tra vào cuộc xác minh tiêu cực là điều dễ hiểu.
Tôi thấy hành động của CĐV Hải Phòng rất đẹp khi dũng cảm lên án cái xấu trên sân cỏ, bất kể đấy là đội nhà của mình. Tôi muốn đề cử hình ảnh Fair Play của CĐV Hải Phòng cho ban tổ chức giải cũng là mong sao cho bóng đá Việt Nam không còn xấu xí như vậy nữa.
Cameraman Thế Hùng: “Hiếm có “nữ tướng” nào như Hoàng Yến”
Anh Đinh Thế Hùng và êkíp làm phóng sự của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) chuyên theo mảng bóng đá lần nào đi ghi hình các đội tuyển Việt Nam cũng đều bắt gặp hình ảnh quen thuộc của nữ CĐV Hoàng Yến trên khán đài say sưa cổ vũ. Ấn tượng nhất về Hoàng Yến là một cô gái nhỏ nhắn mặc áo đỏ có hình ngôi sao, lúc thì cầm loa hô hào và bắt nhịp cho Hội CĐV Việt Nam (VFS), khi thì gõ trống, lúc cầm cờ làm dậy sóng khán đài. Anh Thế Hùng cho biết: “Tôi thường tham gia các kỳ SEA Games, AFF Cup, hay cả những trận giao hữu của các đội tuyển bóng đá Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước rất thường gặp Hoàng Yến. Chúng tôi đã từng chọn nhân vật này làm phóng sự và thật bất ngờ cô gái này chia sẻ mình yêu thích, mong muốn đội tuyển giành chiến thắng thì kêu gọi những người có cùng sở thích đến sân cổ vũ cho cầu thủ thế thôi, chẳng vì lợi lộc gì cho mình cả. Có những trận đội tuyển thi đấu xa, Hoàng Yến không ngại ngần bỏ tiền túi, ăn cơm vỉa hè, ngủ khách sạn bình dân để sát cánh bên các cầu thủ Việt Nam. Thật lạ lùng có một cô gái suốt ngày ăn bóng đá, ngủ bóng đá, khóc cười cùng bóng đá với một sức bền dẻo dai đến thế. Gần nhất ở giải U-21 quốc tế báo Thanh Niên, tôi nhớ mãi hình ảnh Hoàng Yến lọt thỏm giữa rừng CĐV mặc áo đỏ, gọi loa bắt nhịp cổ vũ dưới cơn mưa dầm dề. Hiếm có một nữ CĐV nào nhiệt tình và ghi đậm dấu ấn fair play trên khán đài như Hoàng Yến”. |