TÌM GIẢI PHÁP CHO DỰ ÁN BỜ NAM KÊNH ĐÔI Ở TP.HCM-Bài 3

Cần nhà đầu tư 'thiên thần' để cứu dự án bờ nam kênh Đôi

(PLO)- Dùng tiền ngân sách hay tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư, thậm chí cần có nhà đầu tư "thiên thần" mới mong thực hiện được dự án thuần về công ích xã hội như bờ nam kênh Đôi.

Để có thể thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, kết hợp di dời nhà trên – ven kênh rạch ở bờ nam kênh Đôi (quận 8, TP.HCM), báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị. Các chuyên gia đã đưa nhiều ý kiến góp ý quan trọng để dự án này có thể sớm thành hiện thực.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP.HCM

Dự án nhân văn thì Nhà nước phải là chính

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên

Việc di dời nhà ven kênh đã có chủ trương từ năm 2016-2020, nhưng đến cuối nhiệm kỳ thì chỉ thực hiện được khoảng 12% (kế hoạch là di dời 20.000 nhà trên, ven kênh). Điều này cho thấy việc thực hiện rất chậm.

Đến giai đoạn 2021-2025, sau các cuộc hội thảo, rút kinh nghiệm thì công tác này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, đầu tiên là về vốn, thứ hai là không có nhà đầu tư.

Riêng về vốn, TP rất thiếu vốn vì còn rất nhiều dự án, chương trình khác cần triển khai. Vậy bài toán là làm thế nào để thu hút nhà đầu tư đối với các dự án nhà ven kênh nói chung và dự án bờ nam kênh Đôi nói riêng.

Theo tôi, giải quyết bài toán này cần theo nguyên tắc: Nếu TP coi đây là công việc cấp bách, dự án cấp thiết vì vừa chỉnh trang đô thị, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường vừa rất nhân văn thì chắc chắn Nhà nước phải đứng ra là nhà đầu tư chính. Việc kêu gọi nhà đầu tư chỉ là bổ sung phần nào.

Chỗ ở tạm được người dân bờ nam kênh Đôi dựng lên để ở qua ngày sau vụ cháy nhà hôm 1-4. Ảnh: K.C

Ngoài ra, một khó khăn nữa là đa số các nhà trên, ven kênh được xây dựng không có phép hoặc sai phép. Nó là hiện tượng để lại từ lịch sử do đô thị hóa nhanh chóng và chúng ta phải giải quyết câu chuyện đền bù, tái định cư như thế nào cho hợp lý?

Theo tôi, chính quyền nên đứng ra hợp thức hóa hiện trạng (hợp thức hóa, công nhận như thế nào tùy trường hợp cụ thể) để có cơ sở thực hiện tốt công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư hợp lý cho người dân.

Chỉnh trang đô thị phải đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân, đó là yếu tố tiên quyết. Chúng ta cũng không nên tìm giải pháp nào, khó khăn nào là chủ yếu mà cần phải tìm tính bộ của các giải pháp. Nghĩa là phải có nhiều giải pháp kết hợp thì mới mong công tác này hiệu quả.

Bây giờ đã là năm 2024, chuyện di dời nhà trên, ven kênh vẫn còn rất khó khăn vì khó khăn cũ chưa giải quyết được. Chúng ta cần đột phá mạnh mẽ mới có thể giải được phần nào bài toán khó này.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM

Cần nhà đầu tư thiên thần

Tiến sĩ Trần Quang Thắng

Theo tôi, dự án chỉnh trang đô thị, kết hợp di dời nhà trên, ven kênh rạch ở bờ nam kênh Đôi nói riêng và các dự án tương tự ở TP.HCM là dự án thuần về công ích xã hội.

Vì vậy, để kêu gọi nhà đầu tư với các dự án thuần về công ích và xã hội chúng ta cần có cách nhìn khác hơn một chút như quan tâm kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần (angel investor, là những người đầu tư vốn sở hữu cá nhân vào các dự án). Lý do là nhà đầu tư thiên thần thường tìm kiếm cơ hội đầu tư với tiềm năng sinh lời và có tác động xã hội tích cực.

Khi kêu gọi, cần nêu rõ về mục tiêu xã hội, giải quyết vấn đề cụ thể mà dự án hướng đến để có thể thu hút nhà đầu tư thiên thần quan tâm đến khía cạnh các lợi ích xã hội của dự án. Ngoài ra, TP cũng cần chương trình và cơ chế kêu gọi vốn đầu tư phù hợp để hỗ trợ các dự án phát triển sau này.

TP cũng nên thử phương thức kêu gọi khác truyền thống như kêu gọi vốn thông qua trang web và các kênh truyền thông, điều này giúp quảng bá và thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư tiềm năng.

Lưu ý là việc kêu gọi vốn đầu tư ở đây yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thông tin trung thực và minh bạch để thuyết phục người đầu tư về lợi ích xã hội bên cạnh tiềm năng sinh lời, bảo đảm an toàn của việc đầu tư vào dự án.

TS Võ Kim Cương, Nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM

Không thể chỉ trông chờ xã hội hóa

Tiến sĩ Võ Kim Cương

Mục tiêu chỉnh trang đô thị, kết hợp di dời nhà trên – ven kênh rạch ở bờ nam kênh Đôi rất khó để thực hiện xã hội hóa. Lý do là phần lớn diện tích đất sau khi thu hồi sẽ thành đất công và dùng để chỉnh trang đô thị, làm bờ kênh, đường bờ kênh, trồng cây xanh, làm công viên ven kênh là chính.

Nếu muốn kêu gọi đầu tư, chúng ta phải nghĩ tới làm dịch vụ công viên ven sông, để tư nhân khai thác quỹ đất ven kênh với các tiện ích đi kèm để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu vậy thì cần phải cho nhà đầu tư quỹ thời gian khai thác dài mới mong họ làm được hiệu quả.

Nói chung, chúng ta có thể hình dung là mình thay hàng loạt nhà ven, trên kênh rạch bằng các công trình phúc lợi, dịch vụ xã hội và dùng vốn tư nhân hỗ trợ cho công tác này.

Một đoạn bờ nam kênh Đôi. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính tới việc vay từ vốn nước ngoài với các chương trình hỗ trợ dự án phúc lợi của họ (như vốn ODA chúng ta hay vay trước nay).

Trên thực tế, dù với cách nào thì TP cũng phải thực hiện chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên, ven kênh vì mục tiêu cải thiện môi trường sống, bộ mặt đô thị và đem đến nhiều lợi ích cho người dân.

Tuy nhiên, chúng ta cần một kế hoạch cụ thể, tương đối rõ ràng như bao giờ sẽ làm, bao giờ di dời để người dân họ được biết chứ không thể cứ sống như vậy mãi mà không biết tương lai thế nào.

Rồi phải tính tới câu chuyện chuyển cư, tạm cư, tái định cư, bồi thường cho người dân như thế nào mới hợp lý. Thường thì người dân rất mong muốn tái định cư tại chỗ hoặc gần khu vực đó vì đây là nơi họ đã sinh sống nhiều năm qua.

Dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi sẽ khởi công năm 2025

Kênh Đôi là một con kênh đào dài 8,5km, chảy hoàn toàn trong địa phận quận 8, TP.HCM. Kênh Đôi nối từ ngã tư nơi giao với kênh Tàu Hủ, kênh Bến Nghé và kênh Tẻ đến ngã ba nơi giao với kênh Lò Gốm và sông Bến Lức.

Kênh chạy song song với kênh Tàu Hũ, được Pháp cho đào vào thập niên 1910, đến năm 1919 thì hoàn thành. Hiện nay, kênh rộng 50m, sâu 20m, có thể lưu thông tàu bè loại lớn, các cây cầu bắc qua kênh Đôi gồm cầu Chữ Y, cầu Chánh Hưng, cầu Nhị Thiên Đường.

Hiện nay, hai bên bờ nam – bắc kênh Đôi có hàng ngàn ngôi nhà trên, ven kênh lụp xụp, tạm bợ, là nơi sinh sống của hàng ngàn hộ dân chen chúc. Tháng 12-2023, dự án dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi, quận 8 được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư.

Dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi dài 4,3km, có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng bằng vốn ngân sách, dự kiến khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Dự án sẽ di dời 1.017 căn nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới