Hiệu quả hơn tòa án
Theo ông Huỳnh, một khảo sát của VCCI đã chỉ ra, khi có tranh chấp thương mại, nếu khởi kiện tại tòa án, một DN phải mất 400 ngày, mức chi phí cho vụ kiện mất khoảng 20-30% số tiền thu được, chưa kể “tiền lót tay”. Tỉ lệ thành công các tranh chấp do tòa án giải quyết chỉ chiếm 50-60%.
Nếu DN dùng dịch vụ thu nợ hợp pháp (các công ty thu hồi nợ), thì thời gian mất khoảng 60-90 ngày, chi phí trả cho dịch vụ thu nợ khoảng 20-50% số tiền thu được và tỉ lệ thành công khoảng 70%. Còn có những trường hợp DN sử dụng “xã hội đen” đòi nợ thì chỉ mất khoảng 15-30 ngày, chi phí cho xã hội đen mất khoảng 40-70% và tỉ lệ thành công lên tới 80-90%,
“Chúng tôi không có ý khuyến khích dùng xã hội đen để đòi nợ, nhưng có ý nói rằng, một quốc gia cần phải có một hệ thống tư pháp hoạt động hiệu quả, thì kinh tế mới phát triển bền vững”, ông Huỳnh nói.
Ông Huỳnh cho hay, giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hòa giải phải là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp trong thời gian tới. Bởi ngay cả nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đề ra chỉ tiêu rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại. Bởi rủi ro tranh chấp hợp đồng chỉ đứng thứ 2 sau bất ổn kinh tế vĩ mô, thậm chí cao hơn cả tham nhũng. Một số DN nước ngoài đã đưa tham nhũng vào trong chi phí hợp đồng với tỉ lệ 10%.
Hòa giải thương mại là cần thiết
Bà Nguyễn Thị Tú Anh, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết: các tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh với số lượng ngày càng nhiều, đa dạng và phức tạp hơn đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn của VN, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, phát triển kinh tế.
Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải được đề cập tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật hàng hải, Luật thương mại, Luật đầu tư...và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia. Tuy nhiên, phần lớn cá nhân, tổ chức chưa coi hòagiải thương mại là một hoạt động dịch vụ giải quyết tranh chấp chuyên nghiệp nên chưa sử dụng rộng rãi phương thức này
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, qua đó giảm thiểu tình trạng quá tải trong giải quyết tranh chấp của Tòa án, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc hội nhập quốc tế thì việc gấp rút xây dựng, ban hành Nghị định về hòa giải thương mại theo Quyết định số 808/QĐ-TTg ngày 29/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc ban hành Nghị định về hòa giải thương mại góp phần thể chế hóa cam kết của Việt Nam trong WTO đối với lĩnh vực dịch vụ trọng tài, hòa giải thương mại, đồng thời cũng nhằm giảm sự quá tải đối với hệ thống tòa án của VN.
“Sốc” với dự thảo nghị định
Ông Thomas G. Giglione, người đã 15 năm hòa giải và giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế tại Canada và đã làm việc tại VN 6 năm, nói ông bị “sốc” với nhiều điểm trong dự thảo nghị định hòa giải thương mại. Chẳng hạn, đối với quy định hòa giải viên thương mại phải có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, hiểu biết tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan. Ông Thomas cho rằng, quy định phải hiểu biết pháp luật là không cần thiết. Bởi các hòa giải viên thương mại phải đóng vai trò trung lập, tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận, thương lượng chứ không hẳn là đưa ra những ý kiến về pháp lý.
Một thực tế khác từ cơ chế trọng tài cũng được ông Thomas lưu ý để nhìn nhận hiệu lực pháp lý của quyết định hòa giải thành ở VN là: những phán quyết của cơ chế trọng tài, tòa án VN chỉ công nhận khoảng 50%, trong khi ở các nước, tỉ lệ này đạt tới trên 95%, đặc biệt tại Canada lên tới 99%.
Về công nhận hòa giải thành, các đại biểu đều thống nhất để tòa án thực thi công việc này. Ông Dương Đình Khuyến, Hội Luật gia cho rằng, tòa án phải có trách nhiệm công nhận hòa giải thành và điều này nên đưa vào Bộ Luật tố tụng dân sự.
Trong khi đó, chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp Dương Thanh Mai lưu ý: BLTTDS có một chương về việc tòa án công nhận kết quả hòa giải, trong đó quy định cả nội dung hòa giải không trái pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục. Tuy nhiên, về thủ tục, thì BLTTDS quy định 20 ngày sau khi thụ lý thì tòa xem xét công nhận; và khi thấy cần thiết thì tòa án yêu cầu bổ sung chứng cứ… trong thời hạn 5 ngày phải cung cấp, nếu không cung cấp thì tòa bác kết quả hòa giải. Bà Mai cho rằng, quy định này không hợp lý, vì tòa chỉ cần công nhận khi hai bên đã thỏa thuận hòa giải với nhau.
Bà Nina Mocheva, chuyên gia quốc tế về Trọng tài và Hòa giải, thuộc WBG đồng tình và cho rằng: quyết định công nhận của tòa có tính chất chung thẩm. Còn ông Thomas thì khẳng định: tòa án không cần phải xem xét lại kết quả hòa giải khi các bên đã đạt được thỏa thuận. Bởi thỏa thuận hòa giải và hòa giải thành là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Còn LS Trần Vũ Hải, Đoàn LS Hà Nội cho biết, trong nhiều năm tham gia giải quyết tranh chấp thương mại, thì những vụ thành công đều thông qua quá trình hòa giải. Còn khi ra tòa, thì cần phải có… “cái gì đó” thì tranh chấp mới được giải quyết. Đối với kết quả hòa giải thành, LS Hải cho rằng, cần phải làm sao để quyết định hòa giải thành đó được tòa án công nhận nhanh nhất.
Mới chỉ nghe nói đến hòa giải Ông Phan Trọng Đạt, Phó trưởng ban Xúc tiến – Đào tạo, VIAC cho hay, trong khảo sát DN về hòa giải thương mại và giải quyết tranh chấp tại VN, có tới 84% số DN được khảo sát cho biết họ đã từng nghe đến hòa giải, chỉ có 30% khẳng định có quen thuộc với quy trình hòa giải. Các DN đã tham gia hòa giải chỉ chiếm 19%. “Tình trạng thiếu kiến thức về các đặc điểm cụ thể của quy trình hòa giải là một thực tế”, ông Đạt nói. Chẳng hạn, có tới trên 30% số DN được khảo sát nói không biết thông tin trong quá trình hòa giải được giữ bảo mật; 49% DN không biết rằng pháp luật hòa giải hiện đại quy định rằng thời hiệu khởi kiện được tạm ngừng khi hòa giải bắt đầu, cũng giống như trường hợp nguyên đơn đã khởi kiện tại tòa án. |