Tôi rất đồng tình khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, khoản 6 Điều 5 của luật này có quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia. Quy định này là tuyên bố mạnh về quyết tâm phòng, chống tác hại của rượu, bia nói chung và an toàn giao thông nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông. Ảnh: V.LONG
Hiện nay, khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) đã quy định cấm người lái ô tô, xe máy chuyên dùng sử dụng rượu, bia. Riêng xe máy thì nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở bị xử phạt 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã mở rộng đối tượng cấm, kể cả xe đạp.
Như vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Luật GTĐB có sự khác nhau. Tuy nhiên, khi xung đột giữa luật chung và luật chuyên ngành thì áp dụng luật chuyên ngành. Hiện nay chúng ta áp dụng Luật GTĐB, chưa thể đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào xử phạt. Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính lĩnh vực đường bộ, đường sắt dù đang sửa đổi nhưng cũng không thể đưa vào vì không phù hợp.
Nhưng để đồng bộ pháp luật, hiện nay Bộ GTVT đang tổng kết Luật GTĐB 2008 để sửa đổi, bổ sung luật này (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2020 - PV). Trong quá trình sửa đổi, chúng tôi sẽ xem xét đưa các quy định xử phạt người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia để đồng bộ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chỉ nên áp dụng xử phạt tài xế sử dụng rượu, bia điều khiển xe cơ giới (ô tô, xe máy…); còn đối với xe đạp thì không nên đưa vào vì rủi ro từ người đi bộ, đi xe đạp tới cộng đồng rất thấp. Nên khi sửa Luật GTĐB, chúng ta phải tính toán và có các quy định cho phù hợp.
Các quy định xử phạt Luật GTĐB hiện hành rất nghiêm và đầy đủ, vấn đề là thực thi nhiệm vụ trên đường thế nào. Theo tôi, nếu áp dụng quy định hiện hành và xử thật nghiêm là tốt lắm rồi.
Đối với những người sử dụng nước súc miệng, thức ăn có nồng độ cồn, chúng ta không cần lo ngại vì lực lượng thực thi công vụ sẽ có máy để đo nồng độ cồn, tức có ngưỡng của nó như các nước đang thực hiện. Nếu có uống rượu, bia điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt, chứ không phải xử lý tùy tiện.
Uống rượu, bia lái xe bị phạt 40 triệu đồng Nghị định 46/2016 (sửa đổi, bổ sung) đang lấy ý kiến. Trong đó, mức phạt cao nhất đối với hành vi điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ được tăng từ mức 16-18 triệu đồng, tước bằng lái xe 4-6 tháng lên mức tối đa là 40 triệu đồng và tước bằng lái 24 tháng, đây là mức xử phạt kịch khung. |