Đề xuất làm cảng Sài Gòn lớn ngang cảng Singapore, Hong Kong

Trong văn bản vừa gửi đến Bộ GTVT, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đề xuất bộ chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (viết tắt là Công ty Cảng Sài Gòn) đầu tư bến cảng container tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Mục tiêu là để cụm cảng Sài Gòn gắn với hình ảnh trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu cả nước và sánh ngang các cảng Singapore, Hong Kong, Tanjung Pelepas (Malaysia).

Công ty Cảng Sài Gòn đề xuất làm cảng lớn ở huyện Cần Giờ (TP.HCM),
sánh ngang cảng Singapore, Hong Kong. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Sơ đồ hai vị trí Công ty Cảng Sài Gòn đề xuất xây cảng container
tại huyện Cần Giờ (TP.HCM). Đồ họa: HỒ TRANG

Đề xuất hai vị trí đầu tư cảng

Theo VIMC, khu vực phía Nam hoàn thành đầu tư và khai thác các cảng Cái Mép, SPPSA (Vũng Tàu); Hiệp Phước, Tân Thuận (TP.HCM)... Các cảng container và cảng tổng hợp này được đầu tư kết cấu hạ tầng, phương tiện thiết bị xếp dỡ chuyên dụng và công nghệ quản lý hiện đại, năng suất khai thác cao, ngang tầm quốc tế.

Các cảng cũng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng lớn thuộc các liên minh vận tải container hàng đầu thế giới như Maersk, MSC, CMA CGM, Cosco, ONE, Hapag-Lloyd...

Trong các cảng nêu trên, cảng Hiệp Phước và cảng Tân Thuận đang được khai thác bởi Công ty Cảng Sài Gòn (VIMC chiếm 65,45% vốn chủ sở hữu). Trong đó, cảng Hiệp Phước được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ cho công tác di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Tuy nhiên, dự án cảng Hiệp Phước vẫn chưa đảm bảo đủ khả năng tiếp nhận toàn bộ lượng tàu và hàng hóa di dời từ khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Độ sâu của các tuyến luồng chính tại khu vực cảng Hiệp Phước chưa ổn định, ảnh hưởng đến khả năng khai thác dự án.

Trong khi đó, cảng Tân Thuận đang đảm đương xếp dỡ các loại hàng hóa như sắt thép, phân bón, gạo, container… với sản lượng thông qua cảng khoảng 10 triệu tấn và tạo công ăn việc làm cho khoảng 900 lao động. Tuy nhiên, theo quy hoạch của TP.HCM, trong tương lai gần, cảng Tân Thuận phải di dời để thực hiện các kế hoạch chỉnh trang đô thị theo quy hoạch (làm dự án cầu Thủ Thiêm 4).

Vì vậy, Công ty Cảng Sài Gòn cùng với hãng tàu container MSC đã nghiên cứu và đề xuất triển khai dự án đầu tư bến cảng mới tại hai vị trí. Cụ thể, vị trí số một tiếp giáp luồng Cái Mép - Thị Vải, thuộc địa phận cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ. Vị trí số hai tiếp giáp luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, thuộc địa bàn xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.

“Với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng biển, đồng thời là cổ đông chi phối tại Công ty Cảng Sài Gòn, VIMC xin đề xuất Bộ GTVT xem xét, hỗ trợ và chấp thuận chủ trương cho phép Cảng Sài Gòn triển khai dự án đầu tư khu bến cảng container tại khu vực huyện Cần Giờ thuộc TP.HCM theo quy hoạch…” - VIMC cho hay.

Về tiến độ triển khai dự án, Công ty Cảng Sài Gòn cho biết nếu được các cơ quan chức năng chấp thuận, từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2023 thi công xây dựng và đầu năm 2024 đưa dự án vào hoạt động. 

Phát triển cảng biển giúp lan tỏa đến các ngành kinh tế khác

Theo Công ty Cảng Sài Gòn, trong hai vị trí nghiên cứu trên, cù lao Phú Lợi là vị trí có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Chẳng hạn, ở đây có khả năng tiếp nhận cỡ tàu trọng tải lớn nhất theo thực tế đang khai thác cũng như theo quy hoạch phát triển cảng trong tương lai.

Song song đó, cù lao Phú Lợi tiếp giáp hai mặt sông là sông Cái Mép và sông Thêu. Trong đó, sông Cái Mép có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn (hiện đã tiếp nhận tàu trọng tải 214.000 DWT, quy hoạch có thể tiếp nhận tàu đến 250.000 DWT). Còn sông Thêu là sông rộng, có thể bố trí các bến tiếp nhận sà lan.

Về kết nối giao thông tại hai vị trí nghiên cứu, Công ty Cảng Sài Gòn cho biết hiện mới chỉ có kết nối theo đường thủy, chưa có các phương thức kết nối giao thông khác, đặc biệt vị trí cù lao Phú Lợi là cù lao nằm biệt lập với các khu vực lân cận.

Vì vậy, về đường bộ, tại vị trí Bình Khánh và Long Hòa, Công ty Cảng Sài Gòn cho rằng cần xây dựng tuyến kết nối từ vị trí dự án ra đường Rừng Sác, từ đó có thể kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công xây dựng.

Về đường thủy, vị trí Bình Khánh và Long Hòa có thể kết nối qua luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Đây là tuyến luồng chính kết nối các cảng TP.HCM, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT đầy tải và tàu trọng tải đến 45.000 DWT giảm tải.

Theo Công ty Cảng Sài Gòn, khi dự án hoàn thành sẽ hỗ trợ hoạt động đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các bến cảng biển vùng Đông Nam bộ. Cạnh đó, dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của huyện Cần Giờ nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung, tạo sự lan tỏa tích cực đối với các ngành kinh tế khác trong khu vực.

“Chúng tôi mong muốn phục hồi và phát triển thương hiệu cảng Sài Gòn gắn với hình ảnh trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển hàng hóa như các cảng Singapore, Hong Kong, Tanjung Pelepas (Malaysia)…” - đại diện Công ty Cảng Sài Gòn cho hay.•

 

Cần 875 triệu USD để đầu tư dự án

Quy mô đầu tư bến cảng được Công ty Cảng Sài Gòn đề xuất trong giai đoạn đầu có độ dài bến khoảng 1.500 m, cỡ tàu tiếp nhận tùy thuộc từng vị trí. Cụ thể, vị trí số một (cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ), nhu cầu sử dụng đất là 150 ha, tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 DWT, tổng mức đầu tư là 12.500 tỉ đồng (540 triệu USD).

Vị trí số hai (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ), nhu cầu sử dụng đất là 71,1 ha, tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 DWT, tổng mức đầu tư là 7.700 tỉ đồng (335 triệu USD). Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư khoảng 30%, vốn vay là 70%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm