Vào 1 giờ chiều 6-1 (giờ địa phương, tức 1 giờ khuya ngày 7-1 theo giờ Việt Nam), Quốc hội Mỹ khoá mới đã tổ chức phiên họp chung giữa Thượng viện và Hạ viện để kiểm đếm số phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Phiên họp do Phó Tổng thống Kamala Harris, Chủ tịch Thượng viện, điều hành.
Bà Harris chứng nhận chiến thắng của ông Trump
Tại phiên họp, bà Harris công bố kết quả kiểm phiếu, xác nhận rằng ông Donald Trump - ứng viên đại diện đảng Cộng hoà giành được 312 phiếu đại cử tri, vượt xa con số 226 phiếu của chính bà - đại diện đảng Dân chủ. Sau khi xác nhận kết quả, bà Harris tuyên bố ông Trump chính thức đắc cử tổng thống và chúc mừng ông cùng Phó Tổng thống đắc cử JD Vance trong tiếng reo hò từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa, theo đài CNN.
Ngay sau khi được công bố chiến thắng, ông Trump tự hào gọi đây là “chiến thắng vĩ đại” không chỉ của cá nhân ông mà còn của những người ủng hộ phong trào “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông Trump nhấn mạnh rằng khoảnh khắc này sẽ đi vào lịch sử như một cột mốc quan trọng của đất nước.
Lãnh đạo phe đa số Cộng hoà tại Thượng viện - thượng nghị sĩ John Thune, gửi lời chúc mừng tới ông Trump và ông Vance, đồng thời khẳng định Thượng viện sẽ ưu tiên đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn các đề cử nhân sự chủ chốt của chính quyền mới.
Về phía đảng Dân chủ, sau khi chứng nhận chiến thắng của ông Trump, bà Harris khẳng định nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ "nền dân chủ của Mỹ" và kêu gọi toàn dân đoàn kết để vượt qua những chia rẽ hiện tại. Chia sẻ trước khi phiên họp bắt đầu, bà Harris nói rõ rằng việc chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ là “nghĩa vụ thiêng liêng” và nhấn mạnh rằng việc “chuyển giao quyền lực một cách hoà bình là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của nền dân chủ Mỹ”.
Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện - thượng nghị sĩ Chuck Schumer nhìn nhận phiên họp diễn ra một cách trật tự và hòa bình là dấu hiệu cho thấy tiến trình bầu cử tại Mỹ đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, ông không quên nhắc lại sự kiện bạo loạn khi lưỡng viện quốc hội họp vào ngày 5-11-2020 để chứng nhận kết quả bầu cử của ông Joe Biden - tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hoan nghênh "sự trở lại của trật tự và văn minh trong các thủ tục lịch sử quan trọng này", ý muốn nhắc đến tình huống bạo loạn tại toà nhà quốc hội làm 6 người chết khi quốc hội họp 4 năm trước nhằm chứng nhận chiến thắng của ông Biden đồng nghĩa thất bại của ông Trump.
Kế hoạch an ninh kín kẽ
Theo CNN, an ninh tại khu vực Điện Capitol được tăng cường tối đa trong ngày 6-1 khi quốc hội họp. Cảnh sát túc trực tại mọi ngã rẽ, trên các tầng và ở từng góc trong tòa nhà, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phiên họp. Bên ngoài, lực lượng chức năng thiết lập vành đai an ninh nghiêm ngặt, hạn chế phương tiện di chuyển trên các tuyến đường xung quanh, và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Các biện pháp bảo đảm an ninh tương tự cho toà nhà quốc hội cũng sẽ được triển khai trong lễ nhậm chức của ông Trump dự kiến diễn ra vào lúc 12 giờ trưa 20-1 (theo giờ miền Đông Mỹ, tức 0 giờ ngày 21-1 theo giờ Việt Nam).
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ lần thứ hai tại Điện Capitol với sự chủ trì của Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ - Thẩm phán John Roberts. Sau khi tuyên thệ, ông Trump sẽ đọc diễn văn nhậm chức trước hàng nghìn người chứng kiến tại công viên quốc gia National Mall, ngay trước Điện Capitol.
Sau bữa trưa với các nhà lãnh đạo quốc hội tại Điện Capitol, ông Trump sẽ diễu hành dọc theo Đại lộ Pennsylvania trong đoàn xe hộ tống đến Nhà Trắng. Đoàn diễu hành sẽ gồm các trung đoàn quân đội, các ban nhạc diễu hành từ các trường học, xe hoa và các nhóm công dân.
Để đảm bảo an ninh chung cho sự kiện ông Trump nhậm chức, lực lượng an ninh và quân đội Mỹ đã lên kế hoạch từ rất sớm, theo đài WDSU News.
Theo Thiếu tướng Trevor J. Bredenkamp - Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp Khu vực Thủ đô Quốc gia Mỹ, lễ diễu hành trong khuôn khổ sự kiện nhậm chức sẽ có sự tham gia của đúng 12.000 người, trong đó 5.000 người là quân nhân và 7.000 người đến từ các tổ chức dân sự trên khắp nước Mỹ.
Để đảm bảo lễ diễu hành diễn ra suôn sẻ và an toàn, quân đội đã sử dụng mô hình thu nhỏ của thủ đô Washington DC, mô phỏng chi tiết tuyến đường diễu hành từ Điện Capitol đến Nhà Trắng để tính toán các phương án an ninh. Đầu tháng này, đại diện của tất cả các nhánh quân đội đã tiến hành cuộc diễn tập thứ ba, tập trung vào việc giải quyết hậu cần, bao gồm khu vực tập kết và các trạm sưởi ấm phòng trường hợp thời tiết xấu.
"Thách thức lớn nhất là chú ý đến từng chi tiết và đảm bảo không bỏ sót bất kỳ điều gì trong quá trình chuẩn bị" - Chuẩn tướng Don Bevis, Phó Tổng tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm chung, chia sẻ về công tác chuẩn bị an ninh.
Vào ngày diễn ra lễ nhậm chức, Lầu Năm Góc cũng sẽ hỗ trợ Sở Mật vụ – cơ quan chịu trách nhiệm chính về an ninh sự kiện - để đảm bảo mọi thứ an toàn và buổi lễ không bị gián đoạn.
Hôm 3-1, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết chính quyền đang hợp tác chặt chẽ với đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump để ngăn chặn mọi nguy cơ tấn công nhằm vào lễ nhậm chức sắp tới.
Sẽ có 20 sắc lệnh được ông Trump ký trong ngày nhậm chức
Trong buổi chiều 20-1, ông Trump dự định ký hơn 20 sắc lệnh hành pháp - những sắc lệnh không yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội - nhằm tìm cách đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền ông Biden.
Các sắc lệnh này dự kiến sẽ liên quan các vấn đề như nhập cư, biên giới Mỹ-Mexico, thúc đẩy sản lượng năng lượng, và các lệnh ân xá.
Tối 20-1, ông Trump có kế hoạch sẽ tham dự một số tiệc đêm tại thủ đô để ăn mừng ông tái đắc cử. Các sự kiện này do ủy ban nhậm chức của ông Trump tài trợ.