Cần tăng đối thoại với dân để giảm đơn vượt cấp, kéo dài

Sáng và chiều 1-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã giám sát tại UBND TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh về việc thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021.

Kiến nghị tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm

Sáng 1-3, báo cáo với đoàn giám sát, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho rằng nơi đây có số vụ khiếu nại, tố cáo nhiều nhất TP.HCM. Cụ thể, chỉ tính riêng các vụ khiếu nại, tố cáo đông người và hết sức khó khăn hiện nay của TP.HCM là 10 vụ thì TP Thủ Đức đã chiếm tới bốn vụ. Đó là các vụ khiếu nại liên quan đến các dự án khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, chỉnh trang phát triển đô thị Long Bình, Công viên Lịch sử - Văn hóa - Dân tộc.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, tại buổi giám sát sáng 1-3. Ảnh: TÁ LÂM

Ông Tùng cho rằng với những vụ việc này, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức đã làm việc rất nhiều lần và đã có rất nhiều chỉ đạo. Tuy nhiên, đây là những vụ việc đòi hỏi phải có sự phối hợp của các sở, ngành, chứ riêng TP Thủ Đức không thể giải quyết được.

Riêng đối với vụ khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài ở KĐT mới Thủ Thiêm, dù đã được Thanh tra Chính phủ ban hành hai bản kết luận từ năm 2018 đến nay nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo 1483 về việc xác định một phần đất 4,3 ha trong KĐT mới Thủ Thiêm đã bị thu hồi chưa đúng quy định.

Sau bản kết luận đầu tiên, TP.HCM đã tổ chức khắc phục, trả lại quyền lợi hợp pháp cho 331 hộ dân còn khiếu nại. Đến nay, khoảng 60% hộ dân tại đây đã đồng thuận và UBND TP Thủ Đức đang xem xét, giải quyết cho 12 hộ dân còn lại liên quan đến vấn đề thừa kế và khiếu nại ranh đất. “Dự kiến đến tháng 6, việc giải quyết quyền lợi cho 331 trường hợp này sẽ cơ bản hoàn tất” - ông Tùng khẳng định.

Ông Đỗ Quốc Doanh, Phó Trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, cho biết hiện vẫn còn tồn đọng 270 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến KĐT mới Thủ Thiêm. “Khi nào Thanh tra Chính phủ chưa tổ chức đối thoại thì khi đó chưa thể giải quyết được số đơn tồn đọng này” - ông Doanh nói.

Giải trình thêm, ông Tùng cho rằng đa phần người dân không đồng tình với nội dung trong Thông báo 1169 của Thanh tra Chính phủ và người dân đang chờ được đối thoại với cơ quan này. Vì vậy, ông Tùng kiến nghị đoàn giám sát của QH TP.HCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức buổi tiếp xúc chính thức với người dân để công bố, sau đó địa phương mới có thể giải quyết các khiếu nại liên quan theo đúng quy định.

Chủ tịch TP Thủ Đức là bị đơn của 400 vụ kiện hành chính

Theo ông Tùng, hiện nay, UBND và chủ tịch UBND TP Thủ Đức các thời kỳ đang là bị đơn của hơn 400 vụ kiện khác nhau. Đa phần các vụ này đều ủy quyền cho các phòng ban chức năng tham gia đại diện, tranh tụng trước tòa. Tuy nhiên, không phải lúc nào cán bộ được ủy quyền tranh tụng tại tòa cũng có đủ kinh nghiệm, kiến thức pháp luật. Từ đó, ông Tùng đề xuất cần có cơ chế huy động thêm sự hỗ trợ của văn phòng luật sư, tư vấn pháp lý để có thể đại diện cho TP Thủ Đức tham gia tranh tụng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho rằng mục tiêu sau khi thu hồi đất là đời sống người dân được ổn định và nâng lên, đặc biệt là các hộ dân bị giải tỏa trắng nhưng có những trường hợp kinh phí bồi thườn người dân nhận được còn không đảm bảo cuộc sống như hiện tại. “Nếu đặt mình trong hoàn cảnh người dân, mình có đi khiếu nại không?” - bà Tuyết đặt vấn đề.

Cán bộ tiếp dân phải có trình độ

Chiều 1-3, Đoàn ĐBQH TP làm việc với UBND huyện Bình Chánh. Ông Hà Tấn Lộc, Chánh Thanh tra huyện Bình Chánh, cho biết thời gian qua, UBND các cấp ở huyện Bình Chánh đã tập trung chấn chỉnh, xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng một số trường hợp đã cố tình khiếu nại, tố cáo vì mục đích cá nhân. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật hiện nay về xử lý người lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng.

Tại buổi làm việc, đại diện Thanh tra TP.HCM cho biết thời gian qua đơn vị này nhận được rất nhiều đơn thư của người dân từ huyện Bình Chánh gửi lên. Chỉ tính riêng năm 2021, Thanh tra TP đã nhận được 29 đơn khiếu nại, 23 đơn tố cáo, 15 đơn phản ánh, kiến nghị.

“Theo dõi chung thì huyện Bình Chánh là địa bàn phát sinh đơn thư nhiều nhất” - đại diện Thanh tra TP nói và cũng cho rằng địa phương cần có những biện pháp tiếp nhận, xử lý tốt đơn thư của người dân. “Nếu trường hợp chưa xử lý được thì tổ chức gặp gỡ công dân, xin lỗi hoặc có tâm thư để người dân đồng cảm, chia sẻ” - người này nói tiếp. Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, nêu vấn đề theo báo cáo có cả phó chủ tịch huyện ra tiếp dân (95 lượt - PV). “Cấp phó tiếp dân thì có đúng quy định không? Trường hợp công việc nhiều thì nên có kiến nghị, cơ chế nào để cho phép cấp phó tiếp dân chứ nhiều việc quá thì chủ tịch tiếp sao nổi” - ông Đạt nêu vấn đề.

Đại diện Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng nếu ở cấp cơ sở xử lý tốt về công tác tiếp dân thì đơn thư vượt cấp giảm xuống vì thực tế đơn thư gửi vượt cấp lên chủ tịch HĐND TP rất nhiều.

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cho rằng những hồ sơ quá hạn giải quyết còn nhiều, chúng ta cần quan tâm giải quyết đúng thời hạn. “Việc để hồ sơ quá hạn khiến người dân bức xúc, gửi vượt cấp càng khiến cho khâu giải quyết càng thêm phức tạp” - bà Thuận nói.

Phát biểu kết luận, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND xã cần phải trực tiếp tiếp dân theo đúng quy định là bốn lần/tháng, cấp dưới chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Bà Tuyết cũng đề nghị UBND huyện Bình Chánh tiếp thu các lưu ý để có điều chỉnh trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm