Cận cảnh siêu tàu sân bay Mỹ tuần tra biển Đông

Khi hải quân Mỹ cần đến sức mạnh hủy diệt cho các chiến dịch quân sự rầm rộ và quan trọng bậc nhất, tàu sân bay USS Carl Vinson chính là giải pháp.

Quan tài biển của trùm khủng bố

Chiếc siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz gắn liền với những thời khắc đặc biệt nhất trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. USS Carl Vinson là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc của cuộc săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden, kể từ khi bắt đầu vào năm 2001 sau sự kiện ngày 11-9 đẫm máu, đến thời khắc cuối cùng khi ông nằm sâu dưới lòng biển. Những chiếc máy bay đầu tiên không kích Afghanistan và lực lượng Taliban đã cất cánh chính từ boong tàu của USS Carl Vinson. Gần một thập niên sau, cũng trên chính boong tàu đó, đội biệt kích SEAL 6 huyền thoại đã đáp trực thăng xuống cùng thi thể của trùm khủng bố Osama bin Laden. Viên ngọc quý của Hạm đội 5 được tin tưởng lựa chọn để đưa quan tài ông trùm đến một địa điểm bí mật và an táng giữa đại dương.

Cuối năm 2014, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến quân như vũ bão về thủ đô Baghdad (Iraq), USS Carl Vinson cũng được chọn làm lá cờ đầu cho chiến dịch không kích phát động bởi cựu Tổng thống Barack Obama. Tờ The New York Times thời điểm đó ghi nhận mỗi ngày có gần 20 chiếc F-18 thay phiên nhau cất cánh từ USS Carl Vinson dội mưa bom vào lực lượng khủng bố.

Với hơn 5.200 thủy thủ và sĩ quan trên tàu, thay quân thường xuyên 10 tháng/lần, USS Carl Vinson trở thành pháo đài bất khả chiến bại sừng sững giữa vùng Vịnh. Bom và tên lửa từ khoang tàu được thang máy vận chuyển lên boong liên tiếp bất kể ngày đêm. Những trực thăng tìm kiếm và cứu hộ “Hải âu biển” MH-60 quần thảo liên tục ngay trên tàu sân bay chờ nhiệm vụ mới. Cho đến thời điểm được thay thế bởi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào giữa năm 2015, USS Carl Vinson đã thực hiện hơn 2.300 chuyến bay tác chiến, gần 9.500 máy bay đã đáp lên boong tàu và đã ném hơn 800 quả bom vào các mục tiêu khủng bố, theo Navy Times.

Biểu tượng cho sức mạnh vượt trội của quân đội Mỹ tại khu vực Trung Đông - tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh dưới: USS Carl Vinson được chọn thực hiện sứ mệnh mang thi thể của trùm khủng bố Osama bin Laden an táng giữa biển. Ảnh: NYT

Viện binh thép cho Thái Bình Dương

Với hàng loạt chiến tích kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1983, con tàu sân bay biên chế tại quân cảng TP San Diego đã được giới quân sự Mỹ đặt cho biệt danh: “Tàu sân bay được yêu thích nhất nước Mỹ”.

USS Carl Vinson được đánh giá là một trong những tàu sân bay dày dạn kinh nghiệm trận mạc bậc nhất của Mỹ, chinh chiến từ cuộc chiến bão táp sa mạc với Iraq những năm 1990 đến cuộc chiến chống khủng bố vào đầu thế kỷ 21. Chính vì vậy, khi được thuyên chuyển từ Hạm đội 5 về biên chế cho Hạm đội 3 vào năm 2015, tàu USS Carl Vinson được đánh giá như một viện binh thép cho Hạm đội Thái Bình Dương (bao gồm Hạm đội 7 phụ trách bờ tây và Hạm đội 3 phụ trách bờ đông của vùng biển). Giờ đây chiến hạm đang có gần 75 máy bay chiến đấu các loại cùng thủy thủ đoàn lên đến 7.500 thủy thủ, có kinh nghiệm tác chiến tại mọi vùng biển trên thế giới, theo Navy Times. Chiếc tàu đã được đầu tư hơn 300 triệu USD để bảo trì và hiện đại hóa, bao gồm cả việc nâng cấp và rèn luyện các công nghệ và chiến thuật sử dụng máy bay không người lái.

Trước khi tuần tra trên biển Đông, tàu sân bay USS Carl Vinson đã tham gia các hoạt động huấn luyện ngoài khơi quần đảo Hawaii và Guam. Hải quân Mỹ cho biết nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Hạm đội 3 đặt tại San Diego (California) trong lúc hoạt động ở biển Đông mặc dù vùng biển nằm trong sự quản lý của Hạm đội 7. Hải quân Mỹ khẳng định động thái này là chỉ dấu cho thấy sự linh hoạt của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương khi tận dụng năng lực của hai hạm đội, cho phép đội tàu của cả hai hỗ trợ nhau.

Tuần tra biển Đông, thách thức Trung Quốc

Hải quân Mỹ cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay 1(CSG 1) gồm tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Wayne E. Meyer và một máy bay thuộc không đoàn tàu sân bay 2, đã bắt đầu các hoạt động tuần tra thường lệ trên biển Đông từ ngày 18-2, theo Reuters.

Thông tin được công bố không lâu sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15-2 cảnh báo Washington không được thách thức cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của nước này ở biển Đông.

Thiếu tá Matt Knight, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương, nhấn mạnh: “Hải quân Mỹ đã hoạt động một cách thường xuyên và hợp pháp ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông trong nhiều thập niên qua và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”. Tuy nhiên, ông Knight không tiết lộ lịch trình tuần tra ở biển Đông của nhóm tác chiến CSG 1.

BẢO ANH

_________________________________

“Bạn sẽ không phải xin phép nước nào để sử dụng tàu sân bay này cả. Đây là lãnh thổ chủ quyền của nước Mỹ” - Đô đốc John W. Miller.

Ông Miller là tư lệnh Hạm đội 5 của hải quân Mỹ đóng tại Bahrain từng tự hào nhận định về tàu sân bay USS Carl Vinson. Mỗi tàu sân bay được xem như một TP, một lãnh thổ di động của nước Mỹ trên các vùng biển quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới