Quy định trần lãi suất 20%/năm trong Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2015 sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2017. Thời điểm chính thức có hiệu lực của quy định này đã cận kề nhưng cả người dân và các công ty tài chính, tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn loay hoay không biết mình có bị điều chỉnh bởi quy định này hay không.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Bộ Tư pháp.
Những cách hiểu khác nhau
Phóng viên: Thưa ông, khoản 1 Điều 468 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Trong khi đó, khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD quy định: “TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
Vậy, các ngân hàng, TCTD sẽ chịu sự điều chỉnh của luật nào, BLDS hay Luật Các TCTD?
+ Ông Nguyễn Hồng Hải: Việc quy định trần lãi suất giúp Nhà nước có thể điều tiết thị trường vay trong trường hợp cần có sự ổn định của kinh tế-xã hội, định hướng chuẩn mực ứng xử trong các quan hệ cho vay, thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế việc cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, để bảo đảm không biến lãi suất trần trở thành công cụ pháp lý để hành chính hóa quan hệ dân sự, bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với các quan hệ vay tài sản đa dạng, có thể được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu của những biến động về kinh tế-xã hội, BLDS 2015 đã quy định mang tính linh hoạt theo hai cơ chế: (1) Căn cứ vào tình hình thực tế, UBTVQH điều chỉnh lãi suất theo đề nghị của Chính phủ; (2) Luật khác có liên quan quy định mức lãi suất riêng cho các quan hệ cho vay đặc thù.
Như vậy, trong trường hợp luật có liên quan quy định khác về lãi suất thì sẽ áp dụng lãi suất đó cho quan hệ vay thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Cần nói rõ rằng quy định này không chỉ dành riêng cho quan hệ tín dụng của các ngân hàng thương mại mà còn có thể áp dụng cho loại vay đặc thù vay khác như: Vay chính sách xã hội, vay đầu tư phát triển, vay vàng, ngoại tệ... nếu Nhà nước xét thấy cần điều chỉnh các quan hệ vay này bằng cơ chế lãi suất riêng.
. Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
+ Từ các phân tích trên, cho thấy, nếu Luật Các TCTD có cơ chế lãi suất trần riêng cho các hợp đồng tín dụng thì các TCTD sẽ áp dụng theo quy định của Luật Các TCTD.
Vấn đề là Luật Các TCTD hiện hành đã thực sự áp dụng một cơ chế lãi suất riêng cho các hợp đồng tín dụng chưa? Xét về mục đích chính sách pháp luật thì quy định tại khoản 2 Điều 91 của luật này cho thấy dường như nhà làm luật mong muốn là như vậy. Nhưng xét về mặt kỹ thuật lập pháp qua thực tiễn áp dụng pháp luật quy định này đã và đang dẫn đến những cách hiểu khác nhau; kể cả trong công tác xét xử của tòa án và điều này là không có lợi cho các chủ thể trong hợp đồng tín dụng vì những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong thi hành pháp luật.
.Vì sao dẫn đến những cách hiểu khác nhau, thưa ông?
+ Vì khoản 2 Điều 91 cho phép TCTD và khách hàng của mình thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng tín dụng nhưng lại giới hạn “theo quy định của pháp luật”. Đây là cách quy định “lòng vòng”, “luẩn quẩn” vì theo quy định của pháp luật tức là vẫn có thể hiểu phải theo quy định của BLDS. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (thông tư, quyết định của thống đốc NHNN) có quy định riêng về lãi suất khác với quy định về BLDS thì ưu tiên áp dụng quy định nào, qua thực tế một số thẩm phán vẫn cho rằng phải căn cứ vào lãi suất trong BLDS.
Cần phải quy định cụ thể bằng luật
. Vậy theo ông cần phải làm gì để giải quyết vướng mắc này?
Cần sửa đổi khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD để có cách hiểu thống nhất hơn trong xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật. Việc sửa đổi này cần căn cứ vào quy định của Hiến pháp và BLDS 2015, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bằng luật, mục đích của nội dung quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015, khoản 3 Điều 91 Luật Các TCTD, khoản 2 Điều 12 Luật NHNN Việt Nam.
Theo đó, có thể sửa đổi theo hướng “TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD, trừ trường hợp NHNN áp dụng lãi suất theo quy định tại khoản 3 điều này”.
. Trong trường hợp này có phải luật chuyên ngành mâu thuẫn với luật chung không và nên sửa cụ thể như thế nào?
+ Thực ra quy định tại khoản 2 Điều 91 không phải dẫn đến mâu thuẫn mà là có dẫn tới cách hiểu lãi suất trong hợp đồng tín dụng sẽ áp dụng theo BLDS và sẽ vướng trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN. Còn về vấn đề sửa Luật Các TCTD thì phải thống nhất nguyên tắc thế này, áp dụng lãi suất trần tức là giới hạn quyền thỏa thuận của TCTD, của khách hàng. Do đó cần phải quy định cụ thể bằng luật, đây là nguyên tắc được của Hiến pháp, BLDS.
Tuy nhiên, Luật Các TCTD không nên quy định một mức lãi suất cố định cứng nhắc mà chỉ nên quy định nguyên tắc riêng theo hướng sửa đổi như tôi nêu ở trên. Trên cơ cở đó, NHNN theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật NHNN, khoản 3 Điều 91 Luật Các TCTD ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế điều hành lãi suất trong quan hệ tín dụng cụ thể.
. Xin cám ơn ông.■
Trần lãi suất 20%/năm cũng bất hợp lý
Tại khoản 1 Điều 468 của BLDS 2015 nêu rõ: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Tôi cho rằng điều luật trên mở ra nhiều cách hiểu khác nhau. Ngay cả quy định về tỉ lệ trần lãi suất 20%/năm cũng bất hợp lý. Bởi thực tế không có một cơ sở nào để đưa ra con số này cả, tại sao không phải là 15%/ năm, 18%/năm, 25%/năm… mà lại là 20%. Hơn nữa, hiện nay lãi suất tín dụng tiêu dùng cũng đã ở mức trên 20%/năm. Ví dụ, lãi suất đối với thẻ tín dụng nhiều khi lên đến 28%-30%/năm. Do vậy nếu chiếu theo quy định trên thì các TCTD đều vi phạm luật hết. Do đó đây là một quy định không có cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tế. Bên cạnh đó, nếu áp trần 20%/năm không khác nào chặn tín dụng tiêu dùng, chặn phát triển kinh tế. Không chỉ vậy, nó còn đẩy người dân vào nạn tín dụng đen bởi nhu cầu vay là nhu cầu có thực và chính đáng. TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính-ngân hàng Khống chế nạn tín dụng đen Lãnh đạo của Công ty Tài chính FE Credit cho rằng quy định trần lãi suất cho vay 20%/ năm chỉ được áp dụng nhằm điều chỉnh hoạt động tín dụng phi chính thức, tín dụng đen. Qua đó nhằm khống chế nạn cho vay nặng lãi, áp dụng cho các mối quan hệ vay mượn dân sự của dân. Còn các TCTD trong đó bao gồm cả công ty tài chính sẽ được cho vay theo lãi suất thỏa thuận, được quy định tại Luật Các TCTD. Cụ thể tại Điều 91 của Luật Các TCTD quy định TCTD và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất. Phải tuân thủ nguyên tắc thị trường
Tại khoản 1 Điều 468 của BLDS 2015 có cụm từ “… trừ luật khác có liên quan quy định khác” thì đây là sự rất tiến bộ vì hoạt động của thị trường tài chính phải theo đúng nguyên tắc thị trường. Hay nói cách khác nền kinh tế không thể có trần lãi suất chung cho mọi hoạt động giao dịch. Vì vậy, phải tuân thủ nguyên tắc thị trường cho thị trường tài chính. Lãi suất của các TCTD hoạt động cho vay như các ngân hàng, các công ty tài chính tiêu dùng hoặc các công ty cho thuê tài chính… thì đương nhiên họ có luật riêng điều chỉnh và như vậy luật đã mở ra góc cạnh là “trừ luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy các TCTD hoặc các công ty tài chính sẽ hoạt động theo Luật Các TCTD. Ông PHẠM XUÂN HÒE, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - NHNN |