Bà Phạm Thị Gái (84 tuổi, ngụ khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM) đánh mất CMND nên muốn làm lại. Bà Gái lên phường hỏi thủ tục, cán bộ thấy bà già cả, đi lại khó khăn nên bảo bà cứ về nhà, sẽ có cán bộ đến tận nơi làm giúp.
Ngồi nhà vẫn được cấp CMND
Sau đó, cán bộ đến tận nhà bà Gái hướng dẫn và làm các thủ tục, mấy ngày sau cán bộ mang CMND mới đến giao tận tay bà Gái. Cầm CMND mới, bà Gái phấn khởi: “Nhanh lắm! Họ xuống chỉ dẫn sao đó mà trong vòng mấy ngày là có rồi. Tôi tuổi già, sức yếu đi lại khó khăn nên việc cán bộ đến tận nhà rất tiện, từng li từng tí đều có người chỉ dẫn nên thấy rất thích”.
Tương tự, ông Trần Anh Duy (84 tuổi, nhà ở quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước) sau nhiều năm sinh sống ở Campuchia nay trở về Việt Nam. Do CMND của ông chỉ ghi năm cấp mà không có ngày, tháng nên ông bị phiền hà trong làm ăn, giao dịch. Tháng 7-2015, ông ra trụ sở phường để trình bày thì được cán bộ đến nhà hướng dẫn. Tháng 9-2015, ông Duy nhận được giấy CMND mới.
“Tôi già cả nên không rành về mấy cái thủ tục, được mấy cô, mấy chú hướng dẫn nhiệt tình nên làm nhanh lắm. Có CMND mới, giờ làm gì cũng thấy tiện hơn” - ông Duy nói.
Lãnh lương hưu: Cứ ở nhà, phường sẽ mang đến
Sau khi chồng mất nhiều năm, bà Quách Phấn (80 tuổi, ở khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước) muốn làm lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nhưng ngại vì phải đi tới đi lui nhiều, lại không rành về quy định. Mãi đến khi nhà có việc cần, bà mới lên phường hỏi thăm. Cán bộ phường hỏi thông tin của bà rồi nói bà cứ yên tâm về nhà. Mấy hôm sau, cán bộ đến tận nhà hướng dẫn từng thủ tục nhỏ nhặt nhất.
Cán bộ phường Hiệp Bình Phước đến nhà dân để hướng dẫn làm hồ sơ nhà, đất. (Ảnh do UBND phường Hiệp Bình Phước cung cấp)
“Tôi có biết đâu, họ bảo để thông tin đó rồi về thì tôi làm theo, không ngờ họ đến nhà chỉ cho mình thật. Mất có nửa buổi là tôi xong phần mình, còn bao nhiêu cán bộ họ lo hết. Đến ngày có giấy, họ báo mình đến lấy là xong” - bà Phấn nói. Con gái bà Phấn - chị Quách Thị Châu cảm kích: “Mẹ tôi vì phiền con cái nên cứ đi một mình. Tôi không ngờ cán bộ lại đến tận nhà để chỉ dẫn cho mẹ rồi giải đáp rất cụ thể. Tôi thấy làm như vậy rất hay”.
Những năm gần đây, vì sức khỏe yếu nên ông Lê Thạc ủy thác cho bà Phạm Thị Thoa (vợ ông) ra phường để nhận lương hưu hằng năm. Được vài lần, bà Thoa thấy mệt nên muốn đơn giản hóa việc ký nhận. Đem khó khăn đó nói với cán bộ phường, mọi việc giờ đã suôn sẻ. “Giấy tờ thủ tục gì giờ tôi cũng không cần quan tâm nữa, mọi việc phường thay mình làm hết. Tôi không phải mất thời gian để chờ chực như thời gian trước. Khi nào họ thông báo, tôi thấy khỏe thì chịu khó lên lấy, còn không thì con cái đi nhận thay. Nhiều khi nhà không có người mà để qua ngày, cán bộ họ cũng mang xuống thôi” - bà Thoa kể.
Từ chữ ký của bà Thoa trên những giấy tờ và biên nhận trước đó, cán bộ phường lưu trữ lại phần chữ ký, đến tháng bà chỉ việc xác nhận chữ ký của mình trên phần thông tin thì sẽ xong phần thủ tục. Sau đó, phường thông báo đến gia đình để người nhà lên nhận, nếu không ai đến nhận thì phường cử cán bộ xuống nhà để đưa.
Giúp dân tiết kiệm thời gian
Ông Nguyễn Quang Chi, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), cho biết do đang trong quá trình đô thị hóa nên nhu cầu về công chứng, chứng thực giấy tờ trên địa bàn phường gần đây tăng cao. Người dân đến phường chưa hẳn đã giải quyết được hết mà còn mất nhiều thời gian. Phường nhận thấy việc hỗ trợ người dân làm thủ tục liên quan đến giấy tờ là rất cần thiết. Từ đó, năm 2013, Đảng ủy phường đã đề ra phương án hỗ trợ người dân bằng cách điều động cán bộ đến tận nhà để hướng dẫn.
“Ban đầu phường chỉ hỗ trợ những trường hợp liên quan đến hồ sơ nhà, đất vì người dân vướng mắc nhiều ở chỗ này. Được dân ủng hộ cùng với kết quả khả quan trong năm đầu thực hiện, phường quyết định mở rộng hỗ trợ dân ở lĩnh vực công chứng, chứng thực tại nhà, xác nhận chữ ký cho người già… Việc làm này giúp giảm tải rất nhiều những áp lực của tổ văn phòng, đồng thời tiết kiệm được thời gian của dân rất nhiều, đặc biệt là người già hay công nhân không có thời gian đến phường thường xuyên” - ông Chi nói.
Sau phường Hiệp Bình Phước, từ tháng 11-2015, UBND phường Trường Thọ (cũng ở quận Thủ Đức) đã lên kế hoạch triển khai hỗ trợ người già hoàn thành hồ sơ, thủ tục hành chính tại nhà. Ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thọ, nói: “Hiện tại, phường đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ về hai trường hợp liên quan đến hồ sơ nhà, đất cho người dân. Tuy đang trong thời gian hoàn thành thủ tục (vì còn một vài yếu tố cần bổ sung) nhưng đã nhận được phản hồi tốt từ phía người dân”.
Hy vọng sẽ có thêm nhiều địa phương triển khai chương trình này để người dân, nhất là người già, được phục vụ tiện lợi.
200 Đó là số hồ sơ đã được cán bộ UBND phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, TP.HCM) trực tiếp đến nhà dân hỗ trợ giải quyết từ năm 2013 đến nay. Riêng trong năm 2015 có 85 hồ sơ (26 hồ sơ liên quan đến nhà, đất, 35 hồ sơ về chứng thực chữ ký và 25 hồ sơ liên quan đến hộ tịch) đã được cán bộ phường triển khai hỗ trợ thành công cho người dân. |