Cần giữ bác sĩ thạo nghề ở lại

(PLO)- Làm việc vất vả và đãi ngộ không cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến Trưởng khoa Ngoại Viện Tim TP.HCM ngậm ngùi nhìn thấy gần một nửa học trò mà ông đào tạo đã bỏ nghề.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Mất rất nhiều thời gian để đào tạo được một bác sĩ (BS) có kỹ thuật hoàn chỉnh về mổ tim ít xâm lấn. Họ phải trải qua nhiều giai đoạn, học ngoại khoa tổng quát, phẫu thuật tim người lớn rồi chuyển sang trẻ em. Có người đi hết thời gian mà vẫn chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Nhưng học ngành này không chỉ mất thời gian, công sức mà còn gặp nhiều bất cập về đãi ngộ nên thực tế rất ít người theo đuổi hay gắn bó lâu dài” - BS Nguyễn Kinh Bang, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tim mạch Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP, trăn trở.

BS Nguyễn Kinh Bang đang chăm chú phẫu thuật mổ tim ít xâm lấn.

BS Nguyễn Kinh Bang đang chăm chú phẫu thuật mổ tim ít xâm lấn.

Làm việc vất vả và đãi ngộ không cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến BS Nguyễn Minh Trí Viên, Trưởng khoa Ngoại Viện Tim TP.HCM, ngậm ngùi nhìn thấy gần một nửa học trò mà ông đào tạo đã bỏ nghề.

Ông nói: “Việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật mất rất nhiều thời gian, trung bình phải mất 5-7 năm mới thành thạo. Thật buồn sau quá trình này, nhiều BS không tiếp tục theo đuổi nữa. Như thế là bao nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của gia đình, BV và xã hội đành phí hoài”.

Thực tế cho thấy những BS trẻ còn độc thân rất hăng hái với ngành y. Họ miệt mài ngày đêm trong BV và sống hết mình với thiên chức ngành nghề mà không băn khoăn gì nhiều về chế độ đãi ngộ. Thế nhưng một khi đã lập gia đình, trước những áp lực của cuộc sống, ý chí của họ ngày một giảm dần.

BS Nguyễn Minh Trí Viên đang tư vấn cho một ca bệnh tim bẩm sinh.

BS Nguyễn Minh Trí Viên đang tư vấn cho một ca bệnh tim bẩm sinh.

Có ai tin khi mức thu nhập hằng tháng cho một BS sau sáu năm học đại học và ít nhất 18 tháng lấy chứng chỉ hành nghề chỉ có 4-5 triệu đồng. Một BS phẫu thuật tim trẻ em cho biết phẫu thuật tim là loại phẫu thuật đặc thù và phức tạp. BS phải đứng liên tục, có thể kéo dài cả chục tiếng đồng hồ nhưng thù lao cho mỗi ca chỉ vài trăm ngàn đồng, nếu mổ những loại bệnh khác chỉ mất chừng 1-2 tiếng, BS cũng được đãi ngộ mức thù lao đó. Vậy thì lâu dài còn ai được khuyến khích theo đuổi một ngành nghề khó khăn như phẫu thuật tim trẻ em?

Tôi đã chứng kiến BS Bang đau nhức vì chứng thoát vị cột sống cổ, hậu quả của nhiều năm làm công việc mổ tim ít xâm lấn, khi mỗi ca bệnh ông phải duy trì tư thế gập cổ liên tục trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Và tôi cũng nhìn thấy mái tóc bạc dần của BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch BV Nhi đồng 1, sau gần 20 năm trong lĩnh vực này. Bởi mỗi ngày anh thường thực hiện hàng chục ca can thiệp trong điều kiện tiếp xúc với tia X độc hại của phòng lab cho dù đã khoác lên người bộ đồ bảo hộ nặng hơn 5 kg.

Bộ đồ bảo hộ nặng hơn 5 kg mỗi lần vào phòng can thiệp tim mạch BS Đỗ Nguyên Tín (giữa) phải mặc. Ảnh: HL
Bộ đồ bảo hộ nặng hơn 5 kg mỗi lần vào phòng can thiệp tim mạch BS Đỗ Nguyên Tín (giữa) phải mặc. Ảnh: HL

Trên đây chỉ là một phần khó khăn của nhân viên y tế. Thực tế nhiều BS, điều dưỡng, hộ lý mà tôi gặp thường ngại chia sẻ về những áp lực ngành nghề và khó khăn vật chất mà họ đang đối mặt hằng ngày trong công việc. Họ đúng là những người “sinh ra để phục vụ”. Thế nhưng ngày nào đó, sau nhiều chịu đựng, khi lửa nghề đã tắt, lòng yêu nghề của họ suy giảm trước thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, có lẽ họ không còn chọn lựa nào khác là dứt áo ra đi.

Trong thư chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng chỉ ra một số mặt bất cập của ngành y tế, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực và bày tỏ quyết tâm từng bước giải quyết. Hy vọng chính sách giữ chân đội ngũ nhân viên y tế sẽ nhanh chóng được triển khai đi vào cuộc sống, để những người giỏi nghề y vẫn luôn bám trụ và cống hiến với công việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm