Theo ông Trần Hùng Phó, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, tình trạng hàng nhập lậu từ nước ngoài giả mạo hàng Việt Nam đang ngày gia tăng.
Làm giả từ bia tới nước mắm
. Ông đánh giá tình hình hàng gian, hàng giả dịp cận tết như thế nào?
+ Ông Trần Hùng Phó, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường: Dịp tết luôn là thời điểm mà hàng giả, hàng nhái bùng phát mạnh do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao. Các địa bàn cần tập trung công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và các khu vực đông dân cư, làng nghề. Đây là những nơi sản xuất, lắp ráp, tập kết và phát luồng hàng giả, hàng nhái.
. Dường như đây cũng là cơ hội cho nhiều mặt hàng Trung Quốc nhập lậu vào?
+ Mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là bia rượu, mì chính (bột ngọt), nước mắm... bị làm giả nhiều nhất. Vừa qua cơ quan chức năng phát hiện vụ việc pha bia Sài Gòn và bia Heineken tại TP.HCM. Rượu bị làm giả phổ biến ở Đồng Nai, Cần Thơ, TP.HCM… với các nhãn hiệu như Vodka Hà Nội hay một số thương hiệu ngoại nổi tiếng. Mì chính được làm giả bằng cách dùng mì chính trôi nổi trên thị trường chia nhỏ, đóng gói, cho vào bao bì nhãn giả đem rồi đi tiêu thụ với giá bán cao hơn nhiều. Về nước mắm thì gần nhất là vụ phát hiện 2.664 chai nước mắm giả nhãn hiệu Hương Trung tại Gia Lai, vụ 6.000 chai nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư tại Nghệ An…
Cơ quan quản lý thị trường phát hiện một cơ sở làm mì chính giả mạo. Ảnh: TÚ UYÊN
Ngày càng tinh vi
. Vậy tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt khi nhập về Việt Nam đã đến mức đáng báo động chưa, thưa ông?
+ Tình trạng này đang khá phổ biến. Để tránh mua phải hàng ngoại không bảo đảm chất lượng, nhiều người dân có xu hướng chọn tiêu dùng hàng hóa Việt Nam. Lợi dụng điều này, các đối tượng vi phạm đã thay đổi bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa nước ngoài thành xuất xứ Việt Nam, giả mạo những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Các đối tượng bán lẻ thì thay nhãn hàng xuất xứ nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam, trà trộn với hàng nội địa để bán cho người tiêu dùng. Phổ biến là các mặt hàng rau, củ quả, quần áo, giày dép…
. Thủ đoạn làm hàng gian, hàng giả tinh vi ra sao?
+ Vi phạm về hàng giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện, chẳng hạn như mặt hàng thực phẩm giả về cảm quan rất giống hàng thật. Hàng giả mạo nhãn hiệu hiện nay thường được sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Trên bao bì có ghi địa chỉ nơi sản xuất hoặc nhà phân phối không có thực, chỉ trưng bày vỏ hoặc bao bì sản phẩm cho khách hàng tham khảo, sau khi ngã giá, hàng hóa mới được lấy từ nơi cất giấu ra bán cho khách.
Đặc biệt, vi phạm về hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài đã xuất hiện dấu hiệu đáng quan ngại.
Thị trường hàng giả đã được “nội địa hóa” bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì nhãn mác mới thành các sản phẩm Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Ví dụ mắt kính các hiệu nổi tiếng từ Thái Bình lên; quần áo thể thao các hiệu từ TP.HCM ra; bánh kẹo các loại từ La Phù; dụng cụ thể thao kiểu Mỹ, đồ cơ kim khí thì từ Thạch Thất... Nhiều mặt hàng tiêu dùng đã được thị trường chấp nhận được đặt làm giống hệt từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam như vòi sen tắm hiệu Inax, Joden, Clever, bếp gas Rinnai, Paloma; đồng hồ... nước hoa, hóa mỹ phẩm, máy nghe nhạc Mp3, Mp4 hiệu Sony; quần áo, túi xách, ví hiệu Louis Vuitton… Đáng chú ý, một số đối tượng lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt hàng từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) làm giả nhãn hiệu của Việt Nam, đưa vào nội địa tiêu thụ.
. Từ nay đến tết và sau tết, cơ quan chức năng có kế hoạch gì để đảm bảo cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa đúng chất lượng?
+ Ban Chỉ đạo 127 Trung ương và Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các cấp, các ngành chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại tập trung chủ yếu vào các nhóm mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng, đặc biệt là mặt hàng nhập lậu giả mạo xuất xứ Việt Nam. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép kinh doanh, chuyển truy tố các vụ việc cấu thành tội phạm hình sự theo quy định pháp luật.
. Xin cảm ơn ông.
TÚ UYÊN