Cần biện pháp đặc biệt để chống tham nhũng

Ngày 28-10, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội (QH) về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2015. Đây là báo cáo PCTN cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ này và tại diễn đàn QH đã có những dấu hỏi về hiệu lực, hiệu quả của mô hình, tổ chức PCTN hiện nay, trong đó có cả vị trí, vai trò của ban chỉ đạo.

Tình hình vẫn nghiêm trọng

Thay mặt Chính phủ báo cáo về công tác PCTN 2015, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định trong năm đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các biện pháp PCTN và đã “đạt được kết quả quan trọng trên nhiều mặt công tác”. Thế nhưng nếu tính theo số lượng vụ việc được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì lại vẫn tiếp tục đà giảm của những năm vừa qua. Theo đó, trong kỳ báo cáo, chỉ khởi tố được 178 vụ/317 bị can về tội tham nhũng (giảm 61 vụ/242 bị can so với năm trước), truy tố 310 vụ/697 bị can (giảm 19 vụ/54 bị can), xét xử sơ thẩm 260 vụ/577 bị cáo (giảm 27 vụ/98 bị cáo).

Cần biện pháp đặc biệt để chống tham nhũng ảnh 1 

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: “Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm”.

Về khả năng phát hiện tham nhũng qua thanh tra có cải thiện với nhiều vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, song lại hầu như không phát hiện được vụ việc tham nhũng nào.

Chính phủ cũng cho biết công tác kê khai tài sản, thu nhập đã được triển khai mạnh mẽ hơn với số lượng tăng vọt 1.255 trường hợp được kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên, chỉ phát hiện được năm người kê khai không trung thực, trong đó đã xử lý kỷ luật hai trường hợp. Tương tự, cả nước có 23 người nộp lại quà tặng với tổng giá trị 489 triệu đồng.

Từ thực tế trên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng “Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân của việc các cơ quan có chức năng chống tham nhũng được đầu tư nhiều nguồn lực nhưng việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm, trong khi tình hình theo đánh giá trong báo cáo vẫn nghiêm trọng, phức tạp”.

Phòng ngự 10 năm, bao giờ phản công?

Thảo luận về nội dung này, đại biểu (ĐB) Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của QH tâm tư là mấy bữa nữa họp cử tri, bị hỏi tại sao tham nhũng chưa bị đẩy lùi thì biết trả lời thế nào. “Tôi định trả lời thế này: Trong bão táp sa mạc, trụ vững được cũng là tiến rồi. 10 năm qua (kể từ khi có Luật PCTN - PV), ta cầm cự, phòng ngự, thế là tốt lắm rồi”. Còn nếu cử tri hỏi bao giờ phản công thì sẽ giải thích: “Chính phủ chuẩn bị tổng kết Luật PCTN. Chắc 2016-2017 sẽ trình QH sửa toàn diện. Đồ rằng 2018 bắt đầu phản công” - ông Nhã ví von.

Rồi ông Nhã đi thẳng vào nhận định của mình: “Khi tổng kết, cần giải đáp tại sao ta không đẩy lùi được tham nhũng. Tôi nghĩ có nhiều giải pháp nhưng ta không dám làm mà thôi. Khi tham nhũng tấn công dữ dội thế, ta phải dùng biện pháp đặc biệt, giống như nhiều nước, cứ giàu lên nhanh chóng, bất thường mà không chứng minh được tính hợp pháp là xử lý”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị tới đây cần lập ủy ban điều tra độc lập chống tham nhũng. “Chỉ cần một cơ quan như thế, đặt ở trung ương. Mỗi điều tra viên theo dõi mấy ông lớn, có quyền nghe điện thoại... Có vậy mới đủ hiệu lực”.

Cần biện pháp đặc biệt để chống tham nhũng ảnh 2 

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Chính phủ đã thừa nhận trong một số lĩnh vực, tham nhũng có tính chất lợi ích nhóm, tuy nhiên nhìn vào các giải pháp thì chưa thấy khả thi, chưa thể chỉ ra lợi ích nhóm ở đâu”.

Phân tích vào các nhóm giải pháp cho công tác PCTN năm tới, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng báo cáo của Chính phủ đã thừa nhận trong một số lĩnh vực, tham nhũng có tính chất lợi ích nhóm, có tính tổ chức rõ nét. Tuy nhiên, nhìn vào các giải pháp thì chưa thấy khả thi, chưa thể chỉ ra lợi ích nhóm ở đâu. Thậm chí có những giải pháp mâu thuẫn với thực tế. Chẳng hạn, Chính phủ nói phải tăng đãi ngộ, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức, trong khi dự báo thu chi ngân sách năm tới thì vẫn căng thẳng, không thể tăng lương cơ bản.

 

Phải kiên quyết loại trừ người suy thoái đạo đức

Đảng đã xác định đúng nhưng không làm triệt để trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Người lãnh đạo lẽ ra phải trọng dụng, gần gũi, lắng nghe trung thần, xa lánh cảnh giác trước nịnh thần, nghiêm trị gian thần thì trên thực tế có hiện tượng ngược lại. Cử tri đề nghị Đại hội XII tới, Đảng phải kiên quyết loại trừ những người lãnh đạo thiếu gương mẫu, suy thoái đạo đức.

Nhìn lại tình hình, tôi cho rằng nhiều việc, nhiều thiệt hại là do khuyết điểm, sai phạm, suy thoái chủ quan của cán bộ, công chức, của bộ máy chứ chẳng phải do âm mưu bên ngoài hay thế lực thù địch nào cả. Nhưng nếu tới đây chúng ta thực sự vì dân, nghiêm khắc với mình, làm theo huấn thị và Di chúc Hồ Chí Minh thì hoàn toàn có thể cải thiện, sửa đổi, khắc phục được.

Cây có lõi tốt thì không sợ mối mọt. Lịch sử đã chỉ rõ: Vua có đường lối đúng, quan không tham, tướng không hèn, lòng dân yên thì đất nước hưng thịnh, không sợ bất kỳ thế lực ngoại xâm nào.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Đoàn ĐBQH TP.HCM

Tiêu điểm

Có 48% doanh nghiệp (DN) được hỏi thừa nhận có tặng quà cho cán bộ, công chức trong khoảng thời gian 12 tháng gần đây. Trong số này, 82% là quà có giá trị trên 500.000 đồng; 88,6% tặng trực tiếp cho cán bộ, công chức; 46% tặng trước và trong khi đang giải quyết công việc của DN; 66% là nhằm mục đích giải quyết công việc của DN và 31% để “nuôi quan hệ”; 56% do DN chủ động tặng quà dù cán bộ, công chức không đòi hỏi hay gợi ý… 
(Trích báo cáo về công tác PCTN của Chính phủ năm 2015)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm