Thay vào đó, theo tạp chí National Interest, quân đội sẽ từng bước cải tạo các loại xe chiến đấu bọc thép đang có nhằm phù hợp với việc đối đầu với các đối thủ mới ngày càng hiện đại, như dòng xe chiến đấu Armata của Nga.
Quân đội Mỹ tuy đã có một số ý định phát triển các mẫu xe chiến đấu thế hệ mới, ít nhất là ở bước dựng nguyên mẫu thử nghiệm song không có kế hoạch đưa vào sản xuất đại trà.
"Tôi rất muốn có các mẫu mới thay thế cho các dòng xe chiến đấu Abrams và Bradley và đã có sẵn kế hoạch thực hiện song trong điều kiện ngân sách hiện nay, chuyện này là không thể" - Thiếu tướng David Bassett, Giám đốc điều hành chương trình Hệ thống Chiến đấu Mặt đất của quân đội Mỹ, trả lời báo chí tại hội nghị thường niên ở Washington ngày 4-10.
Xe chiến đấu bọc thép Bradley. Ảnh: Wikipedia
Quân đội nhận thức rõ cả hai dòng Abrams và Bradley đều có những hạn chế và đã có ý tưởng hiện đại hóa, ông Bassett nói. Theo ông, các dòng này vẫn còn khả năng cải tiến, vì cả hai mẫu xe hiện tại có rất ít điểm chung so với các biến thể ban đầu từng được sản xuất trong thập niên 1980.
Tuy vậy, ông cũng nhận định các công nghệ cũ vẫn bị hạn chế về số lượng nâng cấp. Do đó, câu hỏi đặt ra là nên tích hợp công nghệ nào vào nền tảng hiện tại và công nghệ nào thì yêu cầu một phương tiện mới hoàn toàn.
Thật vậy, đôi khi quân đội nhận thấy rằng việc nâng cấp cho nhiều loại xe lại tốt hơn so với phát triển một dòng thay thế hoàn toàn mới. Đó là trường hợp của mẫu xe chiến đấu bộ binh thay thế cho mẫu Bradley. Giới chỉ huy nhận thấy sẽ có lợi hơn nếu bỏ đi dự án thay mới và dùng số tiền này để nâng cấp các mẫu xe Abram, Bradley và pháo tự hành Paladin.
"Rốt cuộc một chiếc xe chiến đấu vẫn là một bộ khung với hệ thống chuyển động, chiến đấu, liên lạc cùng nhiều thứ khác" - Bassett nói. "Nếu bạn có thể phát triển tất cả những thứ đó và đặt chúng vào một chiếc xe hiện có thì có lẽ bạn không cần phải phát triển một chiếc xe hoàn toàn mới từ đầu và loại bỏ được các nguy cơ khi phải phát triển mới toàn bộ như vậy".
Chương trình Xe chiến đấu bọc thép đa năng (AMPV) là một ví dụ mà một mẫu xe "mới" được phát triển bằng cách sử dụng lại những thành phần hiện có. AMPV sử dụng một bộ khung xe mới nhưng hầu hết các bộ phận bên trong của xe thì được sử dụng lại từ mẫu Bradley, Bassett cho biết.
Xe tăng chủ lực M1A2 Abrams đã được sử dụng từ thập niên 1980 đến nay. Ảnh: Wikipedia
Tuy nhiên, cũng có những giới hạn như hệ thống truyền lực trên Bradle, vốn chỉ giới hạn cho một động cơ đã định sẵn kích cỡ. "Nếu chúng ta định đưa vào một hệ thống truyền động mới được cải thiện thì sẽ có thêm nguy cơ mới. Do đó chúng ta cần phát triển các khí tài mới dần theo thời gian. Đây cũng là phương án mà ngân sách có thể hỗ trợ được".
Dù chắc chắn sẽ có thêm nhiều cải tiến mới theo thời gian, hai mẫu tiền thân là M1A2 SEPv3 và Bradley vẫn sẽ còn tiềm năng. Ví dụ, quân đội Mỹ hiện đang nghiên cứu phát triển các tính năng mới như hệ thống bảo vệ hệ thống chủ động (MAPS), sẽ giúp cải thiện khả năng chống tên lửa của hai loại xe này.
Hiện chưa thể nói gì về tính hiệu quả của phương pháp làm mới dần dần của quân đội Mỹ, nhất là khi so sánh với quân đội Nga và Trung Quốc, song với tình trạng ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ đang hạn hẹp như hiện nay, đây có thể là giải pháp tối ưu nhất.