Hải quân Mỹ đã triển khai tàu sân bay mới đến châu Á-Thái Bình Dương để thay thế tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Ngày 5-1 (giờ địa phương), tàu sân bay USS Carl Vinson lớp Nimitz đã rời căn cứ ở San Diego (bang California) lên đường sang Tây Thái Bình Dương.
Trong nhóm tác chiến tàu sân bay có tàu khu trục USS Wayne E. Meyer, tàu khu trục USS Michael Murphy và tàu tuần dương USS Lake Champlain. Các tàu đều có trang bị tên lửa dẫn hướng.
Tổng cộng gồm 7.500 thủy thủ và nhân viên phi hành của các phi đội trên tàu sân bay.
Nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ tập trung cho công tác bảo đảm an toàn hàng hải, diễn tập song phương cùng các nước đối tác ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong các hạng mục như chống tàu ngầm, huấn luyện, diễn tập pháo binh, trao đổi chuyên gia.
Tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tàu sân bay USS Carl Vinson nổi tiếng với sự kiện tàu đã tiếp nhận xác của trùm khủng bố Bin Laden sau khi bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ bắn chết ở Pakistan năm 2011.
Khu vực Tây Thái Bình Dương thuộc trách nhiệm của hạm đội 7, gồm 36 quốc gia hàng hải và năm quân đội nước ngoài lớn (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc).
Trong khu vực này, Mỹ đã ký 5/7 hiệp định phòng thủ chung (Úc và New Zealand, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc và Philippines).
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ chịu sự chỉ đạo của hạm đội 3.
Theo sáng kiến của Đô đốc Scott Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, hạm đội 3 đã được biệt phái tăng cường ở Thái Bình Dương cùng phối hợp với hạm đội 7.
Báo chí Trung Quốc đã đưa ra phản ứng “dằn mặt” trước sự kiện tàu sân bay USS Carl Vinson được triển khai đến Tây Thái Bình Dương.
Phát biểu với báo China Daily, Giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc phòng Trung-Mỹ (Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc) Triệu Hiểu Trác đánh giá đây là động thái mới của Mỹ nhằm kìm hãm Trung Quốc ở biển Đông.
Chuyên gia Trương Quân Xã ở Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc nhận định đây là mối đe dọa đến lợi ích của Trung Quốc ở biển Đông.
Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc đánh giá Lầu Năm Góc chọn thời điểm nhạy cảm này (ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20-1) để tăng cường căng thẳng quân sự trong khu vực.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ghi nhận có khả năng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ gặp đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Đội tàu Liêu Ninh đã tham gia diễn tập ở biển Đông trong tuần này và chưa rõ còn hoạt động trong vùng biển tranh chấp bao lâu.
Sự kiện báo chí Trung Quốc nhắc đến tàu sân bay Liêu Ninh vào thời điểm tổng thống đắc cử Mỹ chuẩn bị nhậm chức đã cho thấy Trung Quốc muốn sử dụng tàu Liêu Ninh để nắn gân chính quyền mới ở Mỹ, đặc biệt là về vấn đề tranh chấp biển Đông.
Tại cuộc họp báo ngày 5-1 (giờ địa phương), người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook đã thông báo kế hoạch củng cố sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và châu Âu. Đầu tiên, nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đã được triển khai đến Tây Thái Bình Dương. Kế đến, lữ đoàn xe bọc thép và trang thiết bị đã lên đường sang châu Âu (đến Đức, sau đó đi tiếp sang Ba Lan). Đây là kế hoạch thay quân luân phiên chín tháng của các đơn vị Mỹ tham gia chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương (củng cố năng lực của NATO và duy trì sự hiện diện ở Trung Âu và Đông Âu). _____________________________ Sự hiện diện của chúng tôi trước tiên nhằm góp phần bảo đảm tự do hàng hải và sử dụng biển phù hợp luật pháp, đồng thời huấn luyện tác chiến và trao đổi văn hóa, kỹ năng và kiến thức chiến thuật. Chuẩn đô đốc JAMES W. KILBY (chỉ huy nhóm tác chiến Nếu chính quyền của ông Trump tiến hành chính sách bên bờ vực chiến tranh, leo thang căng thẳng và phá hủy tàu, máy bay và các cơ sở trên đảo của Trung Quốc, chiến tranh hủy diệt giữa hai cường quốc sẽ bùng nổ. THỜI BÁO HOÀN CẦU (Trung Quốc) |