Ngày 27-11, tại TP.HCM diễn ra tọa đàm “Không gian di sản - Bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM”. Trong đó, việc bảo tồn và trùng tu biệt thự cổ Võ Văn Tần tại 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) đã được đem ra bàn thảo.
Một báu vật quốc gia
Biệt thự Võ văn Tần được Công ty Cổ phần Minerva mua lại vào cuối năm 2015 với giá trị 35 triệu USD (gần 800 tỉ đồng). Cho đến giờ, êkíp trùng tu vẫn chưa xác định được năm chính xác biệt thự này được xây dựng. Tuy nhiên, kiến trúc sư (KTS) Nicolas Viste (Pháp), trưởng nhóm trùng tu biệt thự Võ Văn Tần, cho biết: “Chúng tôi tin rằng ngôi biệt thự này được xây dựng vào năm 1927”.
KTS Nicolas Viste khẳng định: “Biệt thự này được xem là báu vật quốc gia nhờ vào các thiết kế mô phỏng một cách đặc biệt về văn hóa Việt Nam đã bị bỏ quên theo thời gian. Nhà thiết kế biệt thự này đã chọn lựa những phương pháp tân tiến nhất và vật liệu chất lượng nhất thời đó để tạo nên một kết cấu biệt thự bền vững theo thời gian”.
Biệt thự này không chỉ đặc biệt ở phần diện tích 2.800 m2, không gian xung quanh mà tất cả chi tiết trong biệt thự đều là những tác phẩm kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của thập niên 1920 tại Sài Gòn. Các phần: Gạch nền của biệt thự không phải gạch xi măng mà là gạch ceramic được sản xuất riêng; lan can cầu thang sắt đều được nhập từ Pháp và Đức; toàn bộ mái ngói xuất xứ từ Pháp; toàn bộ kính mờ nhập khẩu từ châu Âu; hệ thống tranh tường, trần nhà đặc sắc…
Biệt thự cổ Võ Văn Tần tại 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Hư hỏng nặng từ mái ngói
Đặc biệt, quy cách màu của tranh trang trí, cửa kính màu, nội thất… đều thuận theo quy cách phong thủy với tham chiếu kiến trúc hình dạng đinh đặc trưng của hệ thống đình Việt Nam.
Theo khảo sát của êkíp trùng tu, phần thiệt hại nặng nhất của biệt thự Võ Văn Tần chính là phần mái nhà. “Từ phần mái nhà hỏng đã dẫn đến việc ngấm nước bên trong các tầng trên, gây hư hỏng các phần nhà, làm ẩm tường và hỏng các tranh trang trí tường, trần. Phần hư hại nặng tiếp theo chính là các phần kim loại dọc ban công do tiếp xúc trực tiếp với mưa nắng” - KTS Nicolas Viste chia sẻ.
Theo chuyên gia phục chế tranh tường Emanuele Amodei (Ý) thì phần tranh tường của biệt thự Võ Văn Tần vô cùng đặc sắc. Mỗi phòng của biệt thự đều có một hệ thống tranh tường với hoa văn riêng.
Sau hơn hai năm khảo sát, giữa tháng 12-2018, biệt thự Võ Văn Tần sẽ chính thức được trùng tu. Bước đầu tiên sẽ phá bỏ những dãy nhà xung quanh được xây dựng sau này. Thứ đến sẽ trùng tu tòa nhà chính, hội trường âm nhạc, các nhà phụ, vườn, ba cổng vào và hàng rào. Thời gian trùng tu kéo dài hơn ba năm. Êkíp trùng tu là các chuyên gia đầu ngành về trùng tu, lịch sử, kiến trúc từ Ý, Pháp, Đức, Việt Nam...
Biệt thự Võ Văn Tần được xây dựng trên hai lô đất rộng 2.800 m2 (diện tích xây dựng 1.100 m2, cảnh quan 1.700 m2), được mua vào năm 1922 và 1924 với thời gian thi công từ năm 1924 đến 1930. Vị trí biệt thự tiếp giáp ba mặt tiền đường: Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan và Võ Văn Tần. Chủ nhân của biệt thự là ông Nguyễn Văn Nhiều (thường gọi là Sáu Nhiều). |