Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Thanh tra TP.HCM cho biết: Bên cạnh nhiều kết quả khả quan như thay đổi được nhận thức của cán bộ, công chức, tỉ lệ kê khai tài sản đạt cao thì trong 10 năm thực hiện các quy định về PCTN cũng đã phát sinh hàng loạt bất cập. Cụ thể: Hiệu quả của các giải pháp PCTN mới được nhìn nhận ở bề rộng, nên ngoài cơ chế pháp lý đủ mạnh thì cần có những giải pháp kịp thời, phù hợp thực tiễn như cần khu biệt số đối tượng cán bộ, công chức kê khai tài sản đi liền với biện pháp thẩm tra đầy đủ để làm rõ nguồn gốc tài sản, từng bước xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đánh giá cao hiệu quả 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại TP.HCM. Ảnh: NG
Về nguyên nhân vì sao thời gian điều tra án tham nhũng kéo dài, đại diện Công an TP.HCM cho rằng: Tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn nên cần phải thống nhất trong quan điểm xây dựng pháp luật để xử lý được loại tội phạm này. Theo vị này, thực tiễn đã phát sinh quan điểm kết tội khác nhau nên thời gian điều tra, truy tố, xét xử kéo dài.
Báo cáo cũng cho hay chỉ nhận được chín tin báo tội phạm tham nhũng, trong đó có hai hồ sơ do ngành thanh tra địa phương chuyển sang. Đại diện VKSND TP.HCM thẳng thắn cho rằng: Đây là tỉ lệ quá thấp so với hàng chục ngàn tin báo tội phạm mà ngành kiểm sát địa phương nhận được hằng năm. Đối với các vụ án tham nhũng được ủy quyền truy tố do không được tiếp cận hồ sơ từ đầu nên thường bị hủy án, gây tâm lý không tốt trong dư luận.
Đồng tình với các ý kiến này, đại diện TAND TP.HCM mong muốn Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh với tư cách là phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cần đề xuất với Đảng và Nhà nước phải thống nhất đường hướng xét xử tội phạm tham nhũng, đặc biệt là tội phạm tham nhũng liên quan đến ngân hàng.
Đề xuất về biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác này trên cơ sở thực tiễn của địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất nước, là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm tham nhũng lớn, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân kiến nghị với tổng Thanh tra Chính phủ: “Cần kiến nghị các bộ, ngành ngồi lại với các địa phương để xây dựng một bộ luật đầy đủ, không chồng chéo để xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng. Phải làm rõ chức danh nào phải kê khai và công khai để làm rõ những dấu hiệu mà dư luận cho là không minh bạch chứ không nên đề ra mục tiêu thật rộng nhưng hiệu quả không như mong muốn”.
Ghi nhận ý kiến của cơ quan chuyên môn địa phương, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết đây là những ý kiến đóng góp quý báu, là cơ sở để Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN tham mưu xây dựng cơ chế pháp lý phù hợp hơn trong thực tiễn. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM đối với công tác PCTN trong thời gian qua với nhiều bài học kinh nghiệm hay, là cơ sở để nhân rộng ra nhiều địa phương khác…
Sáng cùng ngày, tại trụ sở Thanh tra TP.HCM, ông Huỳnh Phong Tranh đã chủ trì tiếp công dân để lắng nghe, giải thích pháp luật, thống nhất hướng giải quyết phù hợp, đúng pháp luật với hộ bà Nguyễn Thị Trường (quận 2) và hộ ông Lưu Văn Ngự (quận Bình Thạnh). Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM giải quyết dứt điểm các khiếu nại của hai hộ dân để báo cáo Thủ tướng trong tháng 11-2015.