Cán bộ bảo kê đường dây buôn lậu hơn 2.000 tỉ đồng

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Cục CSĐT tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vừa có kết luận điều tra chuyển sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can trong đường dây buôn lậu xăng dầu cực lớn về các tội buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa và nhận hối lộ.

Tổng kho xăng dầu Dương Đông Hòa Phú.

Với thủ đoạn thỏa thuận với chủ hàng nước ngoài chỉ ký hợp đồng mua bán xăng dầu với số lượng thấp so với số lượng mua bán thực tế, sau đó đường dây này thỏa thuận với chủ hãng tàu vận chuyển lập hai vận đơn, một vận đơn phù hợp với số lượng hàng hóa đã ký hợp đồng ngoài dùng để khai báo hải quan, một vận đơn cho lượng hàng còn lại trên tàu nhưng không khai báo hải quan.

Khi tàu nhập cảng làm thủ tục khai báo hải quan và chờ thông quan đối với số hàng hóa đã ký hợp đồng, họ tổ chức bơm hàng lên kho và chỉ để lại trên tàu số lượng hàng đúng với tờ khai hải quan, chờ kiểm hóa hải quan và thông quan hàng hóa xong mới tiếp tục bơm lên kho.

Cơ quan điều tra (CQĐT) đã xác định chỉ trong ba tháng, từ tháng 10-2015 đến tháng 1-2016 đã có 12 chuyến tàu vận chuyển hơn 130 triệu lít xăng dầu trị giá hơn 2.000 tỉ đồng từ Singapore về Công ty Dương Đông Hòa Phú (Tuy Phong, Bình Thuận) tiêu thụ với sự giúp sức, bảo kê của nhiều cán bộ hải quan, cán bộ giám định.

Ngày 2-2-2016, C46 khởi tố, bắt giam Nguyễn Đức Mạnh, tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú, về hành vi buôn lậu để điều tra. Một ngày sau, C46 tiếp tục khởi tố, bắt giam Nguyễn Thanh Sơn, phó tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú; Vũ Văn Bằng, trưởng phòng Kinh doanh; Nguyễn Đăng Duy, phó phòng kinh doanh; Nguyễn Đức Quang, nhân viên phòng kinh doanh cùng về hành vi buôn lậu. Cùng ngày C46 cũng khởi tố, bắt giam Romel Pagente Aleria, quốc tịch Philipines, làm thuyền trưởng tàu BTS Christina, về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cầu cảng Hòa Phú - nơi 12 chuyến tàu chở hơn 137 triệu lít xăng dầu từ Singapore nhập lậu về Việt Nam.

Mở rộng điều tra, C46 xác định ông Đàm Văn Dương, giám đốc Công ty Cổ phần Giám định Word Control, là người trực tiếp giúp sức cho Công ty Dương Đông Hòa Phú hợp thức hóa hơn 100 triệu lít xăng dầu nhập lậu từ Singapore vào Việt Nam. Được biết ngoài giám đốc công ty này, ông Dương cũng là giám đốc Công ty Kiểm định kỹ thuật an toàn dầu khí Việt Nam (PVEIC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Theo hợp đồng, Word Control sẽ giám định số lượng hàng hóa trên tàu, lấy mẫu lưu đồng thời cấp chứng thư giám định khối lượng xăng dầu để Công ty Dương Đông Hòa Phú hoàn thiện thủ tục nhập khẩu. Quá trình giám định, Dương biết rõ số lượng hàng hóa thể hiện tại các chứng thư không phải là số lượng thực tế được vận chuyển trên tàu mà chỉ được đo tính theo yêu cầu của Dương Đông Hòa Phú để ghi trên tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Bình Thuận.

Tuy nhiên, do Nguyễn Đức Mạnh, tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú, đã thỏa thuận lót tay cho Dương cứ 1 tấn xăng dầu nhập khẩu nhưng không cấp chứng thư giám định, Dương được hưởng 70.000 đồng. Với cách này Dương đã giúp Công ty Dương Đông Hòa Phú buôn lậu 10 chuyến với số lượng hơn 103 triệu lít xăng dầu trị giá hơn 1.500 tỉ đồng.

Đổi lại Dương nhận lót tay 2,2 tỉ đồng do tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú trực tiếp đưa tại một quán cà phê gần sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. 

Thuộc cấp của Dương là Lê Văn Hoàng, giám định viên, cũng là người giúp sức đắc lực cho đường lây buôn lậu xăng dầu cực lớn này. Hoàng đã có sáu lần thực hiện việc giám định và đều đề xuất cấp chứng thư chỉ một phần theo yêu cầu của đường dây buôn lậu này. Thậm chí tất cả lần giám định, Hoàng cùng những cán bộ của Công ty Dương Đông Hòa Phú và đại diện tàu vận chuyển đều đi kiểm tra đo tính toàn bộ khối lượng xăng dầu trên tàu, sau đó chờ tàu bơm hết để cấp chứng chỉ khô sạch cho các khoang hàng cấp chứng thư giám định.

Trong sáu lần giám định, Hoàng đã giúp sức cho đường dây này buôn lậu gần 50 triệu lít xăng dầu trị giá gần 700 tỉ đồng. Tháng 11-2016, C46 khởi tố, bắt giam Dương và Hoàng.

Công ty Dương Đông Hòa Phú.

Đối với các cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Bình Thuận, Đinh Hữu Thùy được phân công giám sát, kiểm hóa nhập xăng A92 từ tàu BTS Christina bơm vào kho. Đêm 28-1-2016, Thùy có mặt tại kho xăng dầu Dương Đông Hòa Phú nhưng không lên tàu để thực hiện nhiệm vụ cho đến rạng sáng hôm sau đoàn công tác của C46 bắt quả tang.

Tại CQĐT, Thùy khai nhận cùng Trịnh Tuấn Anh, Lê Văn Vinh đều là cán bộ Chi cục Hải quan Bình Thuận, được phân công giám sát, kiểm hóa việc nhập xăng dầu của công ty này 12 lần. Tuy nhiên, chỉ có vài lần kiểm tra thực tế trên tàu và lập biên bản chứng nhận số lượng xăng dầu đều không đúng với số lượng thực tế. Mỗi lần kiểm hóa, Thùy đều được Nguyễn Tuấn Anh, nhân viên Dương Đông Hòa Phú đưa bì thư bên trong có 12 triệu đồng để bồi dưỡng. Thùy giữ lại cho mình 3 triệu đồng, chia cho Vinh 3 triệu đồng, còn 6 triệu nộp về cho Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Bình Thuận.

Tổng cộng Thùy đã nhận 144 triệu đồng, trong đó Thùy bỏ túi 36 triệu đồng. Nguyễn Tuấn Anh khai nhận được đưa phong bì tiền đã dán kín và được phân công trực tiếp đưa phong bì trên cho cán bộ hải quan kiểm hóa theo chỉ đạo của ban giám đốc, còn số tiền trong phong bì bao nhiêu, Tuấn Anh không biết.

Lấy lời khai Nguyễn Đức Mạnh, tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú, Mạnh cho biết việc đưa phong bì cho cán bộ hải quan theo thông lệ từ trước khi Mạnh về nhận chức. Khi phó giám đốc xin ý kiến, Mạnh chỉ đạo trước làm thế nào nay làm như vậy và không biết mỗi lần Nguyễn Tuấn Anh đưa cho cán bộ hải quan bao nhiêu tiền và nguồn tiền lấy từ đâu. C46 đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Tuấn Anh về tội đưa hối lộ và Đinh Hữu Thùy về tội nhận hối lộ.

Cán bộ hải quan Lê Văn Vinh khai nhận đã thực hiện bảy lần kiểm hóa, giám sát tại đây và được Thùy thông báo mỗi chuyến được bồi dưỡng 3 triệu đồng tổng cộng 21 triệu đồng. Tuy nhiên, Thùy vẫn chưa đưa tiền và mượn lại của Vinh cho đến ngày bị bắt. Dù chưa nhận tiền nhưng với chức trách, nhiệm vụ kiểm hóa tại tàu, Vinh chưa lần nào lên tàu để thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện để đường dây buôn lậu này hoạt động.

C46 đã khởi tố, bắt giam Vinh về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. C46 cũng khởi tố, bắt giam Lê Hải Dương, nhân viên đại lý tàu biển Đông Hưng quốc tế công ty được Công ty BTS Tankenrs (Singapore) thuê làm thủ tục cho tàu BTS nhập cảnh, giao hàng hóa và xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Dương biết tàu BTS vận chuyển gần 10.000 tấn xăng A92 cập và giao hàng tại cảng Hòa Phú ngày 28-1-2016 được lập thành hai vận đơn. Tuy nhiên, Dương chỉ lập bản khai chung hàng nhập chỉ hơn 1.800 tấn, số lượng còn lại ghi là hàng hóa chuyển cảng, quá cảnh. Trên thực tế số lượng xăng dầu “chuyển cảng, quá cảnh” này đã được bơm lên kho của Dương Đông Hòa Phú, giúp đường dây này thu lợi bất chính hơn 150 tỉ đồng.

Tàu BTS Christina của Singapore đã bị CQĐT tạm giữ.

Theo CQĐT, các ông Võ Văn Toàn, Chi cục trưởng; Tạ Hùng Dũng, Phó Chi cục trưởng và ông Lưu Trọng Vũ, Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Bình Thuận, đã thiếu kiểm tra sâu sát đối với các cán bộ dưới quyền. Tuy nhiên, quá trình điều tra không có căn cứ xác định họ có hành vi bao che hay nhận tiền. CQĐT đã đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự và có văn bản kiến nghị Tổng cục Hải quan xử lý hành chính thật nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi vụ án đưa ra xét xử, qua thẩm vấn tại phiên tòa nếu làm rõ hành vi phạm tội thì HĐXX kiến nghị CQĐT xử lý theo thẩm quyền.

Đối với Công ty Sun Jazz Trading & Services Pte Ltd và Công ty Enegry & Commodity Pte Ltd, đối tác bán xăng dầu cho Công ty Dương Đông Hòa Phú, đến nay chưa có kết quả xác minh của cảnh sát Singapore nên chưa làm rõ được việc thỏa thuận mua bán, số tiền thanh toán giữa hai công ty trên với Dương Đông Hòa Phú.

CQĐT Bộ Công an cũng đã ra quyết định tách vụ án hình sự; tách hành vi mua xăng dầu nhập lậu của 31 doanh nghiệp và hành vi của một số người làm dịch vụ chuyển tiền giúp Công ty Dương Đông Hòa Phú chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán để tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm