Nên quản lý thuốc lá thế hệ mới theo luật hiện hành

(PLO)- Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước nên có quy định quản lý thuốc lá thế hệ mới (gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử), dựa trên pháp luật hiện hành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như đã phản ánh, ngày 18-4 vừa qua Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành”, ghi nhận nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về việc cần có hành lang pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM).

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Uỷ viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) về chủ đề này.

Luật sư Hậu cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước nên có quy định quản lý TLTHM, bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT), dựa trên quy định pháp luật hiện hành.

LS Nguyễn Văn Hậu tại tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 18-4.

LS Nguyễn Văn Hậu tại tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 18-4.

Tại tọa đàm, một vấn đề được đưa ra thảo luận là việc kiểm soát TLTHM đang tồn tại quan điểm khác nhau giữa các bộ ngành liên quan.

Nguyên nhân của việc này, theo tôi là vì giữa Bộ Y tế và Bộ Công thương vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau. Vào năm 2020 - 2021, Bộ Y tế đã nhiều lần đề xuất ý kiến với Chính phủ là cấm hoàn toàn đối với việc lưu hành TLTHM. Trong khi đơn vị chủ quản ngành là Bộ Công thương lại đề xuất cho phép thí điểm kinh doanh TLTHM, cụ thể là thuốc lá làm nóng trong thời hạn 2 năm trước khi cho phép chính thức thương mại hóa.

Tôi thấy người ta thường có suy nghĩ "không quản lý được thì cấm". Tuy nhiên theo tôi phải hiểu rằng TLTHM cũng là thuốc lá, nên nếu cấm, chúng ta chỉ tạo thêm điều kiện cho thị trường buôn lậu lộng hành. Vậy quản lý ngay TLTHM là điều cần thiết, dựa trên những bằng chứng khoa học từ các cơ quan uy tín trên thế giới cũng như tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước.

Xét về khoa học, TLTHM loại bỏ quá trình đốt cháy, chỉ làm nóng dung dịch (đối với TLĐT) hoặc nguyên liệu thuốc lá tự nhiên (đối với TLLN) để giải phóng chất nicotine trong đó. Nhờ nguyên lý hoạt động này, TLTHM có thể giúp giảm 90-95% hàm lượng các chất gây hại so với khói của thuốc lá điếu thông thường.

Theo công bố mới nhất vào tháng 1-2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Hiện nay đã có 184/193 quốc gia thành viên của WHO, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines... đã đưa TLTHM vào quản lý dưới luật.

Cụ thể hơn, Liên bang Nga đã cấp phép quản lý TLLN từ năm 2017, bổ sung TLĐT vào luật từ năm 2018, và ngày 1-9-2023 tới đây họ sẽ ban hành điều luật cấm bán TLĐT cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Do đó, Việt Nam cũng nên có quy định theo hướng quản lý TLTHM như vậy. Việc này sẽ giúp ngăn chặn người dưới 18 tuổi tiếp cận với TLTHM, cũng như mọi loại thuốc lá khác.

Theo tôi, với vấn đề quản lý thuốc lá nói chung chúng ta có luật và nghị định nhưng áp dụng vào cuộc sống rất khó khăn vì chưa cụ thể. Tại tọa đàm ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói: "Bên cạnh việc quản lý, chúng ta phải chống hàng lậu, xử phạt thật nặng"

Như vậy, để hợp pháp hóa việc quản lý TLTHM, theo tôi, cần tuân thủ 5 giải pháp căn cơ sau đây:

Thứ nhất, về định nghĩa TLTHM: Theo Khoản 1 Điều 2 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, TLLN với nguyên liệu cấu thành là từ cây thuốc lá thì đã có thể xếp vào nhóm sản phẩm thuốc lá, được điều chỉnh bởi quy định pháp luật. Riêng TLĐT chỉ chứa các loại hóa chất, tinh dầu thì có thể chưa nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Thứ hai, về chế tài xử phạt hành chính: Khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả là hành vi bị nghiêm cấm.

Được biết, theo hướng dẫn của Bộ Công thương đối với cơ quan quản lý thị trường, riêng sản phẩm TLLN đã được xem như thuốc lá nên bất kỳ hành vi buôn lậu, sử dụng nào cũng sẽ có căn cứ xử lý theo pháp luật hiện hành như đối với thuốc lá thông thường.

Thứ ba, về dư luận: Chúng ta hay đánh đồng TLTHM giống như ma túy, như vậy là không đúng. Tôi nhớ Trọng tài quốc tế từng cho biết, căn cứ vào tổ chức thương mại và công ước, nếu Việt Nam cấm thuốc lá giống như ma túy thì họ sẽ kiện Việt Nam ra trọng tài thương mại. Cho nên, cần nghĩ đến phương án đưa TLTHM vào quản lý.

Thứ tư, về quyền tiếp cận hợp pháp với TLTHM. Hiến pháp ghi rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”, nhưng hạn chế là phải theo luật định. Do đó, chúng ta phải điều chỉnh điều này. Theo tôi, Bộ Công thương cần đưa ra những quy định để vừa có thể kiểm soát việc thương mại sản phẩm, vừa bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ năm, về thuế cho TLTHM: Tôi nghĩ Bộ Tài chính cũng cần thu thuế trên các sản phẩm này, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cải thiện sức khỏe cho người hút thuốc lá hợp pháp.

Tôi và nhiều chuyên gia đều đồng thuận rằng cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2013 (thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá), để hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, nhanh chóng đưa TLTHM vào quản lý. Việc luật hóa này sẽ giúp công tác quản lý nhà nước được tốt hơn, các cơ quan pháp luật cũng có căn cứ trong quá trình phòng, chống nhập lậu thuốc lá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm