Nóng trong tuần

Cần quyết liệt xử lý nạn cho vay tín dụng đen

(PLO)-  Cơ quan chức năng cần xử lý quyết liệt hơn nữa nạn tín dụng đen để người dân không phải rơi vào cảnh khốn khó vì lãi suất “cắt cổ”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, loạt bài “Ma trận công ty tài chính dỏm tung chiêu lừa người vay” đã thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Theo đó, trong thời gian qua cơ quan công an cũng đã triệt phá một số tổ chức tài chính dỏm, tuy nhiên trên thực tế hình thức cho vay lãi nặng này vẫn còn tồn tại với nhiều chiêu thức khác nhau để dụ người vay.

Một số bạn đọc mong muốn cơ quan chức năng cần xử lý quyết liệt hơn nữa để người dân không phải rơi vào cảnh khốn khó, vì chịu lãi suất “cắt cổ” của các công ty tài chính dỏm.

Cần quyết liệt xử lý công ty tài chính dỏm

Bạn đọc Thanh Toàn bình luận: “Các tổ chức, cá nhân cho vay tín dụng đen hoạt động ngày càng công khai, thách thức pháp luật. Hiện vẫn còn thấy tờ rơi cho vay tín chấp với điều kiện cho vay rất dễ dàng được dán, phát ở ngoài đường. Nạn nhân của những tổ chức cho vay tín dụng đa phần là người nghèo khó, thiếu hiểu biết về pháp luật. Khi vay rồi thì lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều người không trả nổi nên rơi vào cảnh túng quẫn, mang nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì thế, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa để sớm dẹp tín dụng đen”.

Bộ Công an triệt phá ổ nhóm cho vay qua app, chuyên “khủng bố” con nợ, lãi suất “cắt cổ” lên tới 2.000%/năm. Ảnh: CACC

Bộ Công an triệt phá ổ nhóm cho vay qua app, chuyên “khủng bố” con nợ, lãi suất “cắt cổ” lên tới 2.000%/năm. Ảnh: CACC

“Nếu các ngân hàng có thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất hợp lý thì chắc chắn người dân không lựa chọn vay tín dụng đen. Thế nên giải pháp tốt nhất để xóa tín dụng đen núp bóng công ty tài chính là Nhà nước tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn vay an toàn từ các kênh chính thống với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay… Ngoài ra, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần kiểm soát các hoạt động quảng cáo tràn lan của tín dụng đen khiến người dân bị sập bẫy” - bạn đọc Nguyễn Hoàng nêu ý kiến.

Bạn đọc Hà An chia sẻ: “Con trai tôi cũng đã từng bị dính vào tổ chức cho vay tín dụng đen qua app. Vay chỉ vài chục triệu đồng, trả mãi vẫn chưa hết nợ. Tháng nào trả chậm là bị gọi điện thoại khủng bố hết người này đến người khác. Kiểu cho vay lãi nặng này có ở khắp các tỉnh, thành, làm khổ biết bao gia đình. Rất mong chính quyền ra tay triệt phá hết tín dụng đen”.

Cho vay lãi nặng sẽ bị phạt tù

Một số bạn đọc thắc mắc khi cá nhân, tổ chức cho vay lãi suất bao nhiêu thì là vi phạm pháp luật và xử phạt ra sao?

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác.

Bị bắt giữ vì cho vay lãi nặng

• Ngày 18-11, Công an TP Tây Ninh vừa bắt giữ Lê Văn Quân và Khuất Đình Mạnh cùng ngụ xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, Hà Nội để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng. Theo điều tra, từ tháng 4-2022, Quân và Mạnh từ Hà Nội vào Tây Ninh thuê nhà trọ để cho vay lãi nặng.

• Ngày 28-7, Công an thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã tạm giữ Tạ Thị Kiều Nga để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

• Tháng 7-2022, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay lãi nặng quy mô lớn. Đã có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng với tổng số tiền hơn 1.800 tỉ đồng.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn là không quá 20%/năm tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, đối với người cho vay không phải là tổ chức tín dụng thì mức lãi suất tối đa mà pháp luật công nhận là 20%/năm. Phần lãi suất vượt 20%/năm thì không có giá trị thực hiện.

Luật sư Hoan cho biết nếu trong giao dịch dân sự, cho người khác vay với lãi suất gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất theo quy định nêu trên, mà thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này đến ba năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

“Người vay muốn được pháp luật bảo vệ thì cần khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa làm rõ khoản lãi mà người vay phải trả là bao nhiêu. Nếu giá trị lãi đã trả vượt quá lãi suất mà pháp luật quy định thì phần vượt đó được xác định là gốc của khoản vay. Trường hợp lãi suất vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, người vay có thể làm đơn tố giác tới cơ quan công an để xử lý theo quy định” - luật sư Hoan cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm