Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (ngụ phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) cho biết đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, phản ánh thái độ không tôn trọng dân của cán bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước. Bài báo cũng trích một đoạn ghi âm để cho thấy rõ thái độ của cán bộ đối với bà Thoa như sau:
Bà Thoa: Lần trước tôi đến cô cũng khó chịu, xin lỗi cô tên gì, vậy cô làm gì ở đây?
Nữ cán bộ tiếp dân: Tôi không trả lời cô, làm sao mà cô hỏi một câu vô duyên thế. Tôi làm ở đây thì tôi mới đi vào đây chứ. Tôi không nói chuyện với cô nữa.
- Sao lại nói tôi vô duyên, tôi chỉ muốn biết tên cô thôi, sao cô không đeo bảng tên?
- Tôi không trả lời cô, cô đi hỏi cục trưởng đi… "
Nhiều lượt bình luận, góp ý được gửi về cho PLO cho thấy bạn đọc không những rất thông cảm mà còn thấu hiểu sâu sắc với tình huống mà chị Thoa gặp phải. Lý do đơn giản là vì chính họ cũng đã nhiều lần chứng kiến hoặc là nạn nhân trực tiếp từ thói chuyên quyền, hách dịch của không ít cán bộ, công chức nhà nước.
Trong khi ở bất cứ cơ quan công quyền nào cũng có bảng quy định rõ về thái độ của công chức khi tiếp xúc với dân, luôn có hòm thư góp ý, công chức thì nằm lòng câu nói “cán bộ là công bộc của dân”… Nhiều nơi còn treo bảng to oành "xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn". Thế nhưng vẫn còn nhiều người dân khi bước vào cửa những đơn vị này thường có tâm trạng lo lo và khi bước ra thì ôm một cục tức hoặc sự khó chịu. Vì sao vậy?
Sự việc có ở mọi nơi
Nhiều bạn đọc không đồng tình gọi đây là hiện tượng, vì chuyện cán bộ nói trống không, cáu gắt, thậm chí quát nạt người dân khi họ đến làm việc giống như “chuyện thường ngày ở huyện”.
"Tôn trọng, lịch sự, hòa nhã với Dân ở nhiều nơi thì chỉ là khẩu hiệu mà thôi. Cứ thử vào đồn công an thì biết, ngay sau lưng cán bộ treo những điều Bác dạy CAND, nhưng không ít cán bộ CA nhìn Dân như tội phạm, mặt hằm hằm... Chán!"- bạn đọc Lệ Rơi bày tỏ.
Người dân cứ truyền tai nhau rằng đã ngồi ở những cơ quan đó thì chắc chắn là con ông cháu cha, đôi khi trình độ không có nhưng cái ô nó to. Do đó, mặc dù mang trên mình trọng trách phục vụ nhân dân, nhưng nhiều công chức lại tự cho mình cái quyền ở cao hơn thiên hạ để… quát xuống.
Người dân rất cần nhận được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ, công chức trong những lĩnh vực mà họ còn bỡ ngỡ.
Bạn đọc Thợ xây nói: “Chuyện tiếp dân hống hách, nạt nộ tôi thấy nhan nhản rất nhiều. Đây là phần nổi của tảng băng chìm”. Bạn đọc này còn cho rằng người dân nếu muốn nhận được thái độ cư xử tốt hơn từ các “quan” thì phải "biết điều” mới gặp"văn minh lịch sự", còn không thì sẽ phải ôm cục tức như chị Thoa.
Chia sẻ quan điểm này, bạn đọc Người nhà quê nói: “Không riêng gì việc này mà rất nhiều hiện tượng tương tự đã xảy ra ở các cấp to, nhỏ địa phương. Câu "Kính trọng, lễ phép với Nhân dân" hay "Cán bộ , Đảng viên là người đầy tớ của Dân" vứt đâu?”.
Đáng ngạc nhiên là có bạn đọc cho rằng việc cáu kỉnh, mắng dân là “vô duyên” của nữ cán bộ THA trên là… còn hiền. Thậm chí, bạn Nguyễn Lê Vinh kể nhà bạn bị tổ trưởng dân phố làm đường dốc nước vào nhà, phản ánh thì bị đánh đến 2 lần, làm đơn lên phường thì không ai quan tâm.
Hầu hết đều gật đầu công nhận đây là chuyện xảy ra hằng ngày, hằng giờ, chỉ là bị phản ánh hay không mà thôi.
Chuyện không quá lớn nhưng ảnh hưởng xấu không hề nhỏ
Một vấn đề đáng lo ngại là cái tâm của những người làm công chức, cán bộ nhà nước hiện nay. Không phải vô lý khi nhà nước liên tục phát động các chương trình cải cách lề lối làm việc, áp dụng nhiều biện pháp để giám sát, chế tài và bắt buộc công chức phải thực hiện nghiêm việc hành xử lịch sự với người dân.
Bạn đọc Nguyễn Hữu Nhân phân tích: “Lý giải thái độ này của cô P. nổi lên mấy nét: cô này ít chịu tu dưỡng đạo đức người công chức, trình độ văn hóa, giao tiếp, ứng xử với người dân kém... Khi đến công sở làm việc nhưng nặng trĩu những toan tính riêng tư thì sẽ có thái độ như vậy. Vụ việc này không quá lớn nhưng xét ở góc độ lòng tin đối với chính quyền, đối với hình ảnh của tỉnh Bình Phước, ảnh hưởng xấu của nó không hề nhỏ”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa phản ánh việc bị cán bộ P. chửi là vô duyên. Ảnh: NĐ
Theo ý kiến của độc giả Nguyễn Văn Ren thì bây giờ không ít cán bộ cậy quyền thế , văn hoá giao tiếp kém nhưng khi có chuyện, người dân phản ánh thì cấp trên lại bao che.
Một khi người nắm trong tay một chút ít quyền hành nhưng lại không có cái tâm với công việc, là người “phục vụ” nhưng không biết tôn trọng đối tượng phục vụ của mình thì sẽ còn xảy ra cách hành xử đáng chê trách như trên.
Không xử lý là bất thường
Vụ việc xảy ra ở tỉnh Bình Phước tuy chưa đến mức độ nghiêm trọng, nhưng nó phản ánh một phần nổi của tảng băng chìm đang tồn tại. Thực tế, ngoài những biện pháp tuyên truyền (thường tác dụng hạn chế) thì việc áp dụng chế tài là cần thiết.
“Cán bộ tiếp dân như thế này là vi phạm nghiêm trọng Luật Tiếp công dân và Nghị định số 61/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong trường hợp này, Cục trưởng THA tỉnh cũng phải bị kiểm điểm về trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ, công chức”, độc giả Trịnh Văn Lên chỉ rõ.
Nhiều bạn đọc khác như Lê Trình, Phan Văn Đức, Hoàng Dung, Nguyễn Văn Sở… cũng đồng tình đây là trường hợp vi phạm quá rõ ràng, không có lý do để bao che, biện bạch và cần phải xử lý nghiêm. "Qua việc này, tôi thấy: 1/ Không đeo thẻ công chức khi làm việc là sai. 2/ Mời dân bằng điện thoại là sai. 3/ Lớn tiếng với dân là sai"- bạn đọc Hoàng nhận xét ngắn gọn.
Chị cần một nụ cười của những người làm nhiệm vụ phục vụ nhân dân sẽ khiến người dân rất hài lòng , vui vẻ.
Thực tế, nếu những vi phạm như thế này chỉ bị xử lý bằng hình thức “rút kinh nghiệm” thì dù có “nghiêm túc” đến mấy cũng không thể có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tái phạm và hoàn toàn không thỏa mãn lòng dân.
Cần có sự quyết liệt, cụ thể khi xử lý những vi phạm về thái độ của cán bộ, công chức đối với người dân. Điều này đã được quy định rõ trong Luật Tiếp công dân và Nghị định 61. Có cá nhân vi phạm mà không xử lý thì chính cơ quan cấp trên cũng đã vi phạm.
Rõ ràng là dù cái ô có che cái cán thì cái ô đó cũng phải có người sử dụng mới trở thành một vật dụng hữu ích. Từ xa xưa, người cầm quyền đã luôn biết có được lòng dân là có được thiên hạ. Cán bộ, công chức nếu không làm tốt nhiệm vụ của mình, không đem lại lợi ích và sự hài lòng cho người dân thì cán bộ, công chức đó sẽ tự đánh mất quyền lợi của chính mình và làm hình ảnh của chính quyền ngày càng xấu đi trong mắt dân. Đó thật sự là điều không ai mong muốn.