Sau một thời gian hạ nhiệt, những ngày gần đây giá heo hơi có xu hướng tăng nóng trở lại. Nhiều ý kiến lo ngại từ nay đến tết Nguyên đán Tân Sửu, mức giá sẽ tiếp tục tăng.
Giá heo đang trên đà tăng
Theo bảng giá của Công ty cổ phần Anova Feed, những ngày đầu tháng 1-2021, giá heo hơi trên cả nước tiếp tục tăng nhẹ. Hiện giá heo hơi tại một số tỉnh miền Bắc đã nhảy lên mức 76.000-79.000 đồng/kg. Tại một số tỉnh miền Trung, giá heo hơi quanh mốc 76.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá heo cũng tăng lên 74.000-78.000 đồng/kg.
Như vậy, nếu so sánh với cách nay hơn hai tuần, giá heo hơi đã tăng trung bình 6.000-10.000 đồng/kg tùy từng khu vực. Giới kinh doanh nhận định giá heo hơi tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thịt heo tăng khá mạnh, cộng thêm việc các công ty thực phẩm tăng cường mua thịt heo để chế biến các loại thực phẩm tết như xúc xích, giò heo, giăm bông...
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, đánh giá đầu năm, giá thịt heo bán lẻ ở thị trường cao chót vót 200.000-250.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do có dấu hiệu thao túng của một số công ty chăn nuôi quy mô lớn, “độc quyền” đang chiếm gần 40% thị phần.
Đến năm tháng cuối năm, nhất là trong hai tháng 10 và 11-2020, giá heo hơi đã giảm 25%-30%, thậm chí xuống mức chỉ còn 65.000-67.000 đồng/kg. Giá heo hơi đã giảm nhưng giá bán lẻ ở siêu thị và chợ chỉ giảm nhỏ giọt 3%-5%.
“Vì vậy, người tiêu dùng vẫn tiếp tục thiệt hại với giá bán lẻ cao vô lý, mà nguyên nhân chính là do những tác động của khâu trung gian và khâu bán lẻ” - ông Phú bình luận.
Một số công ty cho hay sẽ tiếp tục nhập thịt heo để phục vụ cho nhu cầu tăng cao dịp tết Nguyên đán tới đây. Ảnh: TÚ UYÊN
Cam kết không tăng giá
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận thời gian gần đây giá heo hơi trên thị trường có xu hướng nhích lên do nhu cầu tăng dịp tết, cùng với dịch tả heo châu Phi tái phát ở một số địa phương.
Tuy nhiên, hiện tổng đàn heo cả nước đã đạt trên 26 triệu con và đàn nái đã phục hồi đạt 3 triệu con nên quý I-2021 sản lượng thịt heo sẽ tiếp tục tăng. “Vì vậy, áp lực với mặt hàng thịt heo tuy vẫn còn nhưng không quá lớn như đầu năm 2020” - Thứ trưởng Tiến nhận định.
Nhiều công ty cũng khẳng định hiện nay nguồn cung thịt heo khá dồi dào nhờ các trang trại tái đàn và tăng đàn, cộng thêm nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu từ các nước gia tăng. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), mới đây cam kết sẽ giữ giá thịt heo bình ổn trong dịp tết.
“70% thịt heo nhập khẩu hiện đã được chúng tôi đóng gói thành 1-2 kg ở kho lạnh. Nếu thị trường có biến động, chúng tôi sẽ tung lượng hàng này để kìm lại. Vì vậy, tết năm nay người dân không lo thịt heo tăng giá” - ông Khoa khẳng định.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thông tin, để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm và tết Nguyên đán, trong đó có mặt hàng thịt heo, UBND và Sở Công Thương rất nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai công tác bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo.
“Theo báo cáo của các sở Công Thương, hiện có 14/63 địa phương có kế hoạch thực hiện bình ổn mặt hàng thịt gia súc, trong đó chủ yếu là mặt hàng thịt heo vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán. Trong đó có các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng” - vị này thông tin.
Cụ thể, tại Hà Nội, lượng hàng hóa thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường đáp ứng 35% nhu cầu thị trường. Tại TP.HCM, lượng hàng thịt gia súc, chủ yếu là thịt heo, tham gia bình ổn chiếm 21% nhu cầu thị trường.
Đồng thời, các công ty tham gia chương trình bình ổn thị trường đã cam kết giữ ổn định giá, không tăng giá bán một tháng trước và sau tết; thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá sâu hai ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu, trong đó có thịt heo.
Chẳng hạn, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã xây dựng chương trình bán thịt heo bình ổn. Thời gian thực hiện từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30 các ngày từ 28 đến 30 tết. Giá bán được các công ty cam kết bằng giá bán tại lò mổ, thấp hơn giá thị trường và được niêm yết công khai, rộng rãi.
Không để giá heo tăng cao dịp tết
Tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong sáu tháng đầu năm 2020, việc dự báo cung cầu mặt hàng thịt heo còn yếu. Nếu để giá thịt heo tăng vọt lên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng, mà trong rổ giá chung thì thịt heo chiếm hơn 70%.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị: “Tết năm nay, làm sao không được để thịt heo giá cao. Bài toán này giao cho Bộ NN&PTNT xử lý”.
Lượng thịt heo nhập khẩu tăng 357%
Để giảm giá thịt heo, từ tháng 6-2020, Chính phủ cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích việc nhập khẩu thịt heo từ các nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, riêng trong chín tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 90.000 tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với trị giá gần 215 triệu USD. Con số này tăng 357% về lượng và tăng 460% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Thịt heo nhập chủ yếu từ Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan. Việc nhập khẩu thịt heo từ các nước góp phần kéo giảm giá thịt heo thời gian qua.