Vị trí hóc thường ở họng, thành họng sau, thực quản... Biểu hiện của hóc xương là đau khi nuốt, nuốt vướng. Nếu để muộn sau 24 giờ có thể có biến chứng viêm tấy hoặc áp-xe nơi xương hóc. Biểu hiện sốt, nuốt đau, không ăn uống được.
Xử trí khi hóc xương: Ngay sau khi bị hóc xương, người bệnh nên dừng bữa ăn. Tuyệt đối không chữa mẹo hay cố ăn miếng to nhằm đẩy xương hóc trôi xuống sẽ gây hậu quả nghiêm trọng vì xương hóc có thể đâm thủng bất cứ vị trí nào của đường tiêu hóa. Điều quan trọng là không được chần chừ hay e ngại mà phải đi khám tai mũi họng ngay (trong vòng 6 giờ đầu) để bác sĩ soi và gắp xương càng sớm càng tốt, tránh để lâu gây nhiễm khuẩn. Trường hợp xương hóc ở vùng trên họng, nếu bác sĩ soi bằng gương thông thường có thể thấy thì việc gắp sẽ dễ dàng. Trường hợp xương hóc ở sâu phải dùng ống soi họng hoặc thực quản để gắp.
Đặc biệt, trường hợp hóc xương ở thực quản đến muộn đã có biến chứng nhiễm khuẩn việc điều trị sẽ phức tạp hơn nhiều. Ngoài việc nội soi gắp xương còn phải hút mủ ổ viêm, đặt sonde mũi dạ dày để nuôi dưỡng người bệnh. Trường hợp nặng hơn có thể phải phẫu thuật mở lồng ngực dẫn lưu ổ áp-xe và lấy dị vật khi nội soi thất bại.
Để không bị hóc xương, mọi người cần chú ý: Không ăn uống vội vàng, không nói chuyện và cười đùa trong khi ăn, không nên húp cơm canh, cháo bún, nhai cả xương lẫn thịt, đặc biệt khi chế biến món ăn trẻ em và người già cần loại bỏ xương trước khi ăn. Khi đã hóc xương, tuyệt đối không được chữa mẹo.
Theo BS. Trần Mạnh Toà, BV Hoàn Mỹ