Ở tuổi trung niên, khi kinh tế, công việc không còn là mối bận tâm hàng đầu, nhiều người tập trung nâng cao sức khỏe bằng cách lựa chọn chơi một môn thể thao.
Ôm ngực chạy vào bệnh viện cấp cứu
Ông Đặng Văn Công (59 tuổi, ngụ quận Tân Bình) là trường hợp không ngoại lệ. Mới đây, trong một lần chơi tennis, môn thể thao ưa thích của ông trong thời gian gần đây, ông Công bất ngờ bị đau dữ dội ở ngực trái, khó thở nhiều, vã mồ hôi nên phải bỏ dở cuộc chơi giữa chừng. Lo lắng cho sức khỏe, ông vào BV Thống Nhất (TP.HCM) cấp cứu. Tại BV Thống Nhất, các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim cấp và tiến hành chụp, can thiệp động mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy ông bị tắc nhánh động mạch vành lớn nuôi trái tim do nhiều huyết khối. Sau khi hội chẩn và tiến hành đặt stent, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện.
Dần hồi phục ở phòng bệnh, ông Công chia sẻ: “Hồi nào giờ sức khỏe khá ổn định, tôi cũng thường đi khám sức khỏe định kỳ và được các bác sĩ chẩn đoán tim mạch vẫn bình thường”.
Sau trường hợp của ông Công, vài ngày sau BV Thống Nhất tiếp tục cấp cứu cho một bệnh nhân nam (56 tuổi) đang chơi cầu lông thì cảm thấy mệt nên nghỉ ngơi. Khi ngồi nghỉ, ông cảm thấy xuất hiện những cơn đau ngực nên vào BV cấp cứu và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy ông bị tắc hoàn toàn một nhánh mạch vành bên phải và được các bác sĩ can thiệp kịp thời, cứu sống.
Cách đây không lâu, BV ĐH Y Dược TP.HCM cũng ghi nhận một trường hợp người đàn ông lớn tuổi có sở thích dậy sớm chạy bộ. Trong lúc chạy bộ, người này đột ngột bị hôn mê bất tỉnh, người đi đường đưa vào BV cấp cứu với chẩn đoán đột quỵ do đứt mạch máu não. Dù tính mạng được cứu sống nhưng người đàn ông vẫn bị liệt nửa người và phải tập hồi phục chức năng nhưng chỉ phục hồi được một phần chứ không được hoàn toàn.
Ông Đặng Văn Công được điều trị tại BV Thống Nhất. Ảnh: HL
Tầm soát chuyên sâu mới phát hiện
Trực tiếp can thiệp động mạch vành cứu sống hai trường hợp kể trên, TS-BS Nguyễn Văn Tân, Phó khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp, BV Thống Nhất, TP.HCM, cho hay độ tuổi 40-60 tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tim mạch mà khám sức khỏe định kỳ như siêu âm tim bình thường chưa hẳn đã phát hiện ra vì bình thường bệnh nhân chưa gắng sức nên sẽ không có biểu hiện ra bên ngoài. Ở độ tuổi này, trước khi lựa chọn chơi một môn thể thao gắng sức, người chơi nên đi tầm soát chuyên sâu để đánh giá chức năng tim mạch trước, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao như gia đình có người mắc bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, thận mạn, tăng lipid máu…
Để tầm soát những yếu tố nguy cơ, ngoài xét nghiệm thông thường ra cần làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, gần đây là có kỹ thuật chụp CT động mạch vành để phát hiện ra mức độ hẹp động mạch vành và tổn thương động mạch vành nếu có. Khi có kết quả tầm soát chuyên sâu, bác sĩ sẽ tư vấn giúp người bệnh lựa chọn môn thể thao phù hợp, tránh hậu quả đáng tiếc.
ThS-BS Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay ở lứa tuổi trẻ 20-30, việc đột tử chủ yếu do bệnh cơ tim phì đại. Người mắc bệnh này có cơ tim dày hơn người bình thường nhưng chức năng không bình thường, khi hoạt động thể lực quá mức, chức năng co bóp của tim không hiệu quả khiến bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim và ngưng tim. Nguyên nhân này thường chỉ được phát hiện khi mổ tử thi tìm nguyên nhân.
Một nguyên nhân hiếm gặp hơn là người bệnh có dị dạng mạch máu não hoặc dị dạng mạch máu lớn trong lồng ngực, khi hoạt động mạnh làm mạch máu này vỡ ra gây đột tử.
Một số bệnh lý tim khác như cơ tim giãn nở, bệnh lý mạch vành, dị tật bẩm sinh bình thường không phát hiện cho đến khi gắng sức quá mức, đột ngột thì mới phát hiện.
Ngoài thực hiện các biện pháp tầm soát chuyên sâu trước khi lựa chọn một môn thể thao gắng sức, người lớn tuổi không nên dậy quá sớm, lúc chưa có ánh nắng mặt trời để tập thể thao. Lúc này nếu hoạt động cường độ cao cộng với nhiệt độ lạnh sẽ làm cho máu co lại đột ngột dễ gây xuất huyết não. |