Cần đề cao chuẩn 'cảnh giác dược' tại Việt Nam

Tại Hội nghị tổng kết công tác cảnh giác dược, diễn ra sáng 30-9 tại Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Cảnh giác dược (ADR) quốc gia cho biết: Theo nghiên cứu đánh giá sử dụng kháng sinh trên 10 bệnh viện cho thấy, việc sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, tỉ lệ tuân thủ hướng dẫn điều trị chuẩn rất thấp, dao động từ 1,5% đến 9,3% giữa các bệnh viện.
Có đến hơn 93% bệnh nhân có ít nhất một kháng sinh đường tiêm trong phác đồ điều trị ban đầu.
Nguyên nhân là do các bệnh viện đều thiếu hướng dẫn điều trị chuẩn và các quy trình chuẩn để kiểm soát việc kê đơn kháng sinh hợp lý, cũng như chưa triển khai được Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện.
Để tăng cường nâng cao nhận thức sử dụng thuốc hợp lý, các chuyên gia khuyến cáo, các bác sĩ lâm sàng phải tiên phong tránh lạm dụng kê đơn thuốc "quá tay", đồng thời khai thác kỹ hơn về tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân, cần ghi chép lại đơn thuốc xuất viện trong các hồ sơ bệnh án.
Bên cạnh đó, tăng cường phát huy vai trò của hệ thống cảnh giác dược. Việc đưa ra các báo cáo về tác dụng phụ của thuốc có thể giúp các bác sĩ thận trọng hơn khi kê đơn cho bệnh nhân. Điều này làm giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cũng như bảo vệ tính mạng người bệnh. 
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, hệ thống cảnh giác dược giúp phát hiện kịp thời, hiệu quả các nguy cơ và lợi ích khi sử dụng thuốc như: Giám sát phản ứng có hại chưa biết của thuốc, thuốc kém chất lượng, sai sót trong sử dụng thuốc. Qua đó, giúp các cấp quản lý đưa ra các quyết định cần thiết, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng cường sử dụng thuốc hợp lý.
Cũng theo TS. Hòa, cảnh giác dược là cần thiết để phát hiện những phản ứng có hại, và đặc biệt chống lại những sản phẩm nghi ngờ về chất lượng và sản phẩm giả mạo. Theo dõi phản ứng có hại sẽ đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và hiệu quả cho sản phẩm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới