“Theo phản ánh của nhiều thẩm phán, có nhiều vụ án dân sự chứng cứ rõ ràng, đơn giản, có ngạch giá thấp… nhưng vẫn phải giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng thông thường, gây mất thời gian, tiền bạc và công sức của các cơ quan tố tụng và các đương sự”. Bà Bùi Thị Dung Huyền (Trưởng phòng Nghiên cứu Pháp luật Dân sự - Thương mại, Viện Khoa học xét xử, TAND Tối cao) phát biểu như trên tại hội thảo về thủ tục rút gọn (TTRG) trong tố tụng dân sự do TAND Tối cao và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức mới đây.
Theo bà Huyền, việc áp dụng TTRG đối với các vụ án dân sự đơn giản, rõ ràng sẽ giảm thiểu chi phí tố tụng cho Nhà nước và các đương sự, rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc. Tòa án không cần tiến hành nhiều thủ tục tố tụng, chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp nên không phát sinh những chi phí tố tụng như giám định, định giá, thu thập chứng cứ.
Vậy thế nào là TTRG? Theo bà Huyền, TTRG là thủ tục tố tụng thông thường được đơn giản hóa, hoặc lược đi một số thủ tục không cần thiết trong quá trình tố tụng, hoặc các thủ tục này được thực hiện trong thời gian ngắn. Nhóm nghiên cứu về TTRG của Viện Khoa học xét xử - TAND Tối cao đề xuất cần quy định TTRG khi sửa BLTTDS. Theo đó, TAND cấp huyện và các tòa chuyên trách của tòa cấp tỉnh có thẩm quyền áp dụng TTRG và chỉ cần một thẩm phán giải quyết vụ việc. Đối tượng được áp dụng TTRG là các vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng; những tranh chấp mà các sự kiện đã được xác định, tòa không cần phải xác minh thêm và không cần thu thập thêm chứng cứ; những vụ kiện có giá ngạch thấp.
“Thực ra TTRG đã từng được áp dụng tại miền Nam dưới chế độ cũ và có hiệu quả nhất định. TTRG sẽ thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, lựa chọn cách giải quyết tranh chấp hiệu quả. Đương sự không cần trải qua tất cả giai đoạn tố tụng mà chỉ cần thực hiện một số thủ tục cần thiết để giải quyết vụ án. Điều này nhằm khuyến khích người dân sử dụng tòa án như một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, không sử dụng “bắt nợ”, “đòi nợ thuê”… Những điều này góp phần ngăn chặn, hạn chế những tiêu cực của vụ việc dân sự, góp phần ổn định các mối quan hệ xã hội” - bà Huyền nói.
Đồng tình, ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TAND Tối cao, cũng cho rằng việc áp dụng TTRG là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn giải quyết nhanh gọn các tranh chấp đơn giản, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Điều này cũng phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc dân sự, để tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trên đường tìm công lý.
Chân Luận