Tháng 8-2016, ông Lê Quang Hiếu cho ông Nguyễn Quang Phát vay 300 triệu đồng. Đổi lại, ông Phát có ký hợp đồng cầm cố nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM, bằng tay cho ông Hiếu để vay số tiền trên trong thời hạn hai năm. Theo giao kèo, ông Hiếu được toàn quyền sử dụng căn nhà này.
Tòa kiến nghị khởi tố
Ngay sau đó, ông Hiếu và ông Phát cùng nhau đi ra công chứng để ký hợp đồng vay số tiền 300 triệu đồng nhưng trong hợp đồng vay không ghi tài sản bảo đảm là gì.
Nhưng ngoài việc ký hợp đồng với ông Hiếu, ông Phát còn ký hợp đồng tương tự với bà X. để bà này cho ông vay 230 triệu đồng. Ông Phát cũng giao cho bà X. toàn quyền sử dụng một nửa căn nhà còn lại.
Tuy nhiên, sau khi cầm cố nhà cho hai người nói trên, ông Phát lại làm thủ tục bán căn nhà trên cho bà T.
Tháng 10-2016, ông Hiếu khởi kiện ông Phát ra TAND quận Bình Tân, TP.HCM yêu cầu đòi số tiền 300 triệu đồng. Sau khoảng hai tháng nghiên cứu hồ sơ, TAND quận đã có công văn gửi công an cùng cấp kiến nghị khởi tố hình sự ông Phát về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Lê Quang Hiếu buồn rầu vì gần một năm nay chưa đòi lại được tiền cho vay. Ảnh: NGÂN NGA
Theo tòa, trong thời gian ngắn ông Phát ký hai hợp đồng vay ông Hiếu và bà X. với số tiền 530 triệu đồng dưới dạng cầm cố nhà (có tổ trưởng dân phố làm chứng). sau đó ông Phát lại ra công chứng bán nhà cho bà T. mà không thanh toán tiền cho ông Hiếu và bà X. Ngoài ra, hiện nay không ai biết ông Phát đang cư trú ở đâu. Do vậy hành vi của ông Phát có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua Công an quận Bình Tân có văn bản trả lời tòa rằng không thể khởi tố hình sự. Lý do: thời điểm ông Phát cầm cố nhà cho ông Hiếu và bà X. thì ông vẫn là người đứng tên chủ sở hữu căn nhà trên. Sau khi cầm cố xong thì ông Phát mới bán nhà cho bà T. Do đó hành vi trên không có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ là giao dịch dân sự, không thuộc thẩm quyền của công an.
Hiện TAND quận Bình Tân đang tiếp tục giải quyết vụ kiện này.
Khó xử lý hình sự
Theo các chuyên gia pháp luật, hiện nay tình trạng cho vay tiền rồi cầm cố tài sản là nhà nhưng chỉ viết giấy tay diễn ra khá phổ biến. Vì thế người vay tiền thường lợi dụng kẽ hở này để cầm cố tài sản cho nhiều người rồi bán nhà. Khi hậu quả xảy ra thì người cho vay mới té ngửa vì đã không kỹ lưỡng trong việc nắm giữ tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Theo luật sư Nguyễn Duy (Đoàn Luật sư TP.HCM), vụ án nêu trên, để khép chủ nhà vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không hề đơn giản. Vì cơ quan điều tra phải chứng minh được việc ông Phát có thủ đoạn gian dối đối với ông Hiếu, bà X. nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong khi chứng minh yếu tố này rất khó vì ranh giới giữa hình sự và dân sự rất mong manh.
Còn tố ông Phát tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra phải chứng minh ông này có dấu hiệu bỏ trốn. Nhưng cái khó là Luật Cư trú lại cho phép mọi công dân có quyền sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phải làm thủ tục khai báo tạm vắng.
TS Lê Minh Hùng (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng ông Hiếu là bên nhận cầm cố nhà nhưng lại viết giấy tay mà không ra công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm thì giao dịch này không có hiệu lực pháp luật.
Khi xác lập giao dịch bảo đảm và các giao dịch khác liên quan cần phải theo đúng những yêu cầu của pháp luật. Cụ thể, đối với nhà, đất thì phải đủ điều kiện giao dịch, hình thức hợp đồng phải được công chứng hoặc chứng thực (thủ tục là phải đăng ký giao dịch bảo đảm để có hiệu lực đối kháng với người thứ ba...).
Trong vụ này, ông Phát đã cầm cố nhà cho hai người rồi lại bán nhà cho người khác là xâm phạm tới quyền lợi của bên nhận cầm cố. Do đó, ông Hiếu cần yêu cầu tòa án xem xét lại hợp đồng mua bán nhà giữa ông Phát và bà T. để xem người nhận chuyển nhượng này có ngay tình hay không…
Lưu ý trong giao dịch Để tránh tình trạng cho vay tiền mà không đòi được, người cho vay cần chú ý việc cầm cố bất động sản thường không được công chứng, chứng thực (theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai). Do đó việc cầm cố này không thể đăng ký giao dịch bảo đảm được. Để tránh rủi ro pháp lý, tránh tranh chấp hoặc phải chịu thua thiệt thì trong giao dịch bất động sản không nên nhận cầm cố. TS LÊ MINH HÙNG, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM |