Tại hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2013 (PAR INDEX) do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 6-9, TP Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu với số điểm 87,02%, tỉnh đứng vị trí thứ hai về cải cách hành chính là Hải Phòng, kế đến là tỉnh Bình Dương. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều nằm trong tốp 10 của chỉ số PAR INDEX năm 2013. Trong đó, Hà Nội đứng vị trí thứ năm, còn TP.HCM đứng vị trí thứ chín. Sơn La là tỉnh cuối bảng với số điểm đạt 58,91%.
Đối với 19 bộ, ngành và cơ quan ngang bộ thì Bộ GTVT đứng đầu bảng với số điểm đạt 81,06%. Bộ đội sổ trong bảng PAR INDEX 2013 là Ủy ban Dân tộc của Quốc hội.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Trong các lần đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) sau nên có tiêu chí về chống tiêu cực tham nhũng trong cơ quan hành chính”. Ông nhấn mạnh rằng cải cách hành chính phải cố gắng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Hiện nay chúng ta còn ba điểm yếu về thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công và đội ngũ cán bộ, công chức gây cản trở cải cách và môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo phương pháp đánh giá PAR INDEX, Bộ Nội vụ đưa ra thang điểm 100, trong đó các bộ, ngành tự đánh giá 60 điểm, còn 40 điểm đánh giá qua điều tra xã hội học; các tỉnh tự đánh giá 62 điểm, còn điều tra xã hội học 38 điểm. Chính điều này đã đặt ra nghi vấn về tính khách quan. Ngay tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hỏi: “Liệu trong quá trình thực hiện chỉ số cải cách hành chính có đảm bảo khách quan và có tiêu cực, chạy chọt không?”.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định: “Đến giờ phút này không có hiện tượng tiêu cực. Cơ chế để đảm bảo không có tiêu cực trong chuyện này là đã có Hội đồng Thẩm định!”. Theo ông, việc tự đánh giá cũng rất quan trọng. Bởi vì có những việc, các đơn vị phải trực tiếp triển khai, người ngoài không thể đánh giá được. Điều quan trọng là tự đánh giá nhưng phải kèm theo các tài liệu kiểm chứng do Bộ Nội vụ và Hội đồng Tư vấn xác định.
THU HẰNG