Trong cuộc trò chuyện với các thủy thủ trên tàu sân bay USS Carl Vinson hồi cuối tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã giải thích cụ thể nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Trong đó, đặc biệt quan trọng là “chiến lược đột phá thứ ba”.
Bộ Quốc phòng chia chính sách xoay trục sang châu Á làm ba giai đoạn.
Giai đoạn 1: Bố trí lại lực lượng quân đội nhằm bảo đảm từ nay đến năm 2020, 60% năng lực hải quân và không quân của Mỹ sẽ chuyển sang Thái Bình Dương. Về địa lý, các lực lượng này cũng được phân bố lại để thiết lập các trọng tâm mới ở Guam, Úc và Singapore.
Giai đoạn 2: Cải thiện về chất lượng các khả năng của các đơn vị bố phòng ở Thái Bình Dương. Thiết lập các mối quan hệ quân sự mới hoặc thúc đẩy các mối quan hệ quân sự mạnh hơn trong khu vực với các nước như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ.
Giai đoạn 3: Mỹ nỗ lực đưa các đối tác trong khu vực vào một mạng lưới mạnh hơn và hợp tác chặt chẽ hơn bằng cách cải tiến năng lực quân sự của quân đội Mỹ trong khu vực.
Hải quân Mỹ thử nghiệm tàu ngầm không người lái. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 8-10 giải thích trong giai đoạn 3 hay còn gọi là “chiến lược đột phá thứ ba”, quân đội Mỹ sẽ chú trọng áp dụng công nghệ mới để nâng cao tính ưu việt về quân sự.
Các năng lực quân sự được chú ý tăng cường bao gồm tăng gấp ba năng lực tên lửa hành trình trên các tàu ngầm tấn công lớp Virginia bằng cách đầu tư vào tàu ngầm không người lái, đầu tư dài hạn vào khả năng ưu thế trên không và máy bay ném bom tầm xa, mua thêm máy bay tiêm kích F-35, nâng cấp các phi đội máy bay tiếp liệu, bổ sung thêm chức năng chống tàu tầm xa cho tên lửa phòng không SM-6, cải tiến đạn chính xác và thiết kế tên lửa hành trình.
Hồi tháng 3, trao đổi với báo Washington Post, Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work đã giải thích “chiến lược đột phá thứ ba” nhắm đến ba mục tiêu: Bảo đảm ổn định toàn diện; giảm mọi động cơ dẫn đến chiếm thế thượng phong; nhanh chóng kết thúc cuộc chiến trước khi dẫn đến ngưỡng hạt nhân.
Ông xác định ổn định toàn diện bao gồm ba trụ cột bổ sung cho hoạt động ngăn chặn xung đột là chiến lược (hạt nhân), chiến tranh quy ước và kinh tế. Trong đó “chiến lược đột phá thứ ba” giữ vai trò bảo đảm ngăn chặn bằng chiến tranh quy ước được thực hiện một cách có hiệu quả.
Thứ trưởng Robert Work cho biết trong “chiến lược đột phá thứ ba” vẫn còn nhiều bí mật về lợi thế chiến tranh cần giữ kín. Nếu xung đột bùng nổ, mục đích của quân đội Mỹ là Mỹ có thể kết thúc nhanh chóng xung đột bằng các năng lực quân sự còn giữ bí mật.
Nói đến các năng lực quân sự còn giữ bí mật, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã ám chỉ đến tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm cải tiến.
Trong tháng 9, phát biểu tại Trung tâm Vì tiến bộ Mỹ, Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ, đã từng nói ám chỉ đến “chiến lược đột phá thứ ba”: “Chúng ta đã có một số trả lời về tác chiến trong môi trường chống tiếp cận/chống xâm nhập ở châu Á. Hải quân Mỹ đang làm việc về nhiều vấn đề sáng tạo”.
Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work mô tả trong “chiến lược đột phá thứ ba” có một chương trình mang tên “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu bằng vũ khí quy ước”. Chương trình này sẽ thử nghiệm vũ khí siêu thanh có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên toàn cầu trong vòng một tiếng mà không cần dùng tên lửa hạt nhân. Nga và Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu vũ khí siêu thanh như thế. __________________________________ Một số loại tên lửa rất sáng tạo. Chúng ta chắc chắn các đối thủ tiềm tàng cũng phải ngỡ ngàng về cách thức sử dụng các tên lửa này trong nhiều lĩnh vực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng ASHTON CARTER |