Biệt thự Võ Văn Tần (The Villa) tiếp giáp ba mặt tiền đường: Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan và Võ Văn Tần. Chủ nhân của biệt thự là ông Nguyễn Văn Nhiều (thường gọi là Sáu Nhiều).
Biệt thự với kiến trúc “franco-anamite” , đến giờ vẫn chưa rõ nhà thiết kế
Biệt thự này được xây dựng trên hai lô đất rộng 2.800 m2 (diện tích xây dựng 1.100 m2, cảnh quan 1.700 m2) được mua vào năm 1922 và 1924 với thời gian thi công từ năm 1924 đến 1930.
Nhiều phần của biệt thự hư hỏng do mái ngói hỏng nặng
Biệt thự thay đổi lớn nhất khi được sử dụng từ 1946-1955 (đặc biệt là sau năm 1950) cho Không quân Pháp ở Viễn Đông. Sau đó, trong những thập niên 1960-1970, một phần của biệt thự đã được thuê làm trường học và nhiều lớp học được xây dựng trong thời gian này.
Toàn bộ mái ngói xuất xứ từ Pháp với các phần chạm họa tiết pha lẫn Á Đông
Biệt thự với kiến trúc “franco-anamite” lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc phương Tây (Pháp), với sự sắp xếp các khối lớn; bố trí không gian nội thất (bố trí chức năng và thiết kế nội thất) và phong thủy của phương Đông (Việt Nam). Phần chính của biệt thự gồm 16 phòng với cầu thang trung tâm.
Biệt thự với kiến trúc hình dạng chữ Đinh đặc trưng của hệ thống đình Việt Nam. Cùng đó quy cách trang trí từ cửa kính, nội thất đều thuận phong thủy
Hệ thống tranh tường, tranh trần đến cửa kính màu đều theo quy tắc phong thủy. Toàn bộ phần kính mờ nhập khẩu từ châu Âu
Gạch nền của biệt thự không phải gạch xi măng mà là gạch ceramic được sản xuất riêng với hoa văn riêng biệt
Hệ thống tranh tường độc đáo ẩn dưới những lớp vôi vữa của thời gian
Hệ thống vách gỗ cách âm của “hội trường âm nhạc” bên trong biệt thự Võ Văn Tần hiện hữu và phương án trùng tu
Dự kiến trùng tu sẽ giữ nguyên trạng biệt thự. Bước đầu tiên sẽ phá bỏ những dãy nhà xung quanh được xây dựng sau này. Thứ đến sẽ trùng tu tòa nhà chính, hội trường âm nhạc, các nhà phụ, vườn, ba cổng vào và hàng rào.
Biệt thự Võ Văn Tần với gian chính hai tầng gồm 16 phòng bên trong
Mặt chính biệt thự nhìn từ đường Võ Văn Tần, bước đầu trùng tu sẽ phá bỏ những dãy nhà phụ hai bên được cơi nới sau này
Toàn cảnh biệt thự Võ Văn Tần với ba mặt tiền đường
Biệt thự Võ Văn tần được Công ty Cổ phần Minerva mua lại vào cuối năm 2015 với giá trị 35 triệu USD (gần 800 tỉ đồng). Công ty này cũng là đơn vị tiến hành đầu tư trùng tu theo hướng bảo tồn nguyên trạng biệt thự. Hiện nội thất biệt thự đang được chuyển sang bảo quản nơi khác để chuẩn bị trùng tu từ giữa tháng 12-2018. Việc trùng tu sẽ kéo dài trong vòng ba năm với các chuyên gia từ Ý, Đức, Pháp...
Kiến trúc sư Nicolas Viste (Pháp), trưởng nhóm trùng tu biệt thự Võ Văn Tần, khẳng định: “Biệt thự này được xem là báu vật quốc gia nhờ vào các thiết kế mô phỏng một cách đặc biệt về văn hóa Việt Nam đã bị bỏ quên theo thời gian. Nhà thiết kế công trình biệt thự này đã chọn lựa những phương pháp tân tiến nhất và vật liệu chất lượng nhất thời đó để tạo nên một kết cấu biệt thự bền vững theo thời gian”.