Những đôi tay vàng tiên phong 'vá lỗi' trái tim

KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27-2:

Những đôi tay vàng tiên phong 'vá lỗi' trái tim

(PLO)- Không chỉ dừng lại ở phương pháp mổ tim kinh điển, các bác sĩ còn tiếp tục ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến như thông tim can thiệp, phẫu thuật tim ít xâm lấn, đem lại đường mổ thẩm mỹ, hồi phục sớm cho bệnh nhi.

Trong lĩnh vực y khoa, những năm 1980 trở về trước, nhắc đến tim bẩm sinh, không ít thế hệ bác sĩ (BS) Việt Nam “rùng mình” vì bệnh như một án tử treo lơ lửng trên đầu.

Hiện tỉ lệ trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh ở Việt Nam đã được cứu sống rất cao. Tuy nhiên, ít ai biết, đằng sau sự thăng hoa đó là nỗ lực thầm lặng của những thế hệ BS đã chọn chuyên ngành khó này.

Gian nan hành trình “vá tim”

Cuối những năm 1980, trẻ bị tim bẩm sinh và tử vong do bệnh nặng cần được phẫu thuật quá nhiều trong khi chưa có một cơ sở y tế chuyên sâu nào đủ sức giải quyết được. Một số trẻ được tổ chức từ thiện mang sang Pháp mổ tim nhưng chỉ là giải pháp tạm thời và họ dần đuối sức.

BS Nguyễn Minh Trí Viên đang tư vấn hội chẩn cho một cặp vợ chồng có con bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BS Nguyễn Minh Trí Viên đang tư vấn hội chẩn cho một cặp vợ chồng có con bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Thời điểm này, cố GS - Viện sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã đích thân sang Pháp gặp GS Alain Carpentier, Chủ tịch Hiệp hội Alain Carpentier (Pháp), nhờ giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở mổ tim hở. Tuy nhiên, ba lần thuyết phục, GS Dương Quang Trung đều bị từ chối do lo ngại Việt Nam không đủ sức vận hành cơ sở y khoa kỹ thuật cao.

BS Dương Quang Trung, người đã không nản lòng thúc đẩy quá trình hình thành Viện Tim TP.HCM. Ảnh: VT

BS Dương Quang Trung, người đã không nản lòng thúc đẩy quá trình hình thành Viện Tim TP.HCM. Ảnh: VT

Không nản lòng, GS Dương Quang Trung kiên trì và mời GS Alain Carpentier sang Việt Nam để tìm hiểu thực tế. Trong một lần tham quan BV Nhi đồng 2, ông đã bị lay động khi ngẫu nhiên chứng kiến cái chết đau đớn của một bé gái 12 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh. Dự án thành lập Viện Tim được xúc tiến từ đây và xây dựng, hoàn thành vào năm 1991.

Để chuẩn bị nhân lực cho việc mổ tim hở, BS Nguyễn Minh Trí Viên, hiện là trưởng khoa Ngoại điều trị Viện Tim TP.HCM, đã được gửi sang Pháp đào tạo vào khoảng năm 1993.

Ban đầu, BS Trí Viên chỉ mổ những ca có lỗ thông đơn giản hoặc tứ chứng Fallot (tim có bốn khuyết tật) từ khoảng 15 kg trở lên. Tuy nhiên, có nhiều trẻ không kịp đợi đến đủ cân đã ra đi, tỉ lệ tử vong sau mổ do tứ chứng Fallot vẫn còn cao, cứ năm ca thì có một ca tử vong. Viện Tim mổ hết công suất chỉ giải quyết được 1/10 nhu cầu. Điều này đặt ra yêu cầu phải mổ được cho trẻ nhẹ cân hơn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên (mũ xám) trong một ca phẫu thuật tim trẻ em.

Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên (mũ xám) trong một ca phẫu thuật tim trẻ em.

Dựa trên kinh nghiệm học hỏi từ Úc, năm 1998, BS Trí Viên đã đưa ra phương pháp TAPA, điều trị khối hẹp ngay trong lòng động mạch phổi, cố gắng bảo tồn nguyên vẹn cấu trúc thất phải. Đây được xem là bước đột phá lớn ở thế kỷ trước trong điều trị tứ chứng Fallot ở Việt Nam, giúp trẻ không còn tử vong, rút ngắn thời gian hậu phẫu và mổ được cho cả trẻ 5-10 kg.

Tuy nhiên, để tiệm cận mổ bệnh lý tim phức tạp cho trẻ sơ sinh là một hành trình khá dài. Ước mơ này chỉ thành hiện thực khi đến năm 2000, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo Viện Tim, BS Trí Viên đã được giúp đỡ sang Bệnh viện (BV) Hoàng Gia (Melbourne, Úc), đào tạo thường trú trong BV.

Khi về nước, những ca đầu tiên triển khai cũng không dễ dàng khi tỉ lệ tử vong cao, BV không có thiết bị đầy đủ, chưa đồng bộ trong khâu tiếp nhận từ BV sản và nhi...

Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 1%-2% trường hợp tử vong sau mổ tim bẩm sinh, chủ yếu do nhiễm trùng, bệnh ở giai đoạn trễ, suy tim.

Cứu một đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh không chỉ giúp chính đứa trẻ mà còn cứu cả gia đình và tương lai rất dài của đứa trẻ.

BS NGUYỄN MINH TRÍ VIÊN

Đón đầu kỹ thuật vì đam mê

Nếu như mổ tim hở và mổ tim ít xâm lấn phải gây mê bệnh nhân và có sự xâm lấn nhất định thì với kỹ thuật thông tim can thiệp, phẫu thuật viên luồn ống thông vào tim và thả dụng cụ để sửa chữa dị tật tim. Thủ thuật có thể được thực hiện ngay khi bệnh nhân tỉnh táo, không đau đớn và xuất viện sau 1-2 ngày.

Hình ảnh dụng cụ thông tim được luồn vào sửa chữa dị tật tim.

Hình ảnh dụng cụ thông tim được luồn vào sửa chữa dị tật tim.

Chứng kiến ca thông tim can thiệp bẩm sinh đầu tiên cho người lớn như một phép lạ do BS Lê Trọng Phi, chuyên gia Việt kiều Đức, thực hiện ở BV Chợ Rẫy vào năm 1999, BS Đỗ Nguyên Tín (giảng viên bộ môn Nhi ĐH Y Dược TP.HCM) tự hỏi nếu làm được trên trẻ em thì hay quá. Cơ duyên đã đến khi năm 2005, BS Tín được cử sang Đài Loan học bài bản can thiệp tim bẩm sinh trẻ em cùng vài bác sĩ của BV Nhi đồng 1 để về phát triển chuyên ngành này tại BV.

BS can thiệp tim mạch trẻ em Daniel Maclennan, BV Nhi đồng Wisconsin học hỏi kinh nghiệm thực hành từ bác sĩ Đỗ Nguyên Tín tại Đơn vị can thiệp tim mạch BV Nhi đồng 1 mới đây.

BS can thiệp tim mạch trẻ em Daniel Maclennan, BV Nhi đồng Wisconsin học hỏi kinh nghiệm thực hành từ bác sĩ Đỗ Nguyên Tín tại Đơn vị can thiệp tim mạch BV Nhi đồng 1 mới đây.

Nhưng sau nửa năm tu nghiệp ở nước ngoài, về nước đầu năm 2006, BS Tín không có chỗ “dụng võ” vì BV Nhi đồng 1 chưa mua được máy chụp mạch máu DSA. Vì thế, anh phải sang các nơi có máy như Viện Tim, BV ĐH Y Dược TP.HCM, thậm chí ra tận BV đa khoa Đà Nẵng, những nơi có máy DSA để học hỏi và thực hành.

Phải đến giữa năm 2009, đơn vị can thiệp tim mạch BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) ra đời, BS Tín mới chuyên tâm làm tại chỗ và phụ trách trưởng đơn vị này đến nay.

“Trong thời gian đi học, nhiều người cũng thắc mắc tại sao không chờ có máy rồi đi học nhưng tại tôi thích đón gió, mà chưa biết gió thổi đâu. Nói vậy chứ tôi theo đuổi ngành này trước hết là vì mình thích, thấy trẻ hồi phục nhanh, bệnh nhân hưởng lợi nên càng làm càng mê” – BS Tín nói giản dị.

BS Tín chăm chú thực hiện một ca thông tim can thiệp.
BS Tín chăm chú thực hiện một ca thông tim can thiệp.

BS Tín trầm ngâm chia sẻ trong thời gian này, một ca thông tim cho bé gái năm tuổi bị thất bại, trẻ phải chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật mở ngực có nhiều nguy cơ hơn vì có cấu trúc giải phẫu không phù hợp với thông tim.

Ba lĩnh vực thông tim can thiệp, phẫu thuật tim ít xâm lấn và mổ tim hở vì thế luôn có sự bổ trợ, đan xen lẫn nhau, mục tiêu đem lại những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân.

Tìm tòi chọn đường mổ nhỏ

Chăm sóc bé gái ba tháng tuổi tại khoa Ngoại lồng ngực tim mạch BV Nhi đồng TP, chị Trần Thị Trúc Ngân (mẹ bé) cho biết gia đình mới phát hiện bé bị bệnh tim bẩm sinh thông liên thất, hẹp eo động mạch chủ.

“Cả gia đình đều lo lắng vì con còn quá nhỏ, rồi nếu mổ hở thì sợ con có sẹo lớn, sẽ tự ti. Tôi hy vọng con được phẫu thuật ít xâm lấn, hạn chế để lại sẹo và nhanh hồi phục sức khỏe” - mẹ bệnh nhi xúc động nói.

BS Nguyễn Kinh Bang đang thăm khám để xem xét mổ tim ít xâm lấn cho bé gái.

BS Nguyễn Kinh Bang đang thăm khám để xem xét mổ tim ít xâm lấn cho bé gái.

BS CKII Nguyễn Kinh Bang, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tim mạch BV Nhi đồng TP, cho biết bệnh nhi kể trên bị tim bẩm sinh kèm suy dinh dưỡng nặng, suy tim.

Phẫu thuật tim qua đường xâm lấn tối thiểu đảm bảo thẩm mỹ, giảm tổn thương liên quan đến tim, phổi, mạch máu lớn cho trẻ nhỏ. Phương pháp này cũng giúp hồi phục nhanh hơn, hiệu quả không thua kém mổ mở.

Đường mổ tim ít xâm lấn nhỏ chỉ khoảng 3 cm ở nách phải.

Đường mổ tim ít xâm lấn nhỏ chỉ khoảng 3 cm ở nách phải.

Tuy nhiên, phẫu thuật này đòi hỏi người phẫu thuật viên phải lành nghề, khéo léo và có một chút thiên phú lâu năm trong ngành phẫu thuật tim. BS Bang là một chuyên gia như vậy. ThS-BS CKII TRẦN NAM, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP

Trước đây, với dị tật này, trẻ có thể phải mổ giữa xương ức, đường mổ rất rộng, thời gian hậu phẫu kéo dài, diễn tiến nặng.

Với đường mổ này, sau mổ trẻ thường đau đớn, hồi phục lâu và gặp di chứng tâm lý, đặc biệt là trẻ em gái. Hiện tại, BS sẽ khảo sát kỹ tình trạng hẹp eo động mạch chủ của bệnh nhi để mổ ít xâm lấn cho bé. Mổ tim ít xâm lấn có thể tránh được gần như những bất lợi này vì đường mổ chỉ khoảng 3 cm và lại nằm ở hốc nách phải của bệnh nhân.

Triển khai kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn vào năm 2019, cho đến nay BV Nhi đồng TP đã thực hiện được khoảng 400 ca.

Tiên phong đưa kỹ thuật về BV, BS Bang cho biết từng thực hiện cả ngàn ca mổ tim kinh điển, trong đó có nhiều ca ở trẻ sơ sinh phức tạp và nhẹ cân tại BV Nhi đồng 1. Nhưng đến một lúc anh tự hỏi: “Tại sao mình không cho các trẻ có một cuộc sống chất lượng hơn bằng cách mổ những đường nhỏ và thẩm mỹ?”. Từ trăn trở này, BS Bang đã tìm hiểu kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn ở người lớn và cải tiến, vận dụng vào mổ tim ít xâm lấn ở trẻ em.

Bác sĩ Nguyễn Kinh Bang và ê kip trong một cuộc phẫu thuật tim ít xâm lấn.

Bác sĩ Nguyễn Kinh Bang và ê kip trong một cuộc phẫu thuật tim ít xâm lấn.

Từ chỗ chỉ làm ca bệnh 7-8 kg trở lên, BS Bang và các đồng nghiệp giờ đã làm được ca bệnh chỉ 3,5 kg. Và đặc biệt, BV đã bắt đầu triển khai kỹ thuật này trên bệnh tim bẩm sinh phức tạp hơn. Chẳng hạn mổ tim ít xâm lấn đang được triển khai cho trẻ bị tứ chứng Fallot với 50-70 ca, teo động mạch phổi khoảng 7 ca.

Bác sĩ Nguyễn Kinh Bang.

Bác sĩ Nguyễn Kinh Bang.

Trong lúc trò chuyện với BS Bang, tình cờ chúng tôi gặp BS tim mạch nhi khoa Wyman Lai, đến từ Đại học California ( Irvine, Mỹ). Ông là chủ biên của một cuốn sách giáo khoa toàn diện về siêu âm tim nhi khoa nổi tiếng. Ông cho biết đang thăm quan và cân nhắc hỗ trợ nâng cao mức độ tiếp cận chăm sóc phẫu thuật tim ở miền Nam Việt Nam.

Nhận xét về kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tim tối thiểu, ông cho biết kỹ thuật này rất tốt và đã áp dụng ở Mỹ. Và một trong những đồng nghiệp cũ của ông đã thực hiện nhiều ca nhưng BS Bang thậm chí còn làm nhiều ca hơn nữa trong 5 năm qua làm ông rất ấn tượng.

Chuyển giao kỹ thuật xuyên quốc gia

Không chỉ trực tiếp mổ, BS Trí Viên còn cố gắng kết nối gửi BS đi đào tạo ở nước ngoài, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho nhiều BV như BV Trung ương Huế, BV Tim Hà Nội, BV Việt Đức, BV Bạch Mai... và các BV nhi ở TP.HCM.

Những ai đi theo con đường phẫu thuật tim mạch trên cả nước chắc chắn đều biết đến BS Trí Viên. Được đào tạo ở nước ngoài cả về mổ tim người lớn và sau đó là trẻ em, khi về nước, BS Viên đã giúp giải quyết những ca bệnh khó mà chưa ai dám mổ ở Việt Nam như: mổ phức thân chung động mạch thất phải hai đường ra, hoán vị đại động mạch, tật van ba lá đóng thấp…

PGS-TS-BS VŨ MINH PHÚC, cố vấn Khoa tim mạch BV Nhi đồng 1

Không chỉ trong nước, BS Trí Viên còn có nhiều BS ở các nước khác theo học như Ấn độ, Singapore, Ấn Độ, Senegal, Somali…

Không chỉ đào tạo chuyển giao kỹ thuật trong nước, BS Trí Viên còn có nhiều chuyên gia ngoài nước theo học.

Không chỉ đào tạo chuyển giao kỹ thuật trong nước, BS Trí Viên còn có nhiều chuyên gia ngoài nước theo học.

BS Đỗ Nguyên Tín còn miệt mài chuyển giao kỹ thuật thông tim can thiệp theo hợp tác chuyển giao giữa BV Nhi đồng 1 và các BV tuyến tỉnh. BS Phạm Công Nhựt, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: “Nhờ BS Tín hỗ trợ mà hiện nay chúng tôi đã can thiệp được nhiều loại bệnh tim bẩm sinh. Bệnh nhân được điều trị tại chỗ, không phải vào TP.HCM, tiết kiệm được công sức và chi phí”.

BS Đỗ Nguyên Tín trong một chuyến khám bệnh tầm soát trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh đề đem về TP.HCM can thiệp miễn phí ở Phú Yên mới đây.
BS Đỗ Nguyên Tín trong một chuyến khám bệnh tầm soát trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh đề đem về TP.HCM can thiệp miễn phí ở Phú Yên mới đây.

Không chỉ vậy, BS Tín còn được biết đến là một chuyên gia quốc tế về chuyển giao kỹ thuật hoặc điều trị các ca bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Ở hai hội nghị thường niên lớn nhất về bệnh tim bẩm sinh là PICS (Mỹ) và CSI Frankfurt (Đức), gần đây anh là thành viên hội đồng khoa học hoặc điều hành các phiên thảo luận của những hội nghị này.

Mới đây, Đơn vị can thiệp tim mạch của BV Nhi đồng 1 vừa đón đoàn chuyên gia Mỹ đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm một tuần.

Đoàn bác sĩ chuyên gia Mỹ học hỏi kinh nghiệm thực hành từ bác sĩ Đỗ Nguyên Tín.

Đoàn bác sĩ chuyên gia Mỹ học hỏi kinh nghiệm thực hành từ bác sĩ Đỗ Nguyên Tín.

BS can thiệp tim mạch trẻ em Daniel Maclennan, BV Nhi đồng Wisconsin (Mỹ), cho biết: “Sau một tuần làm việc và học hỏi kỹ thuật thông tim can thiệp với BS Tín, nhóm nghiên cứu chúng tôi thật sự cảm kích và có trải nghiệm vượt quá mong đợi.

Chúng tôi đã chứng kiến một số trường hợp thực sự khó mà BS Tín đã làm cho nó trở nên dễ dàng. Điều đó giúp chúng tôi gặp trường hợp tương tự có thể tự thực hiện lại được hoặc gửi cho BS Tín xem hình ảnh để được tư vấn vì anh ấy rất giỏi trong việc này”.

Ông Steven Pimento, quản lý toàn cầu công ty công ty Lifetech chuyên sản xuất dụng cụ bít lỗ thông liên thất bày tỏ vui mừng khi hợp tác nghiên cứu với bác sĩ nổi tiếng Đỗ Nguyên Tín.
Ông Steven Pimento, quản lý toàn cầu công ty công ty Lifetech chuyên sản xuất dụng cụ bít lỗ thông liên thất bày tỏ vui mừng khi hợp tác nghiên cứu với bác sĩ nổi tiếng Đỗ Nguyên Tín.

TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, nhìn nhậnBS Đỗ Nguyên Tín là một trong những chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực can thiệp tim mạch. Hằng năm BS Tín đều tổ chức những hội nghị về kỹ thuật thông tim can thiệp thu hút 200 chuyên gia hàng đầu thế giới đến Việt Nam tham dự. Không chỉ tài năng, BS Tín còn rất tâm huyết và tích cực chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến tỉnh.

Cần giữ bác sĩ thạo nghề ở lại

“Mất rất nhiều thời gian để đào tạo được một bác sĩ (BS) có kỹ thuật hoàn chỉnh về mổ tim ít xâm lấn. Họ phải trải qua nhiều giai đoạn, học ngoại khoa tổng quát, phẫu thuật tim người lớn rồi chuyển sang trẻ em. Có người đi hết thời gian mà vẫn chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Nhưng học ngành này không chỉ mất thời gian, công sức mà còn gặp nhiều bất cập về đãi ngộ nên thực tế rất ít người theo đuổi hay gắn bó lâu dài” - BS Nguyễn Kinh Bang, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tim mạch Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP, trăn trở.

Theo BS Kinh Bang, mất rất nhiều thời gian để đào tạo được một bác sĩ (BS) có kỹ thuật hoàn chỉnh về mổ tim ít xâm lấn.

Theo BS Kinh Bang, mất rất nhiều thời gian để đào tạo được một bác sĩ (BS) có kỹ thuật hoàn chỉnh về mổ tim ít xâm lấn.

Làm việc vất vả và đãi ngộ không cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến BS Nguyễn Minh Trí Viên, Trưởng khoa Ngoại Viện Tim TP.HCM, ngậm ngùi nhìn thấy gần một nửa học trò mà ông đào tạo đã bỏ nghề.

Ông nói: “Việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật mất rất nhiều thời gian, trung bình phải mất 5-7 năm mới thành thạo. Thật buồn sau quá trình này, nhiều BS không tiếp tục theo đuổi nữa. Như thế là bao nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của gia đình, BV và xã hội đành phí hoài”.

Thực tế cho thấy những BS trẻ còn độc thân rất hăng hái với ngành y. Họ miệt mài ngày đêm trong BV và sống hết mình với thiên chức ngành nghề mà không băn khoăn gì nhiều về chế độ đãi ngộ. Thế nhưng một khi đã lập gia đình, trước những áp lực của cuộc sống, ý chí của họ ngày một giảm dần.

Có ai tin khi mức thu nhập hằng tháng cho một BS sau sáu năm học đại học và ít nhất 18 tháng lấy chứng chỉ hành nghề chỉ có 4-5 triệu đồng. Một BS phẫu thuật tim trẻ em cho biết phẫu thuật tim là loại phẫu thuật đặc thù và phức tạp. BS phải đứng liên tục, có thể kéo dài cả chục tiếng đồng hồ nhưng thù lao cho mỗi ca chỉ vài trăm ngàn đồng, nếu mổ những loại bệnh khác chỉ mất chừng 1-2 tiếng, BS cũng được đãi ngộ mức thù lao đó. Vậy thì lâu dài còn ai được khuyến khích theo đuổi một ngành nghề khó khăn như phẫu thuật tim trẻ em?

Tôi đã chứng kiến BS Bang đau nhức vì chứng thoát vị cột sống cổ, hậu quả của nhiều năm làm công việc mổ tim ít xâm lấn, khi mỗi ca bệnh ông phải duy trì tư thế gập cổ liên tục trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Và tôi cũng nhìn thấy mái tóc bạc dần của BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch BV Nhi đồng 1, sau gần 20 năm trong lĩnh vực này. Bởi mỗi ngày anh thường thực hiện hàng chục ca can thiệp trong điều kiện tiếp xúc với tia X độc hại của phòng lab cho dù đã khoác lên người bộ đồ bảo hộ nặng hơn 5 kg.

Bộ đồ bảo hộ nặng hơn 5 kg mỗi lần vào phòng can thiệp tim mạch BS Tín phải mặc.

Bộ đồ bảo hộ nặng hơn 5 kg mỗi lần vào phòng can thiệp tim mạch BS Tín phải mặc.

Trên đây chỉ là một phần khó khăn của nhân viên y tế. Thực tế nhiều BS, điều dưỡng, hộ lý mà tôi gặp thường ngại chia sẻ về những áp lực ngành nghề và khó khăn vật chất mà họ đang đối mặt hằng ngày trong công việc. Họ đúng là những người “sinh ra để phục vụ”. Thế nhưng ngày nào đó, sau nhiều chịu đựng, khi lửa nghề đã tắt, lòng yêu nghề của họ suy giảm trước thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, có lẽ họ không còn chọn lựa nào khác là dứt áo ra đi.

Trong thư chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng chỉ ra một số mặt bất cập của ngành y tế, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực và bày tỏ quyết tâm từng bước giải quyết. Hy vọng chính sách giữ chân đội ngũ nhân viên y tế sẽ nhanh chóng được triển khai đi vào cuộc sống, để những người giỏi nghề y vẫn luôn bám trụ và cống hiến với công việc. HOÀNG LAN

Đọc thêm