Căn hộ tái định cư dồi dào nhưng không đủ tiền mua

Quận 8 (TP.HCM) là địa phương đứng đầu về số lượng nhà ở lụp xụp ven và trên kênh rạch cần phải di dời để đảm bảo cuộc sống của người dân và cải tạo, chỉnh trang đô thị. Để di dời, giải tỏa hàng chục ngàn căn nhà lụp xụp này, quận 8 có nhu cầu căn hộ tái định cư (TĐC) rất lớn. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND quận 8 gửi Sở Xây dựng, hiện địa phương này không đủ nguồn kinh phí để mua lại các suất TĐC để chuẩn bị cho các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trong thời gian tới.

Nhu cầu căn hộ tái định cư rất lớn

Theo báo cáo của UBND quận 8, trên địa bàn quận có lợi thế là quỹ nhà để bố trí TĐC khá dồi dào. Trong đó, chủ yếu là mua lại từ các dự án nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội. Một số dự án tại quận 8 hiện có thể bố trí TĐC với số lượng căn hộ khá lớn như: Dự án khu nhà ở xã hội Hưng Phát ở phường 6 (1.554 căn hộ); chung cư Bình Minh, phường 16 (639 căn hộ); chung cư Riverside Apartment, phường 16 (760 căn hộ); chung cư An Sinh, phường 4 (1.057 căn hộ)…

Quận 8 hiện có hàng chục dự án cải tạo kênh rạch với gần 12.400 căn hộ lụp xụp trên và ven kênh rạch phải di dời, giải tỏa. Trong đó, riêng khu vực dọc theo hai bên bờ kênh Đôi là hơn 6.000 căn. Cuối năm 2020, quận 8 đã có kế hoạch sẽ “xóa sổ” toàn bộ 6.000 căn nhà lụp xụp này trong giai đoạn 2021-2025 và chỉnh trang đô thị dọc theo tuyến kênh này. Trong các văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND quận khẳng định nhu cầu nhà ở phục vụ TĐC là rất lớn.

Trước đó, vào năm 2019, báo cáo về tiến độ thực hiện chỉnh trang đô thị, UBND quận 8 thông tin quỹ bố trí căn hộ TĐC và nhà ở xã hội phục vụ cho các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận cần khoảng 1.179 căn hộ. Số này để bố trí cho hai dự án nạo vét rạch Nhảy - rạch Ruột Ngựa và dự án di dời nhà ở lụp xụp ven bờ bắc kênh Đôi. Trong khi đó, quỹ căn hộ TĐC đến hết năm 2020 có khoảng 1.003 căn, còn thiếu 176 căn hộ.

Quận 8 đã có kiến nghị Sở Xây dựng xem xét, cân đối, điều chuyển quỹ nhà TĐC của TP tại các quận, huyện lân cận hoặc nhà ở xã hội dôi dư để quận bố trí TĐC khi thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị.

Cùng với đó, UBND quận 8 cũng có nhiều văn bản gửi Sở Xây dựng và UBND TP kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quỹ nhà TĐC. Trong đó, quận 8 thông tin quận đang muốn mua lại hàng trăm căn hộ TĐC tại các dự án thương mại và dự án nhà ở xã hội trên địa bàn quận. Chẳng hạn, mua lại 315 căn hộ TĐC tại dự án nhà ở xã hội Hưng Phát, 76 căn hộ tại dự án Riverside Apartment, thậm chí mua hết toàn bộ 1.057 căn hộ tại chung cư An Sinh để làm quỹ TĐC phục vụ cho các dự án chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất theo UBND quận 8 là nguồn ngân sách của quận hiện tại không đủ để mua lại số lượng căn hộ nêu trên. “Kiến nghị UBND TP, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành xem xét tạm ứng kinh phí nguồn ngân sách của TP để mua lại” - UBND quận 8 đề xuất.

Đối với 1.057 căn hộ tại chung cư An Sinh (phường 4), UBND quận 8 cho rằng cần sớm mua lại làm quỹ TĐC khi dự án chưa hoàn thành. Việc này để tránh trường hợp sau khi dự án hoàn thành mà chưa cân đối được nguồn ngân sách thì chủ đầu tư sẽ bán ra thị trường để thu hồi vốn.

Nhà trên kênh rạch ở quận 8 (TP.HCM). Ảnh: NGUYỆT NHI

Nguồn nhà dồi dào, thiếu kế hoạch tổng thể

Đầu năm 2021, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi UBND quận 8, trả lời các vướng mắc của quận liên quan đến vấn đề nhà ở TĐC.

Theo Sở Xây dựng, trong năm 2019, UBND quận 8 có hai báo cáo về phát triển và quản lý sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ cho các dự án chỉnh trang đô thị và công ích. Trong đó xác định giai đoạn 2018-2019 có 18 dự án triển khai với gần 3.000 trường hợp bị ảnh hưởng. Giai đoạn 2021-2025 có 12 dự án với hơn 4.545 hộ dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho rằng trong hai kế hoạch nêu trên thì quận 8 mới chỉ xác định nguồn nhà TĐC trong giai đoạn 2018-2019 là 674 căn tại năm dự án thuộc sở hữu nhà nước và hai dự án của tư nhân. Giai đoạn 2021-2025, quận chưa xác định rõ nguồn nhà TĐC dự kiến.

Theo Sở Xây dựng, nhu cầu nhà TĐC của quận 8 cho các kế hoạch nêu trên là rất lớn. Tuy nhiên, quận chưa có kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhà TĐC cho các dự án công ích trên địa bàn. Quận mới chỉ có các văn bản lẻ xác định nhu cầu tại các dự án tại hai chung cư Bình Minh, An Sinh nhưng chưa làm rõ kế hoạch cân đối và thanh toán cho chủ đầu tư khi sử dụng. Trong khi đó, “đến nay đã hết năm 2020 nhưng quận 8 vẫn chưa sử dụng hết nguồn nhà TĐC thuộc sở hữu nhà nước đã đăng ký (283 căn - PV)” - Sở Xây dựng nêu.

Qua rà soát, Sở Xây dựng thông tin hiện nay quận 8 có 283 căn hộ TĐC từ nguồn nhà thuộc sở hữu nhà nước và 391 căn hộ tại các dự án tư nhân đã được xây dựng xong. Ngoài ra, còn có hơn 7.000 căn hộ tại bảy dự án của các chủ đầu tư tư nhân xây dựng để phục vụ TĐC và nhà ở xã hội trên địa bàn.

“Trong giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo đến năm 2025, quận 8 chưa xác định rõ nguồn tiền bồi thường để mua lại nguồn nhà TĐC để phục vụ cho các dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, cũng chưa tiến hành xong các thủ tục bồi thường. Việc này dẫn đến quận 8 đề xuất tạm ứng vốn ngân sách là chưa đúng với quy định của Luật Ngân sách và phương thức, nguồn vốn phát triển nhà ở TĐC” - Sở Xây dựng đánh giá.•

 

Đề nghị quận 8 rà soát tổng thể nhu cầu tái định cư

Để giải quyết tốt công tác TĐC, Sở Xây dựng đề nghị quận 8 rà soát tổng thể tiến độ triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Chủ trì làm việc với từng chủ đầu tư dự án có mục tiêu phục vụ cho TĐC trên địa bàn để làm rõ tiến độ thực hiện, phương thức mua và nguồn vốn thanh toán cụ thể trong từng dự án cụ thể khi sử dụng nguồn vốn nhà nước. Cùng với đó, đánh giá sự phù hợp của nguồn nhà dự kiến mua lại (như số lượng, vị trí, tiến độ xây dựng, chất lượng…) tương ứng với tiến độ thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn.

Sở Xây dựng cũng đề nghị quận 8 xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhà TĐC. Trong đó xác định được thứ tự ưu tiên, thời gian cần sử dụng và xác định nguồn nhà trong các dự án phát triển nhà ở có mục tiêu phục vụ TĐC phù hợp cho việc mua lại từ nguồn tiền giải phóng mặt bằng của các dự án chỉnh trang đô thị, công ích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm