Trung Quốc đang ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm virus metapneumo ở người (HMPV).
Ngày 6-1, bác sĩ Lý Đồng Tăng - Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) - cho biết nhiều thành phố gần đây đã báo cáo số ca nhiễm cúm gia tăng. Ba tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là cúm A, virus metapneumo ở người (HMPV) và vi khuẩn mycoplasma, theo tờ China Daily. Bác sĩ Lý lưu ý rằng tỉ lệ mắc bệnh cúm vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và cho biết thêm rằng HMPV là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất ở những trẻ từ 5 đến 15 tuổi.
Trước đó, Cơ quan Quản lý Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia (CDC) Trung Quốc ngày 2-1 đã báo cáo sự gia tăng các ca nhiễm HMPV ở Trung Quốc trong tổng số các bệnh về đường hô hấp được ghi nhận từ ngày 23 đến 29-12-2024.
CDC Mỹ lên tiếng
Hôm 6-1, CDC Mỹ cho biết cơ quan này hiện đang “theo dõi” các báo cáo về sự gia tăng các ca nhiễm HMPV ở các tỉnh phía bắc Trung Quốc.
“CDC đã biết về số ca mắc HMPV được báo cáo ở Trung Quốc và thường xuyên liên lạc với các đối tác quốc tế và theo dõi các báo cáo về tình trạng gia tăng bệnh này. Những báo cáo này hiện không phải là nguyên nhân gây lo ngại ở Mỹ” - CDC Mỹ trao đổi với tờ Nexstar qua email.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ JP Nadda ngày 6-1 khẳng định rằng HMPV không phải là một loại virus mới và kêu gọi người dân trong nước giữ bình tĩnh. Ông Nadda cho biết loại virus này, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2001, đã tồn tại trên toàn cầu trong nhiều năm, theo tờ India Today.
"Các chuyên gia y tế đã làm rõ rằng HMPV không phải là một loại virus mới. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001 và đã tồn tại trên toàn thế giới trong nhiều năm. HMPV lây lan qua không khí, thông qua đường hô hấp. Điều này có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Virus lây lan nhiều hơn vào mùa đông và những tháng đầu xuân" - ông Nadda nói.
Bộ trưởng Nadda cho biết chính phủ Ấn Độ đang tích cực theo dõi tình hình và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trước đó, CDC Trung Quốc cho biết nước này vẫn đang trong "mùa có tỉ lệ mắc bệnh đường hô hấp cao", đồng thời nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, tiêm vaccine đầy đủ và duy trì các biện pháp vệ sinh đúng cách.
"Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có xu hướng đạt đỉnh vào mùa đông ở bán cầu bắc" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói hôm 3-1 khi trả lời các câu hỏi về sự lây lan của các bệnh đường hô hấp và các hạn chế đi lại có thể.
Theo bà Mao, tình hình “có vẻ ít nghiêm trọng hơn và lây lan ở quy mô nhỏ hơn so với năm trước”.
Một chương trình thí điểm đã được triển khai ở Trung Quốc nhằm theo dõi các ca viêm phổi không rõ nguyên nhân, đảm bảo rằng các phòng thí nghiệm và cơ quan y tế báo cáo cũng như xử lý các trường hợp nhiễm bệnh hiệu quả hơn.
HMPV là gì?
HMPV là một loại virus đường hô hấp gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường và cúm. HMPV “hoạt động mạnh nhất” vào cuối mùa đông và mùa xuân ở những vùng có khí hậu ôn đới.
Các triệu chứng phổ biến của virus này bao gồm ho, sốt, nghẹt mũi và mệt mỏi, với thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 ngày, theo CDC Mỹ. Mặc dù bệnh thường nhẹ, nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Giống như các bệnh về đường hô hấp như COVID-19 và cúm, HMPV lây lan qua: Tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như chạm hoặc bắt tay; Giọt bắn từ việc hắt hơi và ho; Chạm vào các đồ vật hoặc bề mặt có virus HMPV trên đó, theo kênh Channel News Asia.
Ngược với COVID-19, HMPV phổ biến ở trẻ nhỏ, theo GS Paul Tambyah - Cố vấn cấp cao tại Khoa Bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUH). Nhưng ông Tambyah nói thêm rằng mối nguy hiểm nằm ở chỗ virus làm trầm trọng thêm các bệnh lý sức khỏe tồn tại trước đó như bệnh hen suyễn, có thể cần phải nhập viện.
“Tỉ lệ tử vong do HMPV rất hiếm” - GS Tambyah cho hay, thêm rằng các trường hợp tử vong liên quan đến HMPV thường xảy ra khi virus này được phát hiện cùng với các virus gây bệnh mạnh hơn như virus cúm.
Không giống như COVID-19, hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu cho HMPV; việc điều trị chủ yếu tập trung vào kiểm soát các triệu chứng.
Có nên lo lắng?
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói với Channel News Asia rằng sự gia tăng các ca bệnh HMPV ở Trung Quốc "phù hợp với các mô hình toàn cầu", trong đó số ca bệnh thường tăng vào những tháng cuối mùa đông.
Đợt tăng đột biến hiện tại trùng với thời tiết lạnh giá của Trung Quốc và nhiệt độ thấp dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 3.
TS Khoo Yoong Khean từ Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Duke-NUS (Singapore) cho biết các ca nhiễm HMPV không phải là hiếm, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
"Giám sát bệnh truyền nhiễm đã được tăng cường đáng kể kể từ đại dịch COVID-19, vì vậy chúng ta có thể phát hiện các trường hợp dễ dàng hơn do giám sát tốt hơn” - TS Khoo cho hay, nói thêm rằng “điều đáng giá” là theo dõi các đợt bùng phát này để “[chúng ta] có thể hành động phù hợp nếu nhận thấy bất kỳ sự gia tăng đột ngột nào về số ca bệnh hoặc thay đổi trong mô hình lây truyền”.
GS Paul Tambyah - Cố vấn cấp cao tại Khoa Bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUH) - lưu ý rằng các quan chức y tế Trung Quốc đã tăng cường đáng kể việc giám sát các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính với chẩn đoán tốt hơn nhờ triển khai công nghệ.
"Không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều ca nhiễm HMPV được phát hiện. Điều này xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc vào mỗi mùa đông, đặc biệt là ở miền bắc Trung Quốc. Điểm mấu chốt là chúng ta không nên quá lo lắng vì không có báo cáo nào về tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng do việc phát hiện [số ca nhiễm] gia tăng ở miền bắc Trung Quốc. Nhưng tất nhiên, tất cả những điều này có thể thay đổi khi có thêm dữ liệu” - GS Tambyah lưu ý.
Quốc gia, vùng lãnh thổ nào đã ghi nhận ca nhiễm HMPV?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đợt bùng phát HMPV là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu nhưng các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Á đã trong tình trạng báo động, theo dõi số ca bệnh và kêu gọi người dân luôn cảnh giác và thực hiện vệ sinh tốt.
Cho đến ngày 7-1, Ấn Độ ghi nhận 5 ca nhiễm virus HMPV. Hong Kong đã báo cáo một vài trường hợp nhiễm HMPV nhưng số lượng vẫn ở mức thấp.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan cho biết đang "theo dõi chặt chẽ" tình hình.
Trên khắp Đông Nam Á, các quốc gia như Malaysia, Campuchia và Việt Nam đã ban hành khuyến cáo về sức khỏe cộng đồng.
Chiều 5-1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam) cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh do virus HMPV gây ra tại Trung Quốc, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng.
Đồng thời, Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.
Ngày 4-1, Bộ Y tế Malaysia đã báo cáo 327 trường hợp nhiễm HMPV vào năm 2024, tăng 45% so với 225 trường hợp vào năm 2023.
"Người dân được khuyến cáo chủ động chăm sóc sức khỏe của mình và ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác, đặc biệt là ở những khu vực kín và đông đúc. Điều này bao gồm cả những người có kế hoạch đi du lịch đến các quốc gia có nguy cơ” - theo Bộ Y tế Malaysia.
Các viên chức y tế Campuchia đã kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung, đặc biệt là khi đi du lịch.