Đề xuất bỏ thanh tra cấp huyện

(PLO)- Đa số Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện để góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

'Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới'

Trình bày tờ trình, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: quochoi.vn

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: quochoi.vn

Nêu lý do cần sửa đổi toàn diện Luật này, ông Phong cho rằng Luật Thanh tra 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp 2013.

Mặt khác, qua quá trình thực hiện, Luật này đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

“Dự thảo Luật quán triệt quan điểm thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới và mục đích hoạt động thanh tra nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước”- ông Phong nói.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, dự thảo Luật lần này đề cao vai trò và rõ trách nhiệm hơn của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kết luận, kiến nghị thanh tra, nâng cao việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

Dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.

Ngoài ra, dự thảo quy định về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ và Thanh tra sở. Chính phủ quyết định thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước ở Trung ương và một số địa phương có chức năng, nhiệm vụ đặc thù trong tổ chức thi hành pháp luật (như lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm). Đồng thời, Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức thanh tra này.

Đề nghị không tổ chức cơ quan Thanh tra cấp huyện

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật có hai luồng ý kiến khác nhau về tổ chức Thanh tra huyện.

Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện. “Đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện”- ông Hoàng Thanh Tùng cho hay đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành quan điểm này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn

Theo ông Tùng, báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít nên không phát huy được hiệu quả. Việc này cũng giúp giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (713 Thanh tra huyện), phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Đồng thời, khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thanh tra cấp tỉnh.

Mặt khác, việc không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện vẫn bảo đảm nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra” vì khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho Thanh tra tỉnh.

Việc này cũng giúp quản lý tập trung lực lượng thanh tra ở địa phương, thuận lợi cho việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuẩn hóa các chức danh nghề nghiệp.

Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo Luật tiếp tục duy trì Thanh tra huyện như hiện nay. Lý do vì tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định lâu dài, cơ bản đến nay vẫn phù hợp và cần thiết.

Việc giữ mô hình Thanh tra huyện còn để bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng vì các luật này đều giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định cho Thanh tra huyện.

Những người theo quan điểm này cũng cho rằng những vấn đề bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện hiện không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà cần được quan tâm giải quyết, bảo đảm đủ điều kiện, năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm