Chiều 31-8, nhà ga của hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành đồng loạt được bấm nút khởi công. Đây là hai dự án trọng điểm quốc gia do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho ngành hàng không và cả nền kinh tế đất nước.
Nhà ga hành khách T3 với công suất thiết kế 25 triệu khách/năm sẽ nâng năng lực phục vụ của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm, qua đó giúp giải quyết ách tắc giao thông hàng không trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương bấm nút khởi công ga gói thầu của hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành. Ảnh VŨ HỘI |
Siêu sân bay Long Thành được thiết kế để trở thành cửa ngõ hàng không chính của cả nước, là một trong những sân bay lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Sân bay Long Thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất và đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng của khu vực.
Việc xây dựng hai công trình mới không chỉ mang lại lợi ích cho ngành hàng không mà còn ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế. Sự gia tăng năng lực tiếp nhận chuyến bay, lưu lượng hành khách và thu nhập từ du lịch có thể tạo ra công ăn việc làm cho người dân, đồng thời thu hút các doanh nghiệp liên quan phát triển trong hệ sinh thái hàng không.
Hai dự án có số vốn khổng lồ, quy mô lớn, phức tạp nên cần có một hệ thống quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Dự án “khủng” cần thành lập các nhóm làm việc chuyên nghiệp để giám sát tiến trình thi công, kiểm soát nguồn lực và giải quyết các vấn đề phát sinh kịp thời. Đồng thời tuân thủ các quy chuẩn an toàn xây dựng, bảo vệ tính mạng và tài sản của công nhân lao động.
Đặc biệt, để dự án thi công đúng tiến độ 39 tháng như liên danh Vietur đã cam kết, cần có sự phối hợp tốt giữa các nhà thầu và các bên liên quan để đảm bảo công việc diễn ra theo kế hoạch và không gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của sân bay hiện tại.
Giai đoạn thi công cần có kế hoạch điều chỉnh giao thông xung quanh khu vực xây dựng để giảm thiểu ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của người dân và du khách. Đồng thời, việc bảo vệ môi trường cũng là một yếu tố quan trọng, đảm bảo rằng các biện pháp xử lý chất thải và ô nhiễm được thực hiện đúng quy định.
Hai dự án trọng điểm quốc gia với khối lượng công việc phức tạp và quy mô lớn đòi hỏi phải thiết lập vai trò “nhạc trưởng” trong việc điều phối, giám sát và quản lý toàn bộ quá trình triển khai dự án. “Nhạc trưởng” phải có khả năng xác định chiến lược tổ chức công việc, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong dự án và theo dõi tiến độ thi công; giám sát chất lượng công việc, kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn lao động. Có “nhạc trưởng” sẽ giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công và đưa ra quyết định nhanh nhất để không ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.