Cán bộ xã, huyện còn hành dân quá cỡ

Ngày 27-1, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã gặp gỡ, lắng nghe các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư (LS), thừa phát lại (TPL) góp ý về mặt được, chưa được trong việc phục vụ người dân của huyện. Sau đó, phía huyện hứa sẽ khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh để làm hài lòng người dân hơn.

Nhì nhằng chín tháng chưa xong

Tại buổi gặp, LS Phạm Văn Khang (Đoàn LS TP.HCM) cho biết ông nhận ủy quyền của ông M. đi làm hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vụ việc kéo dài mãi đến chín tháng vẫn chưa xong.

Cụ thể, LS kể khi phía ông nộp hồ sơ cho Văn phòng (VP) Đăng ký quyền sử dụng đất huyện (nay là chi nhánh VP Đăng ký đất đai) thì VP phản hồi rằng giấy chứng nhận có dấu hiệu cạo sửa và không ghi thời hạn sử dụng đất. VP yêu cầu phía ông phải về xã để được lập biên bản vi phạm hành chính. Thân chủ ông đồng ý làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, về xã thì nơi đây khẳng định giấy tờ không có chỗ nào cạo sửa. Mặt khác, nhiều giấy chứng nhận khác cũng không ghi thời hạn sử dụng đất chứ không riêng trường hợp này.

Dù được phía xã trả lời như vậy nhưng LS Khang cho biết phía huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục ra văn bản yêu cầu về xã để phạt. Lần này thì xã cho biết VP cứ trích lục giấy chứng nhận đang lưu trữ tại VP để giải quyết cho người dân. Thế nhưng VP không làm. Thậm chí người dân đã làm đơn khiếu nại gửi đến VP từ tháng 10-2015 nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời, trong khi theo quy định là 30 ngày cơ quan có thẩm quyền phải có phản hồi cho người dân.

Ông Huỳnh Công Thanh, Giám đốc chi nhánh VP Đăng ký đất đai huyện Bình Chánh (giữa), đang nghe phía gia đình ông M. phản ánh vụ việc. Ảnh: LÊ THOA

Thấy sai không sửa ngay

LS Nguyễn Chí Linh (Đoàn LS TP.HCM) kể thêm: “Lần đó tôi đi làm hợp thức hóa nhà, đất cho một thân chủ tại ấp 5, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh. Nộp hồ sơ xong, tôi phát hiện cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ ghi nhầm từ ấp 5 thành ấp 3. Khi tôi trình bày nội dung trên thì cán bộ lại hẹn tôi thêm năm ngày nữa khiến tôi rất bức xúc. Tôi nghĩ nếu sai sót thì phải sửa ngay cho người dân chứ không nên hẹn tới hẹn lui, rất mất thời gian”.

Theo LS Linh, nhiều người dân vì ngại phải chờ đợi, đi lại nhiều lần nên mới ủy quyền cho LS đi làm thay mình. Phía LS thấy lâu thì có thể ráng chịu đựng chứ hành người dân như thế thì không nên. “Thủ tục hành chính nên sửa đổi, cán bộ chỉ hướng dẫn một lần và chịu trách nhiệm về hướng dẫn trên để bà con không tới lui nữa. Chúng ta phải tránh trường hợp “hành là chính”” - LS Linh góp ý.

Về phần TPL, bà Trương Thị Kim Dung, VP TPL huyện Bình Chánh, nêu: “Có trường hợp các xã không phối hợp với TPL. Khi tôi gửi văn bản yêu cầu xác minh thì có đơn vị không nhận mà yêu cầu chúng tôi về làm đề nghị yêu cầu cung cấp thông tin như người dân bình thường. Chúng tôi thấy khó hiểu quá vì chúng tôi đang làm công việc nhà nước… Thậm chí nhiều khi chúng tôi gửi văn bản yêu cầu xác minh mà các cơ quan cứ hẹn đi hẹn lại, có khi đến gần nửa năm vẫn chưa nhận được văn bản trả lời”.

* * *

Sau khi nghe các ý kiến, ông Nguyễn Văn Phụng - Bí thư Huyện ủy Bình Chánh đã đề nghị các cán bộ, phòng chức năng huyện tiếp thu đóng góp. Ông đề nghị các đơn vị có thể sửa chữa chỗ nào thì làm ngay. Đặc biệt chi nhánh VP Đăng ký đất đai huyện phải tổ chức sinh hoạt kỹ về công tác tiếp công dân, hướng dẫn thủ tục cho cặn kẽ, hạn chế tối đa việc hẹn hồ sơ vì còn nhiều ý kiến cho rằng đơn vị làm chưa tốt...

“Cò” bảo chỉ cần một tuần

Ngày 27-1, một số người dân cũng cho biết họ rất mệt mỏi khi đi làm hồ sơ. Chị Nguyễn Thị Hà (xã Vĩnh Lộc B) cùng em gái đi làm giấy tờ cho mảnh đất của cha mẹ để lại. Chị cho hay ngay từ UBND xã Vĩnh Lộc B, chị phải chờ hơn bốn tháng và sau nhiều lần hẹn chị mới nhận được đầy đủ hồ sơ để chuyển lên huyện. Khi mang hồ sơ lên huyện, chị phải mất ba tuần mới nhận được phản hồi từ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Lên làm việc thì chị lại được hẹn thêm hai tuần nữa mà không biết rõ lý do là gì. “Làm một bộ hồ sơ mà phải mất đến ít nhất là 5-6 tháng trong khi tất cả giấy tờ như giấy mua bán, giấy cha mẹ cho tặng, bản vẽ... đều đầy đủ thì thật khó hiểu. Chiều nay tôi đến lấy số thì có “cò” ra giá 20 triệu đồng thì chỉ một tuần là xong hồ sơ. Tôi không biết đúng-sai thế nào nữa” - chị Hà kể.

Tương tự, trường hợp chị Nhiên, con gái ông Nguyễn Hùng Việt (xã Tân Nhựt), nộp hồ sơ làm giấy hồng từ giữa tháng 11-2015 thì đến đầu tháng 12 chỉ nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ từ UBND huyện. “Tôi hoàn thành xong thủ tục, đến nộp thì lại được thông báo giấy đỏ hết hạn, phải làm thủ tục gia hạn. Giờ gần tết mang giấy đỏ về xã làm thủ tục gia hạn là rất lằng nhằng, phức tạp, chắc qua tết may ra mới nộp hồ sơ lại được. Giá mà lúc tôi nộp hồ sơ, cán bộ huyện xem rồi thông báo thiếu gì, cần gì để mình bổ sung cho rõ một lần chứ cứ kêu bổ sung lắt nhắt, phải chờ đợi tháng này qua tháng nọ thì rất mệt mỏi” - chị Nhiên than thở.

___________________________

Ông Nguyễn Thành Chúng, VP Công chứng Bình Hưng, kể: “Việc niêm yết tại các xã cũng trần ai. Nhiều khi phải đi hai, ba lần mới niêm yết xong một văn bản. Có khi TPL đến niêm yết thì cán bộ phụ trách không có mặt để nhận, có trường hợp nhận rồi lại để mất…”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm