Bí thư Thành ủy TP.HCM: 'Họ đã làm lay động lòng người'

Sáng 26-2, Thành ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân - Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tổ chức lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Khống chế dịch là tưởng thưởng xứng đáng nhất

Trong đợt khen thưởng này, có 2 đơn vị nhận cờ thi đua của Chính phủ là  Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM. Cạnh đó, hơn 100 đơn vị và cá nhân cũng vinh dự được trao huân chương lao động hạng nhì, huân chương lao động  hạng 3, và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM nhận cờ thi đua của Chính phủ. Ảnh: NN

Đặc biệt, buổi lễ cũng truy tặng huân chương lao động hạng 3 cho BS Trịnh Hữu Nhẫn, nguyên trưởng trạm y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè và điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, nguyên điều dưỡng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân Gia Định. BS Nhẫn và điều dưỡng Hằng đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch và đã vĩnh viễn nằm xuống. 

Bí thư Nguyễn Văn Nên trao tặng Huân chương lao động hạng 3 cho đại diện hai gia đình. Ảnh: NN

Chương trình đã giao lưu với một số nhân viên y tế đại diện cho chiến sĩ áo blouse trắng gồm BS CK2 Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, Giám đốc BV Dã chiến số 1; BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố; ThS Hoàng Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận 8; cử nhân điều dưỡng Lê Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng Điều dưỡng BV Bệnh Nhiệt đới, điều dưỡng trưởng BV Dã chiến số 2.

Các gương giao lưu đã cùng nhau ôn lại những ngày đầu chống dịch với nhiều thiếu thốn, khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Thành quả khống chế được dịch như một phần thưởng xứng đáng nhất.

“Chẳng có cảm xúc gì dâng trào hơn là được nhìn nhau rưng rưng nước mắt, hạnh phúc khi sự cống hiến, hi sinh cũng đến ngày gặt hái được thành quả là đem lại sự an yên hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà” - BS Trường bày tỏ.

Phụ trách địa bàn có số ca mắc kỷ lục của TP, ThS Huỳnh Văn Cường nhớ lại những ngày anh chỉ chợp mắt 1 - 2 tiếng và điện thoại chỉ để dành nghe số lạ, có những ngày có trên 100 ca F0 cần cấp cứu. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Sở Y tế, HCDC và sự đồng lòng, đoàn kết vượt mọi khó khăn của các nhân viên, đến ngày 19-9-2021, quận 8 đã cơ bản kiểm soát được dịch.

Còn với BS Tiến, không có niềm hạnh phúc nào hơn khi bệnh nhân hồi phục sau những nỗ lực cuối cùng. Bệnh nhi có nền béo phì, nặng 120 kg nhập viện do mắc COVID-19 với nồng độ oxy trong máu chỉ còn 78% trong khi chỉ số bình thường ở trẻ tuổi này phải là 95 - 96%. Bé nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch như dự đoán, phổi chỉ còn 10% hoạt động, phải dùng đến biện pháp cuối cùng là oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể.

Quá trình điều trị kéo dài, người nhà của bệnh nhi cũng dần tuyệt vọng và hỏi bác sĩ thủ tục để đưa bé về nhà lo hậu sự. Bên cạnh đó, chi phí điều trị cho bé cũng khá tốn kém, gia đình bệnh nhi nghèo nên bệnh viện phải kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ với phương châm “còn nước còn tát”. Cuối cùng, bé trai đã chiến thắng COVID-19 và trở về trong vòng tay của gia đình và hạnh phúc vô bờ bến của các y bác sĩ.

Tham gia bệnh viện dã chiến Củ Chi đầu tiên của cả nước, sau đó là bệnh viện dã chiến số 2, điều dưỡng Thu Hương chia sẻ điều đọng lại sâu sắc nhất trong chị sau hơn 2 năm chống dịch là thành quả của sự chiến thắng, tinh thần đoàn kết, yêu thương, và trân trọng hai tiếng “đồng bào”. Điều dưỡng Thu Hương cho rằng nếu không có tình cảm, đóng góp vật lực máy móc điều trị bệnh của người dân thì TP không thể có được thành quả hôm nay.

Các cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng vì những thành tích đóng góp y tế nước nhà. Ảnh: NN

Mệnh lệnh của trái tim

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thay mặt lãnh đạo TP gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các bậc thầy thuốc lão thành, anh hùng lao động, thầy thuốc ưu tú cùng toàn thể đội ngũ y bác sĩ TP và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ngành y tế cả nước. Bí thư cũng chúc mừng các tập thể, cá nhân vinh dự nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Theo Bí thư Nên, ngành y tế TP đã trải qua một năm 2021 đầy khó khăn thử thách, khi ứng phó với làn sóng COVID-19 lần thứ 4 chưa từng có trong tiền lệ.

Trước bối cảnh sức khỏe tính mạng người dân bị đe dọa vô cùng nguy cấp, chính lúc này, cùng với hệ thống chính trị, ngành y tế đã trở thành lực lượng chủ lực, dũng cảm, xông pha nơi tuyến đầu chống dịch cứu dân.

“Chúng ta đã chứng kiến qua những ngày cam go khốc liệt ấy, có những lúc tưởng chừng không vượt qua nỗi” - Bí thư Nên nhớ lại và cho rằng trong những ngày tháng này, những phẩm chất cao quý của người thầy thuốc càng thể hiện rõ. 

Đó là tinh thần đoàn kết trong sáng, toàn hệ thống y tế đã không phân biệt vi trí, cấp bậc, tuổi tác, vùng miền, đương chức hay nghỉ hưu, cùng nhau chia lửa, đồng cam cộng khổ, gánh vác chia sẻ cùng TP trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng bằng tình yêu thương người bệnh sâu sắc, đặt tính mạng sức khỏe của người dân lên trên hết. Các thế hệ thầy thuốc lặng lẽ theo từng vị trí và điều kiện hoàn cảnh đều có những cách đóng góp riêng nhưng có chung tấm lòng yêu thương dân tha thiết. Nhiều người đã gửi lại gia đình để xung phong vào tâm dịch, không thể về thọ tang cha mẹ hay gác lại lễ cưới. Có người đã nhiễm bệnh, sau khi qua khỏi họ không nỡ bỏ bệnh nhân, xin ở lại cùng anh em chiến đấu. Họ đã xem người bệnh như những người anh em ruột thịt. Họ đã làm việc tận tụy hết lòng, nhiều người đã làm nhiều việc chưa từng học ở trường, chưa từng làm ở thực tế nhưng hành động theo mệnh lệnh trái tim, theo lý trí và tình cảm của người thầy thuốc.

 “Và họ đã làm lay động lòng người” - Bí thư Nên cảm xúc.

Bí thư Nên cùng các cán bộ lão thành, nhân viên y tế trong lễ tuyên dương sáng 26-2. 

Bí thư Nên đánh giá cao sự linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên cường, linh hoạt khi ứng phó với dịch của đội ngũ nhân viên y tế trong bất luận mọi hành cảnh đồng thời quan tâm điều trị các bệnh khác nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh lên người dân.

Bên cạnh đó, Bí thư Nên cũng cho rằng qua đợt dịch COVID-19, hệ thống y tế cũng bộc lộ nhiều bất cập, cần khắc phục trong thời gian tới. Khi dịch bệnh được kiểm soát, TP đã khẩn trương triển khai kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế xã hôi, xác định chiến lược y tế là trụ cột bao trùm xuyên suốt, là nền tảng cho các chiến lược kế hoạch khác. TP sẽ chú trọng cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tỉ lệ mắc bệnh, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trước mắt, tập trung chăm lo cho lực lượng y tế tuyến đầu, y tế cơ sở còn thiếu và chưa kịp phục hồi sức khỏe tinh thần do dịch.

“Bài học sâu sắc rút ra sau đợt dịch là TP cần tổ chức lại hệ thống y tế gần dân, thông minh hơn, vừa phổ cập vừa chuyên sâu, nâng cao khả năng nghiên cứu dự báo về dịch bệnh, cung cấp dịch vụ y tế từ sớm, từ xa. Chăm lo phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở hiệu quả nhất. Đổi mới tư duy tổ chức đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đa dạng hóa, phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng hợp lý… Bảo đảm công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân mà cả khu vực phía Nam với các loại hình” - Bí thư Nên nêu.

Bí thư cũng đề nghị bên cạnh phát huy các gương sáng y đức, ngành y tế cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, uốn nắn sửa chữa loại bỏ những “hạt sạn” trong hệ thống. Tiếp tục xây dựng đội ngũ những nghề thầy thuốc xứng đáng nghề nhân đạo, nghề cao quý nhất là cứu người, xứng đáng lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”.

Gánh 'bão' trên đôi vai thanh xuân
Gánh 'bão' trên đôi vai thanh xuân
(PLO)- Đại dịch đã lấy đi của chúng ta rất nhiều thứ quý báu nhưng dịch cũng làm hiển lộ những giá trị quý báu nhất mà không thể dễ gì nhận biết được. Đó là tình người, tình đồng đội, tình đồng bào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm