Hiện nay, thuốc lá mới tại Việt Nam hiện diện dưới 2 loại sản phẩm phổ biến là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Trong khi đó, đối với thuốc lá làm nóng (TLLN), các bộ ngành và chuyên gia đều khẳng định đây là sản phẩm thuốc lá vì có chứa nguyên liệu từ thành phần của thân, cây, lá thuốc lá, nên mặc nhiên phải chịu kiểm soát của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL).
Đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn quan ngại về vấn đề sức khỏe, còn Bộ Công thương (cơ quan chủ quản ngành thuốc lá) đề xuất thí điểm có thời hạn 2 năm đối với TLLN. Phương án này được xem là phù hợp và đủ thận trọng khi đã cân nhắc cả về luật hiện hành cũng như tình hình thực tiễn và các ý kiến của các bộ ngành liên quan.
Thuốc lá làm nóng: hút thuốc lá nhưng không cần lửa
Với thuốc lá điếu truyền thống, người hút thuốc sẽ dùng bật lửa đốt cháy trực tiếp điếu thuốc để người hút hít được nicotine thông qua làn khói này. Trong khi đó, "thuốc lá làm nóng" dùng thiết bị điện tử thay thế cho bật lửa để làm nóng nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc. Nhưng với TLLN sẽ không có khói do không đốt cháy điếu thuốc. Người hút chỉ cần đưa điếu thuốc (dạng đặc chế) vào trong thiết bị làm nóng và kích hoạt. Nhiệt độ trong thiết bị này sẽ tăng lên ở mức nhất định, vừa đủ làm nóng thành phần thuốc lá có trong điếu thuốc để từ đó tạo lượng nicotine cho người dùng.
Công bố của Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 126/SC 3 Thuốc lá thế hệ mới (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) về sản phẩm TLLN đã chỉ ra: TLLN chỉ có quá trình làm nóng mà không đốt cháy, được đo lường bằng các quy định về hàm lượng giới hạn cacbon monoxit và các oxit nitơ. Điều này kéo theo nhựa thuốc lá (hắc ín) có trong thuốc lá rất thấp, hầu như không có. Công bố này cũng khẳng định TLLN có chứa thuốc lá. Trong khi đó, điếu thuốc lá truyền thống khi bị đốt cháy có hàm lượng nhựa thuốc lá rất cao, mức độ ảnh hưởng lên phổi và cơ thể càng lớn.
Tuy TLLN và thuốc lá điếu khác biệt về mặt công nghệ và cách dùng, nhưng chúng giống nhau ở chỗ: cùng có thành phần từ cây thuốc lá tự nhiên. Do đó, từ năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các quốc gia tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) nên có các biện pháp quản lý TLLN theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của nước sở tại.
Bằng mắt thường, dễ thấy nguyên liệu lá của cây thuốc lá tự nhiên có bên trong sản phẩm thuốc lá làm nóng. |
Luật quy định phải quản lý sản phẩm chứa thành phần thuốc lá
Tại tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 18-4 vừa qua, ông Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương đã từng chia sẻ: Theo Nghị định 67/2013, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu hoặc các sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi... Theo định nghĩa này, vì thuốc lá làm nóng là loại dùng thiết bị điện tử để làm nóng nguyên liệu thuốc lá, nên có thể nói là hoàn toàn phù hợp để áp dụng luật kiểm soát thuốc lá điếu hiện hành cho sản phẩm này.
Nhiều đại diện từ các bộ, ngành đều ủng hộ quản lý thuốc lá làm nóng vì có nguyên liệu thuốc lá. |
Ông Vũ Hoài Linh, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan cũng cho rằng, quyền quản lý thuốc lá thế hệ mới thuộc về Bộ Công thương. Hiện Bộ Công thương đã có hướng dẫn cho cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp xử lý TLLN nhập lậu tương tự như thuốc lá thông thường.
Khẳng định điều này, đại diện Bộ Công thương, ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, 10 năm qua, nhiều nước ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga hay các quốc gia trong khối ASEAN đều có cơ chế quản lý riêng đối với TLLN. Mặc dù có những điểm khác nhau nhưng phần lớn các nước đều quy định các hình thức tương đối nghiêm ngặt theo luật kiểm soát thuốc lá của từng nước.
Có ý kiến đề xuất cấm thuốc lá làm nóng, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, đã gọi là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới thì đều là thuốc lá và cần phải được phòng, chống tác hại. Các nhà quản lý phải gián tiếp bảo vệ người tiêu dùng thông qua những sản phẩm mà họ sử dụng. Đó phải là những sản phẩm chính thức, không nhập lậu. Đồng thời quyền tiếp cận thuốc lá là quyền hợp pháp của người dùng.
Trên toàn cầu đã có 184/193 quốc gia thành viên WHO đưa TLLN vào khung pháp lý hiện hành. Nhiều quốc gia có trình độ khoa học công nghệ cao cùng với chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt cũng đã công nhận tính hợp pháp TLLN như Nhật, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc…
Trong nước, số đông các bộ ngành đã đồng thuận cần quản lý thuốc lá mới theo góc độ kiểm soát các sản phẩm này theo hướng có lợi cho cộng đồng và quốc gia như các nước đi trước đã thực thi. Các chuyên gia cũng đồng thuận rằng việc cân nhắc những yếu tố tác động lên xã hội, giới trẻ là cần thiết. Chính vì vậy, cần phải kiểm soát chất lượng đầu vào và áp dụng quy trình thương mại hóa có trách nhiệm nhằm ngăn chặn việc sản phẩm tiếp cận sai mục đích, đối tượng. Đây là cách làm lâu dài, khoa học và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể liên quan.