Ngày 3-12, phía Trung Quốc đã có phản ứng mạnh với Báo cáo của một tiểu ban Hạ viện Mỹ công bố ngày trước đó kết luận rằng nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 có thể liên quan sự cố nghiên cứu hoặc rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán tại Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố rằng cái gọi là báo cáo trên của Mỹ "đưa ra những kết luận mang tính quy nạp mà không có bất kỳ bằng chứng xác đáng nào" để đóng khung và đổ lỗi cho Trung Quốc, theo trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc (www.fmprc.gov.cn).
Mỹ: "Tai nạn nghiên cứu" từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
Trước đó, ngày 2-12, Tiểu ban đặc biệt về đại dịch COVID-19 thuộc Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm giải trình của Hạ viện Mỹ công bố báo cáo cuối cùng về dịch bệnh này, theo tờ The Hill.
Báo cáo mở đầu bằng phát hiện rằng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 “có khả năng xuất hiện do một tai nạn liên quan đến phòng thí nghiệm hoặc nghiên cứu”.
Theo đó, báo cáo kết luận rằng virus SARS-CoV-2 "rất có thể đã xuất hiện từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán của Trung Quốc", trích dẫn các yếu tố như đặc điểm sinh học của virus, theo đài CNN.
Kết luận này được rút ra từ những nhận xét của các quan chức, cựu quan chức như cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Robert Redfield, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe và cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. Tất cả đều công khai tuyên bố ủng hộ lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm.
"Dựa trên phân tích ban đầu của tôi về dữ liệu, tôi đã tin — và vẫn tin cho đến ngày nay — rằng nó chỉ ra rằng các ca nhiễm COVID-19 có nhiều khả năng là hậu quả của một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm ngẫu nhiên hơn là kết quả của một sự kiện tự nhiên” - báo cáo dẫn lời ông Redfield.
Báo cáo cũng đề cập việc cựu giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ - Tiến sĩ Anthony Fauci đã “thúc đẩy” nghiên cứu năm 2020 có tựa đề “Nguồn gốc gần nhất của SARS-CoV-2” nhằm ủng hộ lý thuyết nguồn gốc tự nhiên của virus để “bác bỏ” lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm.
Trong lần điều trần trước tiểu ban vào tháng 6, ông Fauci khẳng định lại rằng ông không biên tập nghiên cứu hoặc giúp "chặn đứng" lý thuyết virus rò rỉ phòng thí nghiệm.
Trung Quốc: Lại vở kịch cũ
Phản ứng với báo cáo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm gọi đó sự lặp lại của vở kịch cũ về việc sử dụng vấn đề truy tìm nguồn gốc để thao túng chính trị.
Ông Lâm nhấn mạnh rằng 'rò rỉ trong phòng thí nghiệm là cực kỳ khó xảy ra' là kết luận khoa học có căn cứ được nhóm chuyên gia chung Trung Quốc-Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trên cơ sở các chuyến thăm thực địa tới các phòng thí nghiệm có liên quan ở Vũ Hán và trao đổi chuyên sâu với các nhà nghiên cứu khoa học.
"Mỹ cần phải ngừng chính trị hóa và vũ khí hóa việc truy tìm nguồn gốc ngay lập tức, và ngừng đổ lỗi cho người khác" - ông Lâm nhấn mạnh.
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Hồi tháng 4-2023, Trung Quốc từng lên tiếng rằng WHO không nên trở thành công cụ của một quốc gia nào và không nên chính trị hóa nguồn gốc COVID-19. Trung Quốc kêu gọi WHO quay trở lại lập trường khoa học và vô tư. Trước đó các quan chức WHO cho rằng việc nghiên cứu về nguồn gốc COVID-19 đã bị cản trở do thiếu dữ liệu từ những ngày đầu đại dịch.
Trước đó, ngày 28-5-2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng lên tiếng phản đối việc Mỹ để bộ phận nhân viên tình báo truy tìm nguồn gốc COVID-19, trong khi đây là một vấn đề khoa học.
Các cơ quan liên bang khác nhau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những kết luận khác nhau về nguồn gốc có khả năng xảy ra nhất của loại virus này, nhưng đến nay vẫn là một bí ẩn.
Các nội dung chính trong báo cáo của Tiểu ban đặc biệt về đại dịch COVID-19 thuộc Hạ viện Mỹ
Báo cáo, dài 520 trang, đưa ra năm điểm đồng thuận lưỡng đảng và bảy kết luận về đại dịch COVID-19. Báo cáo đề cập loạt vấn đề, bao gồm nguồn gốc của virus gây ra đại dịch COVID-19, quỹ tài trợ của Mỹ cho phòng thí nghiệm ở Vũ Hán của Trung Quốc, lệnh phong tỏa và biện pháp đeo khẩu trang, quá trình phát triển vaccine.
“Kể từ tháng 2-2023, tiểu ban đã tìm cách lập báo cáo đầy đủ để đưa ra lộ trình về cách chúng ta, tại quốc hội, cơ quan hành pháp và khu vực tư nhân có thể chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với các đại dịch trong tương lai" - ông Brad Wenstrup, Chủ tịch tiểu ban đặc biệt về đại dịch COVID-19, cho hay.
Dù vậy, một số nghiên cứu, bao gồm một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 này, kết luận rằng việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng có tác dụng làm giảm sự lây truyền virus qua đường hô hấp, mặc dù đây không nên là biện pháp duy nhất được sử dụng để giảm thiểu sự lây lan.
Hơn nữa, báo cáo kết luận rằng lệnh phong tỏa gây ra "nhiều tác hại hơn là lợi ích" cho nền kinh tế, sức khỏe tổng thể của người Mỹ và sự phát triển của trẻ em. Hướng dẫn giãn cách xã hội cũng bị chỉ trích là không được "khoa học hỗ trợ".
Đến thời điểm này COVID-19 gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu, riêng số người chết vì đại dịch này ở Mỹ khoảng 1,2 triệu.
Tuy nhiên, có một số biện pháp mà tiểu ban thấy có mang lại lợi ích hoặc giá trị. Việc xét nghiệm COVID-19 rộng rãi ngay từ đầu đại dịch đã cho phép các kết quả "xét nghiệm có sẵn và chính xác", mặc dù xét nghiệm COVID-19 được gọi là "có sai sót" trong báo cáo.
Các hạn chế đi lại cũng được coi là cách đã cứu sống được nhiều người.
Báo cáo cũng ca ngợi vì chiến dịch Warp Speed - một nỗ lực phát triển nhanh chóng vaccine COVID-19 ở Mỹ, mà báo cáo gọi là "một kỳ tích khoa học đáng kinh ngạc" đã cứu sống hàng triệu người.