Cần quy định người dân được sử dụng đất nông nghiệp ổn định lâu dài

(PLO)-  Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với bảy nhóm nội dung cần phản biện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-9, tại TP.HCM Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Chủ trì hội thảo là Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng các uỷ viên thường vụ LĐLS Việt Nam là Luật sư (LS) Lê Hồng Nguyên, LS Nguyễn Văn Hậu. Đồng chủ trì hội thảo còn có sự tham dự của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM.

Phát biểu khai mạc hội thảo LS Nguyễn Văn Hậu cho biết dự thảo luật Đất đai đã được cơ quan có trách nhiệm soạn thảo với tinh thần luôn cầu thị, tiếp thu, lắng nghe. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhiều quy định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Một số vấn đề có thể kể đến như: Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: HỮU ĐĂNG

7 nhóm nội dung cần góp ý

Cũng theo LS Hậu, đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), LĐLS Việt Nam đưa ra bảy nhóm nội dung cần góp ý và phản biện xã hội.

Thứ nhất là tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục chồng chéo giữa Luật Đất đai với các quy định khác của pháp luật.

Thứ hai là làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp (Quốc hội, HĐND các cấp; Chính phủ và UBND các cấp; bộ ngành địa phương) và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất.

Thứ ba là vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phạm vi lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ tư là hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch giảm khiếu kiện.

Thứ năm là góp ý quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân.

Thứ sáu là các quy định về tài chính đất đai, giá đất. Thứ bảy là các vấn đề khác như đất công, tài sản công, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm…

Kiến nghị sửa quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp

Góp ý về vấn đề nhà nước thu hồi đất tại hội thảo, ThS. LS Đặng Thị Ngọc Hạnh, chủ nhiệm đoàn LS tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết theo quy định hiện nay việc thu hồi giấy chứng nhận được cơ quan có thẩm quyền thực hiện sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai. Quy định này dẫn đến việc cơ quan thanh tra cấp huyện tuỳ tiện tham mưu cho UBND cấp huyện thu hồi giấy chứng nhận. Do đó, cần quy định cụ thể và rõ ràng mọi trường hợp đã có giấy tờ về đất thì cần phải thông qua phán quyết của toà để làm căn cứ thu hồi đất hoặc thu hồi giấy chứng nhận.

Cũng theo LS Hạnh nếu chỉ trao quyền cho cơ quan thanh tra thẩm định và tham mưu thu hồi giấy chứng nhận mà chưa qua quy trình công khai và đối chất để kiểm tra các chứng cứ về nguồn gốc đất tại toà giữa các bên tranh chấp thì thanh tra cấp huyện có thể tham mưu không chính xác gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất.

Kiến nghị liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp, LS Trương Thị Hoà đề xuất nên quy định người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được sử dụng đất nông nghiệp ổn định, lâu dài, thay vì thời hạn sử dụng 50 năm như hiện nay. Việc quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lâu dài giúp cho người sử dụng đất yên tâm tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất.

Kiến nghị thứ hai là nên quan tâm tới quyền của người Việt Nam định cư nước ngoài. Cụ thể, xem xét cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sử dụng đất nông nghiệp (quy định hiện nay không cho phép). Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích như trong các trường hợp tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để sản xuất thì có thể tận dụng tiềm lực tài chính, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp của người Việt Nam định cư ở người ngoài. Việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào sản xuất nông nghiệp có thể góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Tại hội thảo PGS-TS Phan Trung Hiền, trưởng khoa luật trường Đại học Cần Thơ cũng cho biết các quy định về tái định cư hiện nay chưa đảm bảo an dân trước khi thu hồi đất, chưa bảo đảm nguyên tắc người có đất thu hồi sau khi sống tại khu tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do đó, kiến nghị cần quy định cụ thể trong thời gian bao lâu người bị thu hồi đất được cấp nhà, đất tái định cư, cấp sổ cho người dân tái định cư, giải quyết các chế độ khác cho người tái định cư. Có như vậy thì cuộc sống của người dân tái định cư mới bằng hoặc tốt hơn trước đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm