Cận cảnh tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc - khí tài ngang ngửa tàu tuần dương Mỹ

(PLO)- Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055 của Hải quân Trung Quốc được cho là không hề kém cạnh các tàu tuần dương Mỹ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hải quân Trung Quốc vừa bổ sung một “át chủ bài” đáng gờm vào đội tàu chiến của nước này, đó là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Type 055. Đây là tàu chiến mặt nước hiện đại và mạnh mẽ nhất trong lực lượng hải quân Trung Quốc.

Tàu Type 055 được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, trang bị kho vũ khí khổng lồ và các hệ thống điện tử tiên tiến, biến nó trở thành một “kẻ săn mồi đáng gờm” trong đội tàu ngày càng lớn của Hải quân Trung Quốc, với nhiệm vụ chính là bảo vệ các tàu sân bay của Trung Quốc khỏi các mối đe dọa.

Năng lực của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055 đáng gờm đến mức Bộ Quốc phòng Mỹ đã phân loại tàu này như một tàu tuần dương. Nhiều chuyên gia còn so sánh Type 055 với các tàu tuần dương của Hải quân Mỹ.

“Dựa trên các tiêu chí đánh giá, Type 055 có thể được xem là tàu chiến mặt nước tốt nhất nhì trên thế giới” - ông Chris Carlson, một cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ và nhà phân tích hải quân, nhận định với tờ Business Insider.

Lớp Type 055: Biểu tượng sức mạnh trên biển của Trung Quốc

Khát vọng của Trung Quốc trong việc sở hữu một tàu chiến mặt nước cỡ lớn đã có từ thập niên 1960. Trung Quốc khởi động chương trình “055” vào giữa thập niên 1970 nhưng phải hủy bỏ vào năm 1983 do hạn chế về công nghệ.

Ba thập niên sau, nhờ nền kinh tế bùng nổ, ngành đóng tàu của Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thế giới. Nước này tập trung hiện đại hóa hải quân, đầu tư vào các tàu chở dầu, tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến mang tên lửa dẫn đường, tàu sân bay, và nhiều loại tàu chiến khác.

Chiếc Type 055 đầu tiên mang tên Nam Xương được bắt đầu đóng vào tháng 12-2014, chỉ ba tháng trước khi chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc là tàu Sơn Đông được khởi công.

Khi tàu Nam Xương chính thức đi vào hoạt động năm 2020, nó đã đưa lớp tàu này trở thành một thế lực đáng gờm. Với chiều dài 180 m và lượng giãn nước từ 12.000 - 13.000 tấn, đây là lớp tàu chiến mặt nước lớn nhất mà Trung Quốc từng chế tạo.

Tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc - khí tài ngang ngửa tàu tuần dương Mỹ
Tàu khu trục Trung Quốc Type 055 Nam Xương. Ảnh: CHINA NEWS SERVICE

Mỗi chiếc Type 055 được trang bị 112 ống phóng thẳng đứng để phóng tên lửa. Trong đó, 64 ống được bố trí phía trước cầu tàu. Các ống phóng này có khả năng phóng lạnh và phóng nóng, giúp tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau.

Kho vũ khí đáng gờm của Type 055 bao gồm: tên lửa hành trình chống hạm YJ-18 (tầm bắn khoảng 540 km); tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10 (tầm bắn khoảng 800 km); tên lửa phòng không HHQ-9 (tầm bắn khoảng 200 km). Ngoài ra, lớp Type 055 cũng có thể mang tên lửa chống ngầm Yu-8.

Năm 2022, Trung Quốc thử nghiệm phóng tên lửa siêu vượt âm YJ-21 từ ống phóng thẳng đứng trên tàu Type 055. Tên lửa này được cho là có tầm bắn khoảng 1.500 km, tốc độ hành trình Mach 6 (hơn 7.000 km/giờ) và tốc độ cuối hành trình Mach 10 (12.348 km/giờ), khiến việc đánh chặn trở nên cực kỳ khó khăn.

Tàu khu trục Type 055 cũng được trang bị một bệ phóng hộp chứa 25 tên lửa đất đối không tầm ngắn HHQ-10, 4 bệ phóng phòng thủ Type 726 có khả năng phóng mồi bẫy, pháo sáng và mồi nhử, 2 bệ phóng ngư lôi 3 ống với ngư lôi Yu-7, 1 hệ thống vũ khí cận chiến H/PJ-11 và 1 pháo hạm H/PJ-38 130 mm.

Ở phía đuôi tàu, một sàn đáp và kho chứa có thể chứa 2 trực thăng, phục vụ nhiệm vụ truy tìm tàu ngầm và hỗ trợ hậu cần.

Type 055 cũng được trang bị hàng loạt radar, cảm biến, và các hệ thống điện tử hiện đại. Trong đó có 4 radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) được gắn trên cấu trúc thượng tầng và 4 radar băng tần X nằm trong cột tích hợp, làm cho nó trở thành tàu chiến Trung Quốc đầu tiên sở hữu radar mảng phẳng băng tần kép.

Với kho vũ khí và hệ thống cảm biến tiên tiến, Type 055 có thể đảm nhiệm các vai trò tấn công chống hạm, chống ngầm, phòng không, hoặc tấn công mặt đất, khiến nó trở thành ứng viên hàng đầu để hộ tống tàu sân bay. Ngoài ra, tàu khu trục này cũng đủ khả năng hoạt động như tàu chỉ huy đầu não cho bất kỳ nhóm tác chiến mặt nước nào của Hải quân Trung Quốc mà không cần tàu sân bay.

Bộ Quốc phòng Mỹ từng dự đoán rằng Trung Quốc muốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) trên Type 055, giúp tàu khu trục này có thể đảm nhiệm vai trò phòng thủ tên lửa/diệt vệ tinh tương tự các tàu khu trục BMD của Nhật.

Trung Quốc hiện có 8 chiếc Type 055 đang hoạt động. Khoảng 3 chiếc nữa được cho là đang trong các giai đoạn xây dựng, và Trung Quốc có thể sẽ chế tạo tổng cộng tới 16 chiếc Type 055.

Dù còn mới, các tàu thuộc lớp này đã nhanh chóng được đánh giá là một trong những tàu chiến mặt nước tốt nhất thế giới.

Đối thủ của Type 055: Tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ

Kích thước, vũ khí và nhiệm vụ của Type 055 thường được so sánh với tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ. Với chiều dài 173 m, lượng giãn nước khoảng 10.000 tấn, và đi vào hoạt động từ năm 1983, các tàu thuộc lớp Ticonderoga nhỏ hơn và cũ kỹ hơn so với Type 055.

tau-khu-truc-type-055-cua-trung-quoc-khi-tai-ngang-ngua-tau-tuan-duong-my (1).jpg
Tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tuy nhiên, Ticonderoga không hề kém phần uy lực và thậm chí sở hữu kho tên lửa lớn hơn, với 2 cụm 61 ống phóng Mk 41 VLS (tổng cộng 122 tên lửa) cùng 2 bệ phóng bốn ống Mk-141 ở phía đuôi tàu.

Tàu này còn trang bị 2 pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm ở mũi và đuôi tàu, 2 hệ thống vũ khí cận chiến (CIWS) Phalanx, và 2 cụm ống phóng ngư lôi 3 nòng Mark 32, có khả năng bắn ngư lôi Mk 46 hoặc Mk 50. Một nhà chứa trực thăng có thể chứa 2 chiếc MH-60R Seahawk.

Thành phần kho tên lửa của mỗi tàu Ticonderoga tùy thuộc vào nhiệm vụ, với khả năng mang nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm: Tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công mục tiêu mặt đất, tầm bắn lên đến 2.400 km; Tên lửa chống hạm Harpoon để đối phó tàu chiến, tầm bắn 240 km; Tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC để diệt tàu ngầm, tầm bắn 16 km.

Tuy nhiên, vai trò chính của Ticonderoga là phòng không. Tàu có thể mang nhiều loại tên lửa phòng không, bao gồm: Tên lửa Evolved Sea Sparrow; tất cả phiên bản của dòng tên lửa Standard Missile (SM).

Những tên lửa này, với tầm bắn từ 56 km đến hơn 320 km, tạo nên một lớp phòng thủ hiệu quả trước các mối đe dọa từ máy bay trực thăng, máy bay không người lái (UAV), máy bay phản lực, đến tên lửa.

Năm 2008, 1 tên lửa SM-3 phóng từ tàu tuần dương USS Lake Erie đã phá hủy 1 vệ tinh không còn hoạt động ở độ cao khoảng 240 km, chứng minh khả năng thực hiện nhiệm vụ chống vệ tinh của lớp tàu này.

Một điểm nổi bật khác của Ticonderoga là radar AN/SPY-1 mảng pha thụ động - một thành phần quan trọng của hệ thống chiến đấu AEGIS. Đây là hệ thống phòng thủ hải quân tiên tiến, tích hợp chức năng chỉ huy, phát hiện, theo dõi và kiểm soát vũ khí để quản lý toàn diện các mối đe dọa từ trên không, mặt biển, và dưới biển. Ticonderoga là lớp tàu đầu tiên được trang bị hệ thống này.

Hải quân Mỹ đã chế tạo 27 chiếc tàu tuần dương lớp Ticonderoga từ năm 1980 đến 1994, nhưng hiện chỉ còn 9 chiếc đang hoạt động.

Cuộc đua tàu chiến

Tầm quan trọng của tàu tuần dương lớp Ticonderoga đối với hạm đội của Mỹ và tàu khu trục Type 005 đối với Trung Quốc không thể xem nhẹ. Với lượng giãn nước lớn, kho vũ khí đồ sộ, khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, và vai trò như tàu chỉ huy, chúng được coi là những tàu chiến mặt nước quan trọng nhất, chỉ đứng sau tàu sân bay.

Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận khả năng của Type 055 khi chính thức phân loại nó là tàu tuần dương, dù Trung Quốc gọi đây là tàu khu trục. Tàu khu trục thường có lượng giãn nước và kho vũ khí nhỏ hơn tàu tuần dương, cũng như vai trò ít nổi bật hơn trong hạm đội.

Các tàu Type 055 đã hoạt động tại vùng biển ngoài khơi Alaska vào các năm 2021, 2022, và 2024, bao gồm các cuộc tuần tra chung với Nga. Gần đây, một chiếc Type 055 ghé thăm quốc đảo Vanuatu, khiến nhiều người cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng gia tăng hiện diện tại Nam Thái Bình Dương.

Lớp Ticonderoga cũng không hề kém cạnh. Năm 2022, tàu tuần dương USS Port Royal thuộc lớp này đi qua eo biển Đài Loan. Gần đây hơn, vào tháng 6-2024, tàu USS Normandy phô trương sức mạnh ngoài khơi Na Uy, và vào tháng 9-2024, USS Bunker Hill góp mặt trong cuộc tập trận lớn với 5 quốc gia ở Biển Đông.

Hiện tại, cả Hải quân Mỹ và Trung Quốc đều có 8-9 tàu loại này đang hoạt động, nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài. Trong khi Trung Quốc chỉ mới bắt đầu cuộc đua, Hải quân Mỹ đã muốn loại khí tài này khỏi kho vũ khí.

Theo các dự đoán, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng thêm Type 055 với tốc độ mà các xưởng đóng tàu Mỹ khó có thể sánh kịp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm