Cần đưa quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra để tránh việc bị lợi dụng

(PLO)- Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ các biện pháp nhằm tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của đoàn thanh tra.

Sáng 7-9, Hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Một trong những vấn đề được các ĐB quan tâm góp ý là giải pháp để đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra phải xin ý kiến thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước

Từ thực tiễn hoạt động thanh tra, ĐB Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa), nhận xét người đứng đầu cơ quan thanh tra vẫn không độc lập hoàn toàn trong việc xác định đối tượng thanh tra, trong kết luận và kiến nghị xử lý.

ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hoà). Ảnh: PHẠM THẮNG

“Trên thực tế, có không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra và trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo xin ý kiến thủ trưởng của cơ quan quản lý nhà nước theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi ký kết luận. Điều đó cũng có nghĩa kết luận thanh tra sẽ không bảo đảm tính khách quan nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có sự lệch lạc”- ông Trí nói.

Để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, ĐB Khánh Hoà đề nghị cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của đoàn thanh tra.

Cụ thể, ông đề nghị bổ sung về xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý kết luận sau thanh tra. Trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra trình kế hoạch thanh tra hoặc kết luận thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không chấp thuận thì ý kiến không chấp thuận phải thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận.

ĐB Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) đề xuất quy định rõ việc báo cáo kết quả thanh tra. Theo đó, trường hợp phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực, báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực theo các mức độ: Yếu kém về năng lực quản lý; Thiếu trách nhiệm trong quản lý; Bao che cho người có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum). Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngược quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) băn khoăn khi dự thảo đã bỏ quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra.

Luật hiện hành quy định sau khi ký kết luận thanh tra, trong thời hạn 10 ngày phải công khai kết luận thanh tra.

Theo ông Cường, đây cũng là yêu cầu của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi phải công khai minh bạch hoạt động của cơ quan tổ chức để phòng ngừa tham nhũng.

Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bỏ quy định về thời hạn công khai, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan, như trước khi công khai kết luận có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra; nghiêm cấm tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra sau khi kết luận thanh tra chưa được công khai. (Luật hiện hành quy định là chưa có kết luận chính thức- PV).

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình). Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đánh giá việc sửa đổi như trên có thể đem lại thuận lợi cho cơ quan tiến hành thanh tra nhưng không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra.

Thậm chí, ông còn cho rằng điều này ngược lại với quy định của pháp luật phòng chống tham nhũng, tiêu cực về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức, gây khó khăn cho các đối tượng phải thực hiện kết luận thanh tra.

Cụ thể, không quy định thời hạn công khai nên sẽ không rõ lúc nào kết luận sẽ được công khai và các cơ quan nhà nước có thể lợi dụng quy định này trì hoãn việc công khai. Mặt khác, sẽ khó xác định giá trị pháp lý của kết luận thanh tra vì kết luận này có thể bị sửa đổi, bổ sung trước khi công khai.

Vẫn theo ông Cường, về nguyên tắc, khi kết luận được ký thì phải thi hành. Tuy nhiên, nếu kết luận chưa công khai thì làm sao thi hành được mà không vi phạm điều cấm là tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra?

Từ phân tích trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định rõ trong thời hạn 10-15 ngày sau khi ký phải công khai kết luận thanh tra, tránh được sự can thiệp tác động vào kết luận thanh tra sau khi đã được ký.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới