Cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê

Ngày 17-6-2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 4870/BYT-BM-TE về việc phòng mang thai hộ vì mục địch thương mại và lựa chọn giới tính thai nhi.

Theo đó, thời gian qua, tình hình mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi có xu hướng diễn biến phức tạp. Mội số đường dây đẻ thuê đang bị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo pháp luật.

Ảnh minh họa:DAD

Để bảo đảm việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, phòng tránh tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi xảy ra trong cơ sở y tế hoặc các hành vì tiếp tay, tham gia vào những đường dây phi pháp nêu trên của cán bộ y tế, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần thực hiện một số biện pháp.

Cụ thể, cần tăng cường quản lý các trường hợp cho/nhận tinh trùng/noãn/phôi, thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Rà soát, xây dựng bổ sung quy trình và thường xuyên kiểm tra nhân viên để hạn chế đến mức thấp nhất việc nhầm lẫn hoặc tráo đổi bệnh nhân, tráo đổi tinh trùng, noãn, phôi. Việc nhận diện bệnh nhân và giao tử không chỉ bằng giấy tờ cá nhân mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi bệnh nhân do sử dụng giấy tờ giả…

Đối với các bệnh viện chưa được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không lạm dụng việc kích thích buồng trứng trong trường hợp có chỉ định mang thai hộ. Không lạm dụng kỹ thuật cao dự đoán hoặc lựa chọn giới tính thai nhi hoặc vì mục đích thương mại. 

Về việc bảo đảm các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ, khuyến khích các bệnh viện ký hợp đồng với công ty Luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý. Để bảo đảm xác định mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, ngoài Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, bệnh viện có thể yêu cầu gia đình cung cấp các giấy tờ có liên quan để đối chiếu.

Về vấn đề xuất trình giấy tờ cá nhân khi khám thai, sinh đẻ, bệnh viện cần kiểm tra, đối chiếu kỹ giấy tờ trong quá trình thăm khám, chăm sóc, đỡ đẻ và cấp giấy chứng sinh. Trường hợp không xuất trình được giấy tờ cá nhân, cần hết sức lưu ý, kiểm tra chặt chẽ để loại trừ khả năng đẻ thuê.

Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm không để cán bộ, nhân viên tham gia, dính líu, tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê hoặc thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi và cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm... 

 

Thế nào là mang thai hộ vì mục đích thương mại?

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Nghiêm cấm việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính. 

(Trích Điều 3, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

Hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. 

(Theo Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình…)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm