Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII.

Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 –19-5-2024):

Cán bộ phải 'tự soi, tự sửa' nếu còn đau đáu với vận mệnh đất nước

(PLO)- Nếu yêu và đau đáu trước vận mệnh đất nước, số phận của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, cán bộ chắc chắn sẽ luôn “tự soi, tự sửa”, tự điều chỉnh mình để tránh xa cái xấu, cái sai.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, nhấn mạnh: “Để Đảng xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, Đảng phải không ngừng xây dựng và chỉnh đốn để ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

P2_thay-anh.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Xử lý cán bộ sai phạm, gìn giữ thanh danh cho Đảng

. Phóng viên: Việc hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý thời gian qua cho thấy quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thế nào, thưa ông?

+ TS Vũ Trung Kiên (ảnh): Quan điểm chỉ đạo chiến lược được nêu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “…phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Đây được coi là bốn trụ cột chính để phát triển đất nước giai đoạn hiện nay. Như vậy, xây dựng Đảng là một nhiệm vụ được đặt ngang với phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và quốc phòng, an ninh.

Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng lãnh đạo mà còn là Đảng duy nhất cầm quyền. Vì vậy, mọi thành tựu, hay dở, tốt xấu của Việt Nam đều có trách nhiệm của Đảng.

P2_Vu-trung-kien.jpg

TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II

Đảng là một thực thể sống, vì vậy không thể không có sai lầm. Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Trong cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn một điểm đặc sắc đó là đã tin thì mới dùng mà đã dùng thì chắc chắn là tin.

Khi đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng bị xử lý kỷ luật, thậm chí nhiều cán bộ của Đảng đã bị cho thôi chức hoặc phải làm đơn xin nghỉ vì sai phạm của cấp dưới.

Đây có thể xem là một thông điệp mạnh mẽ mà Đảng muốn gửi tới toàn dân trong việc giữ gìn thanh danh cho Đảng, lấy lại niềm tin của dân. Việc xử lý như vậy, làm cho đội ngũ đảng viên trong sạch hơn, loại bỏ những cán bộ sai phạm.

Để Đảng xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, Đảng phải không ngừng xây dựng và chỉnh đốn để ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Vì vậy, kể từ Đại hội XI, các hội nghị Trung ương luôn bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng về xây dựng Đảng.

. Xử lý cán bộ sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ giúp Đảng ngày càng vững mạnh nhưng có lẽ điều này cũng gây ra những xao động trong đội ngũ?

+ Cái gì mới mà không gây ra những bỡ ngỡ, thậm chí là những chấn động lúc ban đầu nhưng hãy tin là khi mọi cái đã thành nề nếp thì mọi chuyện sẽ bình thường.

Hãy nhìn một căn nhà bị đóng kín, ta sẽ không thấy điều gì cả, song chỉ cần ánh sáng chiếu vào là vô vàn hạt bụi nhảy múa.

Nguyên tắc xử lý kỷ luật của Đảng hiện nay và cả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ta có thể hiểu đó như ánh sáng chiếu vào căn nhà bị đóng kín sẽ làm lộ mặt những bụi bặm, mảng bám, đó cũng là điều bình thường.

Vậy nên việc Đảng đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, loại khỏi bộ máy đội ngũ cán bộ sai phạm, hư hỏng vừa qua chắc chắn cũng làm cho đội ngũ xao động. Một bộ phận có tư tưởng không tốt sẽ thấy sợ hãi, chùn tay; cũng có một bộ phận dè dặt hơn, cẩn trọng hơn và có thể dẫn tới công việc trì trệ.

Thực ra những quy định của Nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, nhiều “cạm bẫy” mà nhiều khi những người tâm huyết với công việc vẫn sợ sai khi thực hiện.

Tôi cho rằng ngoài việc xây dựng Đảng, thanh lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay đang làm cần được tiến hành đồng thời với việc xây dựng và ban hành chính sách, loại bỏ các chính sách trùng lặp, khó hiểu, còn những kẽ hở để những người thật sự tận tâm an tâm thực thi nhiệm vụ.

Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, Người còn là một nhà hành động cách mạng. Hồ Chí Minh là con người luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, tuy nhiên, Người luôn đề cao hành động.

Sinh thời Người khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người cũng cho rằng muốn cho người ta theo mình thì trước hết bản thân mình phải là mực thước để người ta có thể tin và theo. Như vậy có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao hành động.

Chúng ta vẫn thường nghe nói dân tin Đảng nhưng đó là một phạm trù rất rộng lớn. Người dân nhìn Đảng thông qua lăng kính của chính mình, đó là họ cảm nhận các chính sách của Nhà nước do Đảng cầm quyền có thật sự phù hợp với lợi ích, nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của họ hay không. Và đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền do Đảng lãnh đạo có thật sự tận tâm vì nhiệm vụ, vì người dân, doanh nghiệp hay không.

Chúng tôi cho rằng việc học và theo Bác hiệu quả nhất chính là luôn tâm niệm và thực hiện có hiệu quả lời dạy sâu sắc của Người: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Chọn người xứng đáng vào bộ máy

. Đảng ta sắp chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho nhiệm kỳ mới. Vậy bài toán đặt ra cho công tác nhân sự của Đảng trong nhiệm kỳ mới ra sao?

+ Các quy trình về công tác cán bộ của Đảng hiện nay cơ bản là đồng bộ và chặt chẽ. Tất nhiên sẽ có câu hỏi đặt ra là tại sao các quy định chặt chẽ với các khâu, các bước như vậy vẫn có nhiều cán bộ sai phạm và bị kỷ luật như thời gian qua.

Thực ra số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vẫn chiếm số nhỏ trong tổng số đảng viên của Đảng và cùng một hiện tượng nếu ta nhìn theo góc độ tích cực sẽ khác nhìn theo góc độ tiêu cực, trong câu chuyện này cũng vậy.

Nếu nhìn ở góc độ tích cực thì rõ ràng chúng ta cần phải vui mừng, vui mừng vì Đảng đã và đang thực hiện cam kết của mình trước nhân dân bằng những hành động mạnh mẽ và thực chất.

Về bài toán đặt ra cho công tác nhân sự của Đảng trong nhiệm kỳ mới, tất nhiên cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của mọi việc. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Vì vậy, chắc chắn những cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng vẫn đặt niềm tin, kỳ vọng và mong muốn Đảng lựa chọn được những cán bộ đủ tâm và tầm vào trong bộ máy. Tất nhiên không ai dám khẳng định tất cả lựa chọn đều chính xác song ít nhất là với sự sàng lọc mạnh mẽ như thời gian qua, chúng ta tin sẽ có được những gương mặt xứng đáng.

Để chọn được người xứng đáng vào trong bộ máy thì nhất thiết các khâu, các bước của công tác cán bộ cần phải được tiến hành công khai, dân chủ, minh bạch, cần chú trọng trách nhiệm giải trình và đặc biệt cần có sự cạnh tranh cần thiết…

P2_anh-chinh.jpg
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ trao bằng khen đến c ác tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2024. Ảnh: THUẬN VĂN

. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có những cách dùng người rất đặc biệt. Điều đó đặt ra những bài học nào cho công tác nhân sự cho Đảng hiện nay?

+ Trước hết phải khẳng định rằng chúng ta đang đẩy mạnh việc học và làm theo Bác Hồ, học và “làm theo” chứ không phải học và “làm y”, tức chúng ta học cái tinh thần, tư tưởng của Bác Hồ.

Nguyên lý của triết học duy vật biện chứng chỉ ra rằng tồn tại xã hội sẽ quyết định ý thức xã hội, nó tác động cả trong công tác cán bộ.

Chẳng hạn những bộ trưởng của buổi đầu khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đều không có lương, họ làm việc và cống hiến bằng chính tinh thần, trách nhiệm trước đất nước và dân tộc. Khi đất nước trải qua các cuộc chiến đấu gian khổ để giành độc lập, chống ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc thì tất cả chí hướng hướng về điều đó.

Hiện nay thì chúng ta không thể đòi hỏi cán bộ phải khổ hạnh như lớp cha anh thuở trước nhưng trong những cái “vạn biến” thì vẫn còn nguyên đó giá trị “bất biến”. Mỗi đảng viên khi vào Đảng đều tuyên thệ trung thành với mục đích, lý tưởng của Đảng mà mục đích lý tưởng của Đảng là vì nước, vì dân.

Vậy nên tôi cho rằng những ai còn yêu đất nước mình, dân tộc mình, những ai còn đau đáu trước vận mệnh đất nước, số phận của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân chắc chắn sẽ luôn “tự soi, tự sửa”, luôn tự điều chỉnh chính mình để tránh xa cái xấu, cái sai, hướng tới làm những điều tốt đẹp ích nước, lợi dân.

. Xin cảm ơn ông.•

GS-TS MẠCH QUANG THẮNG, giảng viên cao cấp Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Dùng cán bộ theo cách của Bác

Bác Hồ dùng người là chọn cho đúng, muốn chọn đúng thì nhiều cách, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng việc, từng người.

Bác Hồ ngày xưa chọn người là tự mình quan sát, tự mình nghe người ta nói, tự mình đi kiểm tra, giới thiệu. Nhờ vậy mà Bác chọn ông Trần Duy Hưng làm chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, chọn ông Nguyễn Văn Huyên làm bộ trưởng Bộ Giáo dục đều trúng cả.

p3-anh.jpeg
Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (bìa phải) và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Theo tôi, học Bác, việc thứ nhất là chọn cho trúng, mình tự mà nhìn, dựa vào quan sát, dựa vào người này nói, người kia thông tin, dựa vào kiểm tra trực tiếp chứ nghe báo cáo không là không được.

Cách thứ hai để đề bạt mà bố trí cho đúng là không chỉ dựa vào bằng cấp. Bác tìm hiểu từng người, cả hiện tại và quá khứ và triển vọng sắp tới.

Người ta làm vào vị trí đó rồi phải kiểm tra, động viên, kiểm soát. Kiểm tra mà có sai sót thì tùy từng mức độ mà sửa cho người ta theo hướng nhân văn.

Cách phê bình của Bác, chúng ta cũng phải học tập. Mục đích của phê bình là để cho “phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Phê bình phải có văn hóa. Năm 1966 Bác bổ sung vào di chúc câu “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Dùng cán bộ, đề bạt cán bộ theo cách của Bác là được cả.

.........................................

Cử tri TRẦN VIỆT TRUNG, TP Thủ Đức:

Cần có tinh thần cầu tiến

Tôi nhớ Bác Hồ từng có lời răn rằng cán bộ mà không biết thì phải hỏi, không nên tự ti và tôi cho rằng cán bộ ngày nay cần học Bác như thế. Ta cứ mạnh dạn hỏi và làm, với tinh thần học hỏi và cầu tiến thực sự. Khi có đủ niềm tin và tri thức, bản lĩnh được rèn giũa thì tự khắc sẽ tự soi rọi con đường đi của mình.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có lẽ là vấn đề của mọi thời đại. Làm sai thì phải trả giá là điều đương nhiên. Nhưng tôi mong rằng chúng ta sẽ không phải xử lý nhiều cán bộ cấp cao như thời gian vừa qua nữa.

Tôi luôn kỳ vọng cán bộ có tố chất, bản lĩnh, có tâm và có tài.

......................................................

Cử tri TRẦN CANH, TP Thủ Đức:

Phải đặt đạo đức lên trên hết

Vừa qua hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý liên quan đến tham nhũng, chứng tỏ sự cương quyết trong xử lý cán bộ nhưng về lâu dài cần một giải pháp cụ thể hơn để phòng ngừa tệ nạn tham nhũng, tiêu cực ngay từ đầu.

Đạo đức và trách nhiệm của cán bộ vẫn là câu chuyện dài, không chỉ ở cấp cơ sở mà nay còn ở cấp lãnh đạo, quản lý.

Trong bối cảnh như hiện nay, có lẽ đạo đức và cái tâm của mỗi người cán bộ cần được đặt lên trên hết. Phải lấy đó để tự soi rọi lại mình…

V.THỊNH - T.TUYỀN ghi

Đọc thêm