Cần mạnh dạn phòng vệ thương mại

Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu. Sự kiện này được nhiều chuyên gia đánh giá là có tác động mạnh đến các ngành sản xuất khác. Luật sư Ngô Quang Thụy, Giám đốc Công ty Luật NT Trade Law, đã từng chỉ rõ nguyên nhân DN thiếu phản kháng khi bị hàng nhập khẩu giá rẻ tấn công ngay trên sân nhà. Đó chính là sự thiếu hiểu biết, thiếu liên kết DN trong ngành, kiểu mạnh ai nấy làm.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến 66% DN không hiểu rõ nội dung cơ bản của các hiệp định trong khuôn khổ WTO và gần 50% DN không biết về các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan đến ngành hàng của mình trong nước. Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam - EU, Hàn Quốc… Khi đó hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào thực sự là mối nguy cho nhiều ngành sản xuất trong nước.

Trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba tấm lá chắn của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại.

Biện pháp chống bán phá giá có thể đối phó hữu hiệu với hành vi bán sản phẩm giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường, tiến tới loại bỏ dần đối thủ cạnh tranh. Biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước, xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu. Còn biện pháp tự vệ là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp, nhằm hạn chế những tác động gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tang bất thường của hàng hóa nhập khẩu.

Luật pháp quốc tế cho phép áp dụng vũ khí phòng vệ đã có, vấn đề còn lại là chính bản thân DN, ngành hàng phải tự tìm biện pháp bảo vệ mình. DN, ngành hàng cần liên kết, nắm bắt thông tin, am hiểu luật pháp,chủ động khởi kiện lên cơ quan chức năng nếu thấy hàng nhập khẩu gây hại.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm