Mới đây, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đề xuất Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Cảng Sài Gòn (viết tắt là Công ty Cảng Sài Gòn) đầu tư bến cảng container tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Hai vị trí được đề xuất làm cảng gồm: Vị trí số một tiếp giáp luồng Cái Mép - Thị Vải (cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ); vị trí số hai tiếp giáp luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).
Các chuyên gia về cầu cảng, quy hoạch đô thị đã có những góp ý về đề xuất nói trên.
Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:
Xây cảng phải trong tương quan kết nối vùng
Hiện nay, hầu hết cảng trong vùng đô thị (TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An…) hạ tầng kết nối giao thông rất kém, đẩy giá hàng hóa lên cao, tăng kẹt xe và nguy cơ tai nạn giao thông do thiếu hạ tầng kết nối. Do đó, những cảng cũ cần được nâng cấp chứ không nên đầu tư dàn trải nữa.
Theo tôi, đề xuất làm cảng ở Cần Giờ của Công ty Cảng Sài Gòn thiếu tầm nhìn đô thị, nếu gửi Bộ GTVT duyệt sẽ thiếu tầm nhìn đa ngành như không nhìn cảng trong tương quan đô thị, chưa có đánh giá về môi trường và kết nối... Đề xuất làm cảng này sẽ xâm hại rất lớn đến khu dự trữ sinh quyển huyện Cần Giờ vì “vẽ” dự án nằm đó mà không vẽ kết nối giao thông. Vì vậy, TP cần có đề xuất cho hệ sinh thái cảng container để hoạt động tốt với tầm nhìn toàn diện trong tương quan kết nối vùng.
Để cảng Sài Gòn sánh ngang tầm cảng Singapore phải đảm bảo ba điều kiện: Khu vực làm được cảng nước sâu, ít nạo vét; hạ tầng kết nối phục vụ riêng cho cảng (đường sắt, cao tốc); dự trù đủ diện tích để xây những cơ sở (kho bãi, cơ sở văn phòng…).
Các chuyên gia góp ý TP.HCM có thể phát triển kinh tế biển về hướng đông (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: NGUYỆT NHI
TP tiến đến phát triển kinh tế biển cũng không nhất thiết làm cảng lớn nhất của vùng đô thị mà nên có tư duy hợp tác vùng. TP có thể làm nhánh cánh cung cảng biển với bên phải có cụm cảng Thị Vải - Cái Mép, nhánh bên trái cụm cảng Hiệp Phước - Long An. Đặc biệt, cụm cảng phải kết nối với đường sắt, cao tốc ngoài đất liền thì mới phát huy vai trò của cảng.
TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:
Nên khai thác hết công suất của các cảng có sẵn
Huyện Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển có thể phát triển khu đô thị sinh thái, không nên để vận tải khổng lồ đi qua khu dự trữ sinh quyển này.
Trong khi đó, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải đang nối kết giao thông khu công nghiệp và dịch vụ phía Nam rất thuận lợi. Không nên phát triển xây cảng container mới này ở Cần Giờ, bởi khó cạnh tranh và sẽ phá vỡ khu sinh thái chung cho cả vùng đô thị.
TP phát triển tiến ra biển thì có thể phát triển về phía đông đi qua Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Làm cảng phải nằm trong tầm nhìn phát triển chung của vùng đô thị chứ không chỉ riêng TP.HCM hay Cần Giờ. Mặt khác, hiện nay, cảng có sẵn trên địa bàn TP chưa hoạt động hết công suất, do đó TP hãy khai thác hết tiềm năng hàng trăm triệu tấn/năm của các cảng này trước khi tính đến xây cảng mới.
TS NGUYỄN ANH TUẤN, Khoa công trình giao thông, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM:
Cần tính toán về giao thông kết nối
Thực tế, cảng Tân Thuận và cảng Hiệp Phước chưa thể đáp ứng yêu cầu các tàu tải trọng lớn trên 70.000 tấn. TP cần thiết xây cảng lớn hơn, mực nước phù hợp cho tàu tải trọng lớn nhưng đặt vị trí ở đâu là điều phải cân nhắc. Về mặt kỹ thuật, hai vị trí đề xuất xây cảng container ở huyện Cần Giờ có mực nước đảm bảo tàu tải trọng lớn lưu thông được.
Nếu đầu tư thì có hai vấn đề TP cần phải quan tâm. Thứ nhất, hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt vị trí ở cù lao Phú Lợi đang biệt lập. TP tính toán kết nối giao thông trước hay làm cảng trước. Chẳng hạn, làm cảng xong mà chưa kết nối giao thông thì cũng vô nghĩa bởi hàng hóa không đi và đến được. Như vậy rất là khó.
Thứ hai, huyện Cần Giờ có khu rừng ngập mặn rừng Sác, nếu làm cảng thì phải đánh giá tác động môi trường thật kỹ vì diện tích xây dựng cảng ở hai vị trí này lớn. Nếu khai thác không kỹ sẽ ảnh hưởng đến sinh thái của Cần Giờ và môi trường xung quanh.
Ngoài ra, việc làm cảng cần quan tâm lưu lượng tàu ra, vào, dự báo xu thế sắp tới của ngành logistics bằng đường biển phát triển như thế nào? Nghiên cứu kỹ trong đề xuất nghiên cứu khả thi của hai cảng này, phân kỳ đầu tư theo giai đoạn cho phù hợp.•
Đề xuất Bộ GTVT là chưa phù hợp quy trình Trước đó, VIMC đề xuất Bộ GTVT cho Công ty Cảng Sài Gòn xây cảng mới tại huyện Cần Giờ với mục tiêu để cụm cảng Sài Gòn gắn với hình ảnh trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu cả nước và sánh ngang các cảng Singapore, Hong Kong, Tanjung Pelepas (Malaysia). Về đề xuất của VIMC, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết nhiệm vụ của ngành giao thông là lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển để các địa phương, đơn vị thực hiện đầu tư. Do đó, việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất với Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư khu bến container tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) là không phù hợp quy trình. “Vì vậy, chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn VIMC gửi đề xuất này đến UBND TP.HCM, Thủ tướng để xin phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng trình tự thủ tục đầu tư…” - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay. VIẾT LONG |