“Quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng đã có rồi, so với các nước thì quy định này tương đối đầy đủ, phù hợp. Tuy nhiên, tính khả thi của nó như thế nào thì Thanh tra Chính phủ mới gửi văn bản đến các cơ quan liên quan để tổng kết báo cáo tình hình. Khi nào có kết quả tổng hợp cụ thể sẽ công khai sau”. Theo ông Lượng, tính khả thi trong thực tế cũng là nguồn để sửa đổi luật PCTN. “Tôi hy vọng trong luật sửa đổi PCTN tới đây thì phần bảo vệ người tố cáo sẽ được chú ý điều chỉnh phù hợp hơn” - ông Lượng nói.
Liên quan đến vấn đề xử lý đơn thư nặc danh tố cáo tham nhũng được xử lý như thế nào thì ông Trần Đức Lượng khẳng định: “Hiện nay nước ta không phải là không có cơ chế giải quyết đơn thư nặc danh mà đã có cơ chế giải quyết tố cáo đó thông qua việc xử lý tin báo tội phạm hoặc nó là nguồn tin để mình tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát. Vấn đề còn lại là cần phải phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn để người dân sẽ dũng cảm tố cáo tham nhũng”. Theo ông Lượng, hiện nay đơn nặc danh ở nước ta muốn thụ lý phải có điều kiện và phải xem lại những điều kiện đó có phù hợp không thì phải lược bỏ những cái không cần thiết thì lúc đó vai trò của người dân, xã hội, báo chí, các tổ chức xã hội sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn.
Về việc hiện nay có quá nhiều đầu mối trong việc tiếp nhận đơn thư tố cáo tham nhũng nhưng trách nhiệm chưa được cụ thể và chưa được gắn trách nhiệm đối với các cơ quan nếu như không được xử lý đến nơi, ông Trần Đức Lượng cho hay: “Trong việc xử lý đơn thư tố giác tội phạm đã có quy định cụ thể là trách nhiệm của cơ quan công an đến đâu, VKS đến đâu… Tuy nhiên, hiện nay có nhiều chủ thể tiếp nhận quá cho nên bị loãng ra. Vì thế, tới đây theo cá nhân tôi, có lẽ phải quy định tiếp nhận về một đầu mối và khi xác định được đầu mối đó thì phải có trách nhiệm làm đến cùng. Ở đây, không phải là thẩm quyền giải quyết nhưng tập trung vào việc theo dõi, đánh giá xử lý”.
Phát biểu tại lễ công bố Chương trình nhân rộng sáng kiến PCTN ở Việt Nam, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ, cho biết sau khi triển khai chương trình đã thu hút khoảng 500 dự án tham dự, trong đó có 52 dự án được lựa chọn trao giải và 10 mô hình sáng kiến được lựa chọn nhân rộng trong thời gian tới. Đa số các mô hình dự án đều gắn với các hoạt động giám sát cộng đồng, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số... Đáng chú ý có một số dự án đã đem lại kết quả cao, trong đó có dự án “Nói không với phong bì trong lĩnh vực y tế”, dự án “Xây dựng chuẩn mực quan hệ thầy trò; minh bạch, trong sáng, lành mạnh góp phần xóa bỏ các tệ nạn, PCTN ở giảng đường đại học”… |