Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Đình Long phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của đại biểu đến từ các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên ngày 6-5.
ông Đinh Duy Vượt, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai, cho rằng công tác giám sát của QH, HĐND hiện nay chưa hiệu quả, chưa thực quyền. Nguyên nhân chủ yếu là giám sát nhưng không thể đưa ra được các quyết định xử lý. Vì vậy ông Vượt đề nghị hoạt động giám sát của QH, HĐND phải thực quyền và kết luận giám sát phải mang tính hiệu lực ngang với thanh tra.
Ông Tạ Tự Bình, Phó ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, đặt câu hỏi: “Vậy nghị quyết giám sát của HĐND nhưng đối tượng bị giám sát không thực hiện thì phải làm sao? Hiện nay tôi chưa thấy có chế tài nào để xử lý người không thực hiện nghị quyết cả”. Theo ông Tạ Tự Bình, bây giờ những người có trách nhiệm không sợ HĐND hay QH mà sợ dư luận xã hội thôi. “Giám đốc các sở, ngành hay bộ trưởng chỉ sợ dư luận xã hội chứ không sợ HĐND hay QH. Có ra nghị quyết mà người ta không thực hiện cũng chịu, không xử lý được” - ông Tạ Tự Bình nói.
Hầu hết đại biểu tại hội nghị này đều đề xuất ban soạn thảo cần phải đưa vào dự án luật quy định bắt buộc tuân thủ tuyệt đối các nghị quyết, kết luận của HĐND và QH chứ không phải chỉ quy định “nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, HĐND. Và sau giám sát là ra kết luận luôn để tạo ra hiệu lực”.
Bà Trương Thị Xuân Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay cử tri rất phàn nàn về việc xử lý không nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức trong giám sát của HĐND. “Cử tri cho rằng HĐND giám sát về các sai phạm của cán bộ, công chức là rất đúng nhưng thực tế thì HĐND không quyết được việc xử lý một số chức danh, cán bộ, công chức không phải do mình bầu. Sau khi giám sát, phát hiện sai phạm thì các đơn vị khác xử lý như thế nào thì như vậy chứ HĐND không thể nhúng tay vào. HĐND chỉ có thể quyết được những chức danh do HĐND bầu” - bà Hồng nói.
Ông Tạ Tự Bình cho rằng ban soạn thảo cần quy định các đại biểu HĐND có quyền kiến nghị bãi bỏ các văn bản trái luật và đề nghị xem xét trách nhiệm người ban hành văn bản trái luật này. Nếu không thực hiện thì trình ra Thường trực HĐND và HĐND ra nghị quyết bãi bỏ, xử lý trách nhiệm. “Chứ hiện nay quy định đại biểu yêu cầu UBND TP xử lý các văn bản sai luật, tôi thấy không làm được. Cái này chỉ có thể yêu cầu Thường trực HĐND để ra nghị quyết. Tôi chưa thấy đại biểu nào dám kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh, TP ra quyết định bãi bỏ văn bản trái luật của mình cả” - ông Bình viện dẫn. |