Ngày 11-10, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo với chủ đề "Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải trong kỷ nguyên 4.0" do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức.
Theo các chuyên gia IFC, VIAC, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải có thời gian nhanh, thủ tục linh hoạt, được trao quyền lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực liên quan để phân xử. Đây là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Quang cảnh hội thảo.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý khi chọn phương án giải quyết tranh chấp này, doanh nghiệp cần phải lựa chọn trọng tài viên, hòa giải viên có năng lực, có kinh nghiệm; cần có luật sư hỗ trợ trong các vụ việc quan trọng.
Đồng thời, tại đây các chuyên gia còn thông tin về các quy định pháp luật hiện hành và hỗ trợ của ngành tòa án đối với cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải. Qua đó giúp doanh nghiệp nhận diện các rủi ro trong hoạt động kinh doanh cũng như của trọng tài và hòa giải thương mại đối với doanh nghiệp khi có xảy ra tranh chấp.
Chiều cùng ngày, VCCI cũng đã có buổi lễ tôn vinh “Doanh nghiệp phát triển bền vững ĐBSCL”, “Doanh nhân vì cộng đồng ĐBSCL”, “Doanh nhân tiêu biểu ĐBSCL”, “Doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL” năm 2018.
Có 131 doanh nghiệp, doanh nhân từ 13 tỉnh, thành ĐBSCL được trao tặng danh hiệu. Trong đó, có 35 doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp phát triển bền vững ĐBSCL”, 28 doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nhân vì cộng đồng ĐBSCL”, 29 doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu ĐBSCL” và 39 doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL” năm 2018.
Đặc biệt từ năm nay sẽ có thêm hai danh hiệu mới là “Doanh nghiệp phát triển bền vững ĐBSCL” và “Doanh nhân vì cộng đồng ĐBSCL” nhằm tôn vinh doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế, đóng góp nhiều cho các hoạt động xã hội, nỗ lực các hoạt động vì cộng đồng, đóng góp những sáng kiến cho môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương vùng ĐBSCL.