Ngày 29-2, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức hội thảo “Hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam” nhằm lấy ý kiến, trao đổi và thảo luận làm cơ sở kiến nghị, bổ sung một số điều về hiến mô, tạng từ người chết tim vào Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
Thực tiễn “chạy xa” luật
Theo PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc TTĐPGTQG, con số “vài chục ngàn người” được công bố từ trước đến nay về số người chờ ghép tạng chỉ là con số ước lượng, rất thấp so với thực tế.
Tại Việt Nam, tính đến năm 2019, số người được ghép mô, tạng là khoảng 25.000 người, trong khi có 126.000 người trong danh sách chờ ghép.
“Một vấn đề rất lớn của ngành ghép tạng là thiếu tạng. Do vậy, cần phải tận dụng mọi nguồn để có tạng hiến cho người nhận” - PGS Đồng Văn Hệ nói.
Tuy nhiên, theo ông Hệ, nguồn mô, tạng hiến từ người chết tim hiện nay đang tăng rất nhanh, thậm chí cao hơn nguồn hiến từ người chết não tại một số quốc gia.
Tại Việt Nam, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ra đời từ năm 2006 chỉ đề cập đến vấn đề chết não và hiến tạng, mô từ người chết não, chưa đề cập đến những vấn đề về chết tim.
“Nguồn hiến mô, tạng từ người chết tim rất lớn, nhiều quốc gia đã triển khai những quy định liên quan đến vấn đề này. Chúng ta cần dành sự quan tâm, cụ thể hóa và đề xuất bổ sung quy định về chết tim và hiến mô, tạng từ người chết tim vào luật” - ông Hệ nói.
Đồng quan điểm, TS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, cho biết hiện nay Việt Nam đã có đủ khả năng, kỹ thuật để ghép được tất cả mô, tạng. Ghép mô, tạng đã trở thành một liệu pháp an toàn cho người bệnh nhưng để có thể ghép được phải có nguồn mô, tạng hiến.
“Số người chết não hiến mô, tạng còn quá thấp so với số người trong danh sách chờ ghép. Chính khoảng cách này đã khiến cho việc mua bán mô, tạng vẫn tiếp diễn. Do đó, cần có quy định về chết tim và hiến mô, tạng từ người chết tim” - bà Thu nói.
Cần quy định về chẩn đoán chết tim
Theo Giám đốc BV Việt Đức Dương Đức Hùng, chẩn đoán chết tim là vấn đề phức tạp. “Rất khó để xác định được rằng tim đã chết khi không có các thiết bị hỗ trợ, trong khi các bộ phận khác vẫn hoạt động” - ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, trên thực tế có những biện pháp như ECMO - sử dụng tim nhân tạo có thể giúp duy trì sự sống.
“Đặc biệt, chính bản thân người chết tim cũng là một trường hợp cần được ghép tim. Nếu vài ngày sau, có tim phù hợp với người này thì sao? Nói vậy để hiểu rằng rất khó khi quyết định lấy tạng, mô từ một người được chẩn đoán chết tim. Giám đốc BV hoặc chủ tịch Hội đồng BV là người ký quyết định thực hiện việc lấy tim cũng phải rất thận trọng” - ông Hùng nói.
Ông Hùng lấy ví dụ đã có trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn, sau khi các bác sĩ nỗ lực trong suốt 3 giờ (thông thường chỉ là 1 giờ), tim của bệnh nhân đã đập lại.
Còn theo TS Dư Thị Ngọc Thu, cần định nghĩa rõ ràng về ngừng tim và chết não trong hiến tạng. Cần xây dựng hoàn chỉnh, chặt chẽ các quy định về pháp lý cho vấn đề này.
Cũng tại hội thảo, ông Hà Trường Giang, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thừa nhận sau 18 năm triển khai thực hiện, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập.
“Đề xuất bổ sung những quy định về chết tim và hiến tạng, mô từ người chết tim vào luật là phù hợp” - ông Giang nói.
Tuy nhiên, theo ông Giang, cần có những tiêu chuẩn, hướng dẫn rõ ràng liên quan đến vấn đề chết tim làm tiền đề đưa vào luật. Cần có báo cáo về kinh nghiệm, quy định quốc tế cụ thể để phân tích, tham khảo. Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế cần có số liệu cụ thể về người chết tim và tỉ lệ ghép mô, tạng thành công từ người cho chết tim làm bằng chứng.
Cần sớm sửa đổi luật liên quan
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ra đời từ năm 2006 chỉ đề cập đến vấn đề chết não và hiến tạng, mô từ người chết não; không đề cập đến những nội dung liên quan đến chết tim.
Phó Giám đốc TTĐPGTQG Hoàng Văn Phúc cho rằng gần 20 năm qua, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác chưa được sửa đổi. Do vậy, theo ông, Bộ Y tế nên đưa luật này vào danh mục ưu tiên để trình Quốc hội ngay trong năm 2024.
PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc TTĐPGTQG, nhấn mạnh: “Cần có những chuẩn bị thật kỹ về mọi mặt, vì cơ hội để đưa dự thảo luật sửa đổi, bổ sung ra trước Quốc hội là rất quý. Tôi đã làm việc với Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), kỳ vọng luật sửa đổi sẽ được xem xét, phê duyệt vào năm 2025”.